Hotline 24/7
08983-08983

Rơi nước mắt trẻ bị cha đốt, mẹ giết

Không ai cầm lòng được khi đọc những mẩu tin về việc trẻ bị cha mẹ, người thân bạo hành. Nào là cha đốt, mẹ giết, bố dượng tra tấn trọng thương...

Có lẽ không ai không cảm thấy đau lòng khi đọc những mẩu tin về việc những đứa trẻ bị người lớn bạo hành bằng đòn roi, vũ lực, thậm chí có người đốt con, giết con.

Nỗi đau, sự ám ảnh đeo bám tuổi thơ

Sự việc vừa diễn ra tại Nghệ An hôm 25/11 làm dư luận bàng hoàng. Tức giận vì con lấy gói mì của bà nội, ông Bùi Khắc Thế (40 tuổi, Nghệ An) đã đốt bé Bùi Khắc Vinh đến mức bé bị bỏng ở hai đùi, hai cẳng chân và vùng sinh dục. Diện tích bỏng sâu từ 20-30%, mất tổ chức dưới da, bị bỏng độ III - độ IV.

Cháu Vinh tại Bệnh viện Sản- Nhi Nghệ An - Ảnh: Doãn Hòa

Câu chuyện ở Quãng Ngãi làm xôn xao dư luận thời gian trước đây. Một người phụ nữ tên Sen đã làm con mình là bé Hồ Thị Ly ngạt thở đến chết rồi bỏ trước nhà vì nghĩ chồng đi nhậu sau khi nhận tiền công làm thuê.

Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện người cha nhẫn tâm đốt con của mình xảy ra tại Thanh Hóa vào năm 2011.

Nhiều người dự phiên tòa sáng 16/11/2011 giúp tiền để chữa trị vết sẹo bỏng cho cháu L. - Ảnh: Hà Đồng

Vì mâu thuẫn vợ chồng, Vũ Văn Quang đã đổ xăng từ vai xuống ướt đẫm người cậu con trai kháu khỉnh tên L rồi nhẫn tâm, lạnh lùng dùng bật lửa châm vào người cháu L.

Cháu L. bị đốt cháy như ngọn đuốc sống, khóc thét vì đau đớn. Cháu L. đã bị tổn hại sức khỏe tới 86,16%.

Trường hợp thương tâm khác, khi phát hiện em Muội (12 tuổi ) thiếu nợ một chủ đại lý vé số 70.000 đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Hương mẹ của bé Muội đã chửi mắng, đánh đập con, sau đó tưới dầu lên người con châm lửa đốt làm cháu Muội bị phỏng nặng, thương tật vĩnh viễn 23,3%.

Mới đây, ngày 4/11/2014, bé Trần Văn Minh Hiếu, 6 tuổi, ở Q.6 bị cha dượng là Nguyễn Tấn Sĩ đánh nứt hộp sọ, tụ máu trong hộp sọ, gãy kín 1/3 đoạn xương giữa của xương cẳng chân phải và 1/3 dưới xương cánh tay bên trái chỉ vì bé không tắt ti vi.

Chiều 25/11/2014, Trung tá Nguyễn Xuân Phong- phó trưởng Công an TP Phan Rang-Tháp Chàm, cho biết hành vi bạo hành trẻ em của ông Nguyễn Võ Đồng (36 tuổi, người quản tự giúp cho trưởng trụ trì chùa Long Sơn trong thời gian trưởng trụ trì này vắng) đã rõ. Việc trưng cầu giám định thương tật là để củng cố thêm hồ sơ vụ án.

Theo cơ quan điều tra, thầy Đồng đã khai dây dù dùng để cột hai chân, hai tay nạn nhân lên, còn dây điện dùng để quất hai cháu Nui (học sinh lới 5) và Nguyên (học sinh lớp 2).

Hiện trên người hai chú tiểu có hàng chục vết thương do bị đánh chưa lành. Cả hai cháu đều khai bị ông Đồng đánh rất nhiều lần từ tháng 5/2014 đến nay. 

Bị bạo hành, trẻ dễ bị sang chấn tâm lý

Những người cha, người mẹ tàn nhẫn kia sẽ phải trả giá đắt trước pháp luật nhưng nỗi đau, sự ám ảnh sẽ đeo bám tuổi thơ của con trẻ không biết đến khi nào.

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ (Văn phòng tư vấn Tâm lý trẻ) cho biết có nhiều ông bố, bà mẹ vì không kiềm chế được cơn giận dữ nên có những hành động làm tổn thương cơ thể con trẻ.

Những hậu quả lâu dài về mặt thể chất có thể nhìn thấy bằng mắt nhưng những sang chấn về tâm lý thì không phải ai cũng hiểu thấu đáo.

Nếu trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực thì rất dễ bị ám ảnh bởi hành vi bạo lực của người khác đối với mình. Ngoài ra, lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ cũng dễ bị tổn thương - chuyên gia Minh Huệ nói.

ThS tâm lý Lê Minh Hoa cho biết gia đình là một trong 3 môi trường quan trọng hình thành nhân cách của trẻ. Nếu cha mẹ là một tấm gương xấu thì rất dễ ảnh hưởng đến trẻ về lâu dài. Nếu bị bạo hành lâu ngày, trẻ rất dễ trở nên nhút nhát, sợ hãi đám đông và có thể dễ gây hấn với người xung quanh hơn.

Cháu Lê Thị Ngọc Muội (ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) bị mẹ tưới dầu đốt vào năm 2012 -Ảnh: Thanh Tú

Chuyên gia tâm lý, trị liệu học đường Lê Minh Hoa còn cho rằng việc bị bạo hành sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng đứa trẻ, kể cả đến khi trưởng thành và lập gia đình.

Nguy hiểm hơn, “có những đứa trẻ bị bạo hành lâu ngày sẽ trở nên hung hăng và có hành vi bạo lực với người khác”, chuyên gia Minh Huệ nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ThS Lê Minh Hoa chia sẻ thêm rằng nếu để trẻ sống trong môi trường bạo lực thì rất dễ khiến trẻ nghĩ rằng bạo lực là cách giải quyết mọi vấn đề.

Bố mẹ phải trị liệu cùng con

“Bạo hành trẻ em là một vấn đề nhức nhối. Những người làm trong lĩnh vực tâm lý như chúng tôi đều nhận thấy rằng việc chữa lành những sang chấn tâm lý cho trẻ trong trường hợp này là rất khó khăn” - chuyên gia tâm lý Minh Huệ chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề làm sao giúp trẻ vượt qua những ám ảnh tuổi thơ và có được sự phát triển tâm lý tốt nhất về sau, ThS Giáo dục học Võ Thị Hồng Trước, khoa Tâm lý giáo dục, trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng phương pháp tốt nhất trong trường hợp này là đối xử với trẻ bằng tình thương.

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ và ThS Lê Minh Hoa đều có chung nhận định là việc trị liệu phải bao gồm cả trẻ và cha mẹ. Bởi khi cha mẹ nhận ra sai lầm trong cách giáo dục con, cha mẹ học được cách kiểm soát cảm xúc, hành động của mình và biết cách yêu thương, tôn trọng đứa trẻ thì mới giúp con chữa lành được những vết thương trong quá khứ.

Khuynh hướng giáo dục không trừng phạt

ThS Giáo dục học Võ Thị Hồng Trước cho biết nhiều bậc phụ huynh của VN vẫn giữ quan niệm “thương cho roi cho vọt”, trong khi thế giới đã theo khuynh hướng giáo dục không trừng phạt từ rất lâu.

Việc giáo dục bằng những hành vi có tính bạo lực sẽ dẫn đến những kết quả không tốt, tác động xấu đến thể chất và tâm lý đứa trẻ.

Đừng trừng phạt mà hãy khuyến khích, động viên, phân tích cho trẻ hiểu đúng, sai

Giáo dục không trừng phạt, theo ThS Hồng Trước, là khuyến khích những phương cách giáo dục tác động vào nhận thức, phân tích để trẻ hiểu, đề ra những nhiệm vụ cho trẻ thực hiện và rèn luyện những thói quen tốt cho trẻ. 

“Chúng ta nên dùng niềm vui và sự khuyến khích để thay thế cho sự trừng phạt như trước nay vẫn thường làm. Quan điểm phải trừng phạt thì trẻ mới tốt cần được thay đổi” - ThS Hồng Trước chia sẻ.

Theo Võ Hương - Trà My - Tuổi trẻ Online

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X