Hotline 24/7
08983-08983

Sau vụ 12 sinh viên ngộ độc, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư nhậu với rượu rẻ

Sau vụ ngộ độc rượu, khách vẫn tấp nập ra vào những quán nhậu vỉa hè. Dường như những lời cảnh báo về ngộ độc rượu rẻ vẫn không hề ảnh hưởng đến sở thích của nhiều người.

Có thêm chén rượu, câu chuyện mới dễ đưa đẩy!

Những ngày qua, thông tin về vụ ngộ độc rượu của 12 sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (cơ sở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đang trở thành chủ đề quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, không ít sinh viên lại tỏ ra khá thờ ơ trước những lời cảnh báo này.

6g chiều ở khu vực Nghĩa Tân, Tô Hiệu hay Chùa Láng (Cầu Giấy), các quán lẩu, nướng, ốc nóng vỉa hè đều rất đông khách và chủ yếu là sinh viên. Những quán ăn đơn sơ với vài ba chiếc bàn nhựa, ghế thấp, ngồi ngay vỉa hè mưa rơi nhưng bù lại, giá cả lại rẻ. Một nồi lẩu, giá chỉ 150.000 đồng và nướng là 30.000 đồng/đĩa.

Không cần cầu kỳ, nhiều nhóm sinh viên nam chỉ cần gọi một vài đĩa nướng hoặc "sà" vào quán ốc nóng là đã có thể thư thả nhâm nhi rượu chè cả buổi. Những chai rượu ở đây hoàn toàn không có nhãn mác, được đóng vào can 3 hoặc 5 lít.

Tùy theo nhu cầu của khách, chủ quán có thể mang ra rượu trắng hoặc rượu táo mèo hay rượu mơ... Giá bán tính theo lít, khoảng 25.000-30.000 đồng đối với rượu ngâm, và 18.000 - 22.000 đồng đối với rượu trắng.

Trên bàn nhậu, nhiều bạn trẻ không hề mảy may suy nghĩ đến chất lượng loại rượu mình đang uống. Cho dù đó là loại rượu không tem mác, bốc lên mùi cồn nồng nặc thì những tiếng "dzo dzo, 1, 2, 3 dzo"... vẫn vang lên không ngớt.

Càng về đêm, không khí càng trở nên nhộn nhịp hơn bởi thời gian này không phải là kỳ thi cuối kỳ nên ngoài giờ học chính trên lớp, sinh viên có rất nhiều khoảng trống rảnh rỗi.

Sau vụ 12 sinh viên ngộ độc, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư nhậu với rượu rẻ vì Uống ít chắc không sao! - Ảnh 1.Những quán ăn tuềnh toàng nhưng đêm nào cũng rất đông sinh viên ghé thăm.

Nguyễn Văn Giáp (sinh viên ĐH Thương Mại) chia sẻ cậu rất hay đi nhậu cùng bạn bè. "Thông thường những ngày mưa như thế này bọn mình hay làm bữa rượu ốc, nhóm 6 người uống hết khoảng 3 lít. Chủ yếu tốn tiền mồi chứ tiền rượu thì không đáng mấy".

Giáp tâm sự, mỗi lần đi nhậu, bạn bè thường ngồi lai rai, chủ yếu để nói chuyện cho vui. Chỉ thi thoảng, nổi hứng lên mới uống nhiều. Tuy nhiên theo lời nam sinh này, thông thường nhóm 6 người của cậu đã uống hết 3 lít rượu (trung bình 0,5 lít/người). Nếu nổi hứng, không biết số lượng này sẽ là bao nhiêu.

Sau vụ 12 sinh viên ngộ độc, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư nhậu với rượu rẻ vì Uống ít chắc không sao! - Ảnh 2.Rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong bữa nhậu.

Nguyễn Văn Tuấn (sinh viên Cao đẳng Du lịch) lại cho rằng: "Mình nghĩ vụ ngộ độc của 12 bạn sinh viên kia chắc hẳn các bạn phải uống rất nhiều chứ mình vẫn nhậu cùng bạn bè loại rượu giá rẻ nhưng luôn uống ít nên không thấy có vấn đề gì".

Trần Khánh (sinh viên ĐH Công Nghiệp) cũng tâm sự: "Mình thấy đi ăn cùng bạn bè mà thiếu rượu thì mất vui. Có thêm chén rượu, câu chuyện mới dễ đưa đẩy".

Theo Khánh, quen nhau trên bàn nhậu cũng là một cách mở rộng mối quan hệ và khỏa lấp nỗi buồn "tù túng" vì nhàn rỗi của sinh viên. "Trên bàn nhậu anh em chém gió vui vẻ chứ về nhà rồi đi học thì chán lắm. Vì thế mỗi buổi đi rượu ốc hay làm nồi lẩu, nhóm khoảng 4-5 người bọn mình cũng chiến cỡ 3-4 lít rượu".

"Biết rượu độc nhưng uống ít chắc không sao!"

Đối với sinh viên, vì chưa có thu nhập nên hầu hết các bạn trẻ đều chọn cách tụ tập nhậu nhẹt ở các quán lề đường, xuề xòa nhưng giá cả phải chăng. Rượu ở đây rẻ nhưng chất lượng cũng rẻ theo.

Nhiều lần nhậu say cùng bạn bè, Giáp cảm thấy rất mệt mỏi, hôm sau không thể đi học. "Nhất là loại rượu mơ, ban đầu dễ uống nhưng đêm về bắt đầu ngấm vào người, say bí tỉ".

Cùng chung cảm nhận này, Khánh cũng cho rằng rượu ở các quán nhậu vỉa hè khá nguy hiểm. "Vì lần nào mình uống về cũng bị say, nôn mửa hoặc không thì cũng rất nhức đầu, choáng váng".

Sau vụ 12 sinh viên ngộ độc, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư nhậu với rượu rẻ vì Uống ít chắc không sao! - Ảnh 3.Biết là rượu rẻ không tốt nhưng nhiều bạn trẻ vẫn nhắm mắt uống đại. Ảnh minh họa.

Đó mới chỉ là cảm nhận của người trong cuộc còn nhìn từ phía ngoài, những can rượu không tem mác thật sự khiến người ta phải ái ngại. Thế nhưng dù biết rõ rượu không an toàn nhưng hầu hết các bạn sinh viên vẫn tặc lưỡi cho qua vì nghĩ: "Mình uống ít, chắc không sao!".

"Mình cũng biết loại rượu này nguy hiểm nhưng lâu lâu bạn bè mới tụ tập, với lại uống ít, thấy say là mình thôi nên chắc không sao", Giáp chia sẻ.

Nam sinh này còn cho rằng, rượu rẻ nhưng không phải chỗ nào cũng mất an toàn. "Mình nghĩ cái này còn do lương tâm của người bán hàng nữa. Có nhiều nơi giá cả mọi thứ đều rẻ nhưng chất lượng vẫn không tồi".

Sau vụ 12 sinh viên ngộ độc, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư nhậu với rượu rẻ vì Uống ít chắc không sao! - Ảnh 4.Những chai rượu không rõ nhãn mác cũng được nhiều người sử dụng trong các bữa nhậu. Ảnh: Định Nguyễn

Có lẽ, đây cũng là lý do khiến rất nhiều bạn sinh viên vẫn yên tâm mua và sử dụng những loại rượu rẻ trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tất cả chỉ vì những lòng tin mơ hồ hoặc một câu tặc lưỡi cho qua rằng rượu có độc, nhưng mình uống ít chắc hẳn sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng.

Và hẳn những vụ như vừa qua vẫn chưa đủ trở thành hồi chuông cảnh tỉnh những người vẫn coi rượu là một phương tiện để đẩy đưa câu chuyện, mở rộng mối quan hệ hay khỏa lấp nỗi buồn trong cuộc sống...

Vì sao rượu rẻ lại gây hại?

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN) cho biết, những loại rượu rẻ, trôi nổi trên thị trường thường được người sản xuất pha chế bằng loại cồn để sản xuất xăng sinh học.

Loại cồn ethanol này có rất nhiều các chất phụ gây hại cho sức khỏe như methanol, butanol, andehit... trong đó, nhiều nhất là chất độc methanol.

Các chất này hấp thụ nhanh qua đường tiêu hóa và đi thẳng vào máu, tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh và mắt. Chúng phá hủy các tế bào não. Một người khỏe mạnh nếu uống từ 120-150 mgr methanol có thể tử vong ngay tại chỗ.

"Với cách pha chế thủ công, người sản xuất sẽ không thể loại bỏ các chất phụ gây hại này khỏi thành phần rượu. Điều đó khiến nồng độ chất độc trong rượu tăng cao và dễ gây ngộ độc cho người sử dụng".

Theo ông Thịnh, điều nguy hại của ngộ độc rượu là bệnh nhân thường chỉ nghĩ là mình say rượu. Đến khi hiểu ra thì đã quá muộn. Bởi vì say rượu bản chất cũng là một dạng ngộ độc nhẹ.

Vì thế nhiều người hay nhầm lẫn, đặc biệt các chất độc trong rượu đi thẳng vào máu nên gây tác hại nhanh chóng và nhiều trường hợp, tích tụ trong cơ thể gây hệ quả, di chứng nghiêm trọng.


Theo Tuyết Hà - Thời đại

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X