Hotline 24/7
08983-08983

Sân bay "da cam" thờ ơ với độc chất

Sân bay Đà Nẵng được Tổ chức Hatfield (Canada) cảnh báo mức độ nhiễm dioxin cao nhất nước. Tuy nhiên, người dân chẳng biết mấy về chuyện này.

Phường Hòa Khê, quận Thanh Khê là nơi giáp ranh về phía Tây Bắc của sân bay Đà Nẵng. Đến nay, người dân ở đây vẫn chưa được cảnh báo về phòng ngừa nhiễm dioxin. Họ vẫn vô tư trồng rau ven khu vực hồ sen nằm cạnh sân bay.

Thấy chẳng sao nên không sợ!
 
Vào buổi chiều, nhất là những ngày nghỉ, hồ sen đông nghịt người đến câu cá. Anh Hồ Hoàng Công, một người câu cá, cho biết lúc đầu nghe người ta nói hồ này có nhiều cá nên anh sắm cần đến câu cho vui. Dần dà thấy câu được nhiều cá nên cứ sau giờ làm là anh đến hồ câu cá, vừa để thư giãn vừa có thêm thức ăn cho gia đình. Anh Công cho biết anh có nghe đồn hồ bị nhiễm dioxin nhưng nghĩ “mình ăn cá chứ có uống nước hồ đâu mà sợ nhiễm”; vả lại, người ta ai cũng ăn cá đó thôi, chắc chẳng sao!

Người dân phường Hòa Khê, quận Thanh Khê múc nước hồ sen cạnh sân bay Đà Nẵng
(đã bị nhiễm dioxin) để tưới rau

Gần đây, nhiều người đến hồ bủa lưới, sau đó đem cá ra chợ bán. Không chỉ vậy, có hộ còn sử dụng đất ven hồ để trồng rau, có sẵn nước hồ để tưới. Bà Đặng Thị Thắm, trú tổ 28, phường Hòa Khê, cho biết vào mùa thời tiết thuận lợi, rau tốt, bà mang ra chợ bán; còn không thì chỉ để sử dụng cho gia đình. Bà Thắm cũng nghe nhiều người nói nước hồ nhiễm dioxin nhưng bao năm qua bà vẫn dùng nước hồ tưới rau, thấy chẳng sao nên… không sợ!
 
Ông Phạm Tấn Thanh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khê, cho biết 100% dân trong phường đã sử dụng nước máy. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn còn nhiều hộ dùng nước giếng vì thói quen và để... tiết kiệm tiền nước!
 
Chưa được thông tin, cảnh báo đúng mức
 
Mặc dù đã có rào chắn cách ly sân bay và khu vực dân sinh song không hiểu vì sao đơn vị thi công lại chừa khoảng trống vừa đủ cho 2 - 3 người có thể cùng lúc chui vào sân bay Đà Nẵng. Dọc tường rào có rất nhiều dấu vết cho thấy người dân thường xuyên ra vào sân bay. Còn hồ sen cạnh sân bay thì có 2 ống cống, trước đây là để thoát nước từ trong sân bay nhưng sau này, nhằm ngăn nguy cơ nhiễm dioxin, phía trong miệng cống đã được xây kín lại. Dù vậy, vào mùa mưa, nước vẫn chảy tràn từ lỗ cống này ra ngoài khu vực hồ sen.
 
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, cho biết Hội Y tế công cộng đang triển khai và sẽ tuyên truyền cho người dân xung quanh khu vực phường Hòa Khê và cả quận Thanh Khê về tác hại của dioxin từ sân bay Đà Nẵng. Theo ông Thạnh, mẫu bùn dưới hồ sen đã được nghiên cứu và kết luận bị nhiễm dioxin. 

Bà cụ này ở thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, gương mặt bị biến dạng do chất độc da cam,
chụp ảnh cùng một bạn trẻ từ xa đến thăm. Ảnh: Như Phú

Người dân ở khu vực này không nên sử dụng nước giếng; nếu dùng, nước giếng phải được lắng lọc. Đối với các loại rau, nếu sử dụng nước hồ sen để tưới thì phải rửa rau thật kỹ trước khi sử dụng; đối với các loại thực vật cho củ, tốt nhất là không nên trồng ở khu vực này (dễ bị dioxin ngấm vào).
 
Ông Phạm Tấn Thanh cho biết vào năm 2006, phường Hòa Khê có nhận được văn bản của UBND TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân không nên sử dụng nước hồ sen để tưới rau và câu cá trong hồ để ăn… Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, đây chỉ là văn bản khuyến cáo nên phường không thể cắm bảng cấm người dân câu cá, trồng rau. Hơn nữa, từ năm 2006 đến nay, phường không nhận được văn bản chính thức nào về việc khu vực xung quanh sân bay Đà Nẵng bị nhiễm chất độc dioxin… 
 
 
Đến cuối năm 2015, khử độc xong 3 sân bay nhiễm dioxin
 
Lộ trình tẩy độc cho các sân bay đã được Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin vạch ra, dự kiến thực hiện trong 10 năm (2010 - 2019).
 
Trong vài tháng tới, sân bay Đà Nẵng sẽ được chính thức tẩy độc. Toàn bộ đất và bùn có độc tố xung quanh sân bay này sẽ được cào xới và tập kết về một địa điểm để xử lý.
 
Theo ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Nhóm đối thoại Việt - Mỹ, năm 2012 sẽ khống chế, di dời, xử lý đất cùng trầm tích bị nhiễm dioxin để làm sạch hoàn toàn khu vực đầu Bắc của sân bay Đà Nẵng.
 
Kinh nghiệm giải độc ở sân bay Đà Nẵng sẽ được áp dụng cho sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định), bảo đảm đến cuối năm 2015, hai sân bay này cũng sẽ được khử độc hoàn toàn.
 
Tổng số tiền để thực hiện chương trình tẩy độc cộng với mở rộng các dịch vụ cho nạn nhân da cam được Nhóm đối thoại Việt - Mỹ dự tính là 300 triệu USD.
 
Việc vận động cho đủ số tiền trên là một thách thức không nhỏ. Trong một tuyên bố, Nhóm đối thoại Việt - Mỹ khuyến cáo: “Chính phủ Mỹ nên đóng vai trò chính trong việc đáp ứng những chi phí này!”.
 
Ngoài ra, Nhóm đối thoại Việt - Mỹ cũng kêu gọi sự chung tay giúp sức từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Từ thiện Đại Tây Dương, Quỹ Bill & Melinda Gates…
Như Phú
 
Theo Bích Vân - Người Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X