Hotline 24/7
08983-08983

Sau 100 ngày, Trump vẫn 'dùng dao mổ trâu giết gà'

Sau 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump thể hiện tính cách nóng vội trong ban hành quyết định và muốn chứng minh bằng mọi cách rằng năng lực của ông hơn hẳn ông Obama.

Trả lời Zing.vn, GS Karaagac cho rằng ông Trump đã đạt nhiều thành tựu nhất định trong 100 ngày đầu tiên nhưng ông cần tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm các sắc lệnh khi ban hành đều hợp hiến và tránh gây phản tác dụng. Ông cũng bày tỏ lo ngại về hiệu quả hoạt động của bộ máy mà Trump đưa vào Nhà Trắng.

- Ông nhận xét thế nào về hiệu quả lãnh đạo của Tổng thống Trump sau 100 ngày, và ông ấn tượng hoặc lo ngại với những chính sách cụ thể nào?

- Cảm nhận của tôi về ông Trump là tổng thống không nhất quán nhất từ trước đến nay. Điều lạ lùng là ông không bận tâm về chuyện này mà còn chống trả những chỉ trích. Ông bác bỏ cái gọi là tiêu chuẩn cột mốc 100 ngày. Nhưng ngay sau đó, chính quyền Trump cố gắng quảng bá về những thành tựu mà ông đạt được.

So với những đời tổng thống gần đây, tôi cho rằng các điều mà ông Trump đạt được trong 100 ngày qua là đáng ấn tượng một cách ngạc nhiên. Thế nhưng vì ông mới gia nhập chính trường và những ồn ào, tranh chấp trong bộ máy nên nhiều người vẫn bị cảm giác về tính nghiệp dư.

Sau 100 ngay, Trump van 'dung dao mo trau giet ga' hinh anh 1GS John R. Karaagac, Đại học Indiana. Ảnh: indiana.edu.

Một thành tựu nổi bật nhất của ông Trump chính là chọn ra thẩm phán mới cho Tòa án Tối cao, rồi phối hợp với phe Cộng hòa trong quốc hội để thông qua đề cử này.

Đây chính là điều mà các nghị sĩ chuyên nghiệp mong đợi ở ông Trump. Thẩm phán tòa tối cao là công việc trọn đời, nên đây là chiến thắng lớn cho ông Trump.

Việc ông chọn người vào nội các, đặc biệt là đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia, cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhóm của ông Trump tỏ ra thống nhất về quan điểm trong việc chọn nhân sự so với những chính quyền trước. Tuy nhiên, họ cần phải thúc đẩy tốc độ tìm kiếm người cho rất nhiều vị trí lãnh đạo cấp thấp hơn vẫn đang khuyết ở nhiều cơ quan.

Cần xây dựng chính sách dài hạn

Điểm yếu nhất của Tổng thống Trump chính là việc xây dựng các chính sách dài hạn. Để làm được điều này, ông và đội ngũ cần rèn luyện nhiều cũng như phối hợp với quốc hội. Một số việc lẽ ra sẽ đơn giản nhưng ông lại khiến nó phức tạp, hoặc ông đưa ra các chính sách khi chưa đúng thời điểm.

Sắc lệnh về cấm nhập cư từ 7 nước Hồi giáo là điển hình rõ nét nhất về một chính sách cần phải xây dựng kỹ lưỡng và thấu đáo. Nó chỉ là một trong hành động nóng vội của ông Trump. Do vậy, tổng thống và nhóm của ông cần trải qua giai đoạn tinh chỉnh các sắc lệnh hành pháp để khiến nó hợp hiến trước khi ban hành. Nếu tung ra quá sớm, nó có thể gây phản tác dụng.

Sau 100 ngay, Trump van 'dung dao mo trau giet ga' hinh anh 2
Phiên bản đầu tiên về sắc lệnh cấm nhập cảnh do Tổng thống Trump ban hành bị người dân phản đối dữ dội. Ảnh: Reuters.

Vấn đề khiến tôi lo ngại nhất là việc ông Trump ra quy định cứ mỗi luật lệ mới được ban hành thì 2 điều khác phải bị bãi bỏ (sắc lệnh hành pháp này được ký ngày 30/1 - PV). Về mặt chính trị, nó chẳng những không có ý nghĩa gì mà còn ảnh hưởng đến quá trình đánh giá lâu dài về quy trình quản lý.

Điều này cũng phản ánh một đặc điểm tính cách của tổng thống: thỉnh thoảng ông Trump “giết gà mà dùng dao mổ trâu”.

Về cách quản trị, ông Trump có vẻ giống với giai đoạn của Tổng thốn Bill Clinton khi bộ máy ở Nhà Trắng trong 100 ngày đầu tiên có vẻ chưa vào khuôn khổ. Do vậy, Trump phải học cách để thích nghi với lối vận hành ở Nhà Trắng. Có vẻ khó khi yêu cầu một người 70 tuổi phải học hỏi những điều mới, nhưng nếu Trump không làm được thì sẽ còn dẫn đến nhiều vấn đề về lâu dài.

Bài tập về nhà cho tổng thống

- Tổng thống Trump được cho là người muốn tạo ra cạnh tranh nội bộ để các nhân viên của ông ta buộc phải vươn lên, qua đó tạo ra bộ máy hiệu quả. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Ông Trump rất chuộng cách để các cố vấn cạnh tranh với nhau, về mặt này ông ấy giống với cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt (nhiệm kỳ 1933 - 1945). Cuộc chiến nội bộ giữa nhóm bảo thủ và dân túy (điển hình như Chiến lược gia trưởng Steve Bannon) chống lại nhóm cố vấn truyền thống, thường chủ trương tự do xã hội như người con rể Jared Kushner (cũng được coi là đại diện cho quan điểm từ Phố Wall). Ông Trump phải cẩn thận cân bằng các xu hướng này, khi mà bộ máy của ông cũng không hoàn toàn là quan điểm đảng Cộng hòa.

Dù trải qua nhiều thất bại, ông Trump vẫn phải đối xử khéo léo với nhánh dân túy bảo thủ bởi họ chính là đại diện cho những cử tri đã bầu cho ông. Xa rời những cử tri này sẽ làm lung lay giấc mơ tái đắc cử của Trump.

Trong trường hợp chính quyền Trump, sự cạnh tranh lại không tạo ra một đội ngũ hiệu quả. Ông chỉ có thể đạt được điều này ngay từ đầu nếu có được sự hỗ trợ từ một đội ngũ năng lực, chẳng hạn như một Chánh văn phòng Nhà Trắng uy quyền. Những quyết định của Trump cũng gây ra các rối loạn thay vì là trấn an các bên liên quan, và nó tạo ra cơ hội để phe đối lập công kích.

Sau 100 ngay, Trump van 'dung dao mo trau giet ga' hinh anh 3
Cuộc đối đầu giữa người con rể của Trump, Jared Kushner, và Chiến lược gia trưởng Steve Bannon được cho là gay gắt nhất trong bộ máy của tổng thống ở Nhà Trắng. Ảnh: NDH.

Sự cạnh tranh có thể tạo nên một đội ngũ hiệu quả, nhưng nhà lãnh đạo cũng cần một nhóm năng lực để vận hành các công việc. Tổng thống Trump cần phải học hỏi từ cựu Tổng thống George H.W. Bush. Ông đã chọn một thống đốc quyền lực là John Henry Sununu làm Chánh văn phòng Nhà Trắng.

Sununu không phải là nhân vật được yêu thích ở Washington. Ông ta bị nhiều người e dè trong một thời gian dài, nhưng chỉ cần Sununu vẫn ở Nhà Trắng thì sự hài hòa vẫn được duy trì. Khi Sununu rời đi thì sự mất trật tự ngay lập tức xảy ra. Một điều cần phải nhớ là dù Bush “cha” được xem là người chiến thắng trong Chiến tranh Vùng Vịnh nhưng ông không được tái đắc cử.

Điều hành nước Mỹ khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với xây dựng các tháp chọc trời ở Manhattan hay Chicago. Tổng thống Trump cần “làm bài tập về nhà” nhiều hơn và cẩn trọng trong quyết định tuyển nhân sự.

Obama thất bại thì Trump sẽ làm

- Sau 100 ngày đầu tiên, ông nhận xét hoặc rút ra nhận định gì về quan điểm đối ngoại của Tổng thống Trump?

- Tổng thống khiến cả những người ủng hộ và phe chỉ trích ngạc nhiên, vì họ từng cho rằng nước Mỹ dưới thời của Trump có thể quay trở về giai đoạn tự cách ly của những năm thập niên 1930.

Có thể nhiều người không để ý một dấu hiệu trong chính sách của Trump, đó là ông đang tự ngầm so sánh bản thân với cựu Tổng thống Barack Obama, qua đó ngụ ý rằng những gì người tiền nhiệm thất bại hoặc hứa mà không làm thì Trump sẽ hoàn thành đó.

Điều này thể hiện rõ rệt nhất qua diễn biến ở Trung Đông gần đây, với vụ Mỹ không kích một sân bay của chính quyền Syria. Khi ông Obama không trừng phạt chính quyền Assad vì việc sử dụng vũ khí hóa học thì Trump sẽ ra tay. Nó cũng phản ánh một tính toán khác của đương kim tổng thống là sử dụng quyền lực mạnh tay, nhưng cũng vừa đủ để tránh bị dính sâu hơn.

Sau 100 ngay, Trump van 'dung dao mo trau giet ga' hinh anh 4
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa không kích Syria theo chỉ thị của Trump. Ảnh: AP.

Vụ việc cũng cho thấy Tổng thống Trump đã trao quyền chủ động nhất định cho quân đội, trái ngược với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama khi quân đội bị kiềm chế đáng kể.

Ông Trump cũng tỏ ra tạo dựng mối quan hệ tốt với những đồng minh chủ chốt trong khu vực, mà điển hình là Ai Cập. Tổng thống Ai Cập đã đến thăm Nhà Trắng và mối quan hệ với ông Trump có vẻ được phát triển khá tốt.

Gần đây, một nữ công dân Mỹ gốc Ai Cập từng bị phiến quân bắt cóc làm con tin ở Ai Cập đã được thả tự do và trở về Mỹ. Ngay lập tức, ông Trump mời cô ta đến Nhà Trắng, động thái phản ánh rõ sự vượt mặt đối với ông Obama.

Tại châu Âu, chính quyền Trump đang thúc giục các quốc gia thành viên NATO phải dành nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng. Nhiều quốc gia đã cam kết sẽ làm như vậy, và bài thử thách khác nghiệt đầu tiên sẽ là liệu chi phí có bị đội lên hay không. Ông Trump đã gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và sẽ sẵn sàng phối hợp nhiều hơn với Thủ tướng Anh Theresa May.

Sách lược ngoại giao dựa trên quan hệ cá nhân

Đông Á lại là một khu vực rất quan trọng. Chính quyền Trump cho rằng chiến lược “xoay trục về châu Á” của ông Obama không hiệu quả một phần vì họ không điều phối tốt với các chính sách ở Trung Đông. Đối với nhiều nhà lập pháp Mỹ (chứ không phải tất cả) thì mục tiêu là nước Mỹ cần giãn ra khỏi Trung Đông để có thể hoạt động hiệu quả hơn ở châu Á.

Điều khiến tôi ngạc nhiên là ông Trump chọn phát triển ngoại giao cá nhân với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông đều mời hai nhà lãnh đạo này đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để trao đổi công việc.

Thủ tướng Abe đã tranh thủ dịp này để đặt ngay vấn đề về các lợi ích từ Nhật Bản, một chiến lược thúc đẩy có vẻ không giống với cách người Nhật lắm nhưng lại mang về hiệu quả. Ông Abe đã đánh giá đúng rằng Tổng thống Trump sẽ thích ngoại giao song phương hơn đa phương.

Sau 100 ngay, Trump van 'dung dao mo trau giet ga' hinh anh 5
Ông Trump vui vẻ giới thiệu cháu ngoại với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Một điều khác mà tôi chú ý nữa là thái độ của Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ vồn vã với ông Trump hơn. Tổng thống Mỹ đã từng tỏ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề kinh tế, nhưng Trump là một người thương lượng lão luyện nên ông biết cách xây dựng thỏa thuận dựa trên kết hợp cây gậy và củ cà rốt.

Đối với Trump, mọi vấn đề đều có thể giao dịch. Điều này có thể phù hợp với ban lãnh đạo Trung Quốc dựa trên những yếu tố sau: (i) họ cảm thấy phù hợp với phong cách giao dịch này; (ii) họ đã chán chường với giọng điệu hùng hồn của ông Obama nhưng không nhất quán trong việc thể hiện sức mạnh; (iii) họ cảm thấy Trung Quốc đang bị quá căng thẳng và cần củng cố quyền lực một cách thận trọng.

Tổng thống Trump cũng rất giỏi trong việc khen ngợi và tâng bốc người khác. Việc các cháu ngoại của ông chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình bằng tiếng Hoa là một điểm mạnh.

Dĩ nhiên vẫn cần thời gian để đánh giá chiến lược này hiệu quả tới đâu. Tuy nhiên giữa Mỹ và Trung Quốc đã có những hợp tác thầm lặng nhằm gây sức ép tối đa lên Triều Tiên. Đây là một điều tốt với khu vực châu Á mà các bên đã chờ đợi từ lâu.

GS John R. Karaagac là giảng viên và diễn giả nổi tiếng tại Mỹ. Ông có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại Đại học Indiana, Đại học Johns Hopkins và nhiều đại học lớn khác của Mỹ.

Ngoài giảng dạy, ông còn là chuyên gia hàng đầu về chính trị và chính sách đối ngoại của Mỹ, tác giả một số cuốn sách nổi tiếng về chính trị, đối ngoại Mỹ và có nhiều dự án nghiên cứu lớn. Giáo sư John R. Karaagac tốt nghiệp cử nhân tại Đại học California và tiến sĩ (xuất sắc) về Quan hệ quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.

Lần gần nhất ông đến Việt Nam công tác là vào tháng 11/2016 và phát biểu tại tọa đàm “Chính sách ngoại giao của Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump và các hệ lụy” do Bộ Ngoại giao tổ chức.


Theo Cảnh Toàn - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X