Hotline 24/7
08983-08983

Quyết làm cao tốc Vân Đồn-Móng Cái: Quảng Ninh quá kỳ vọng?

Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái hoạt động cũng sẽ chỉ một chiều nếu chúng ta không lưu tâm xây dựng trung tâm trung chuyển logistics.

Cao tốc manh mún, thiếu trung tâm logistics

Liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao địa phương này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để tìm nguồn vốn mới thay thế ODA Trung Quốc, trao đổi với Đất Việt, GS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội đây là một ý tưởng tốt nếu địa phương đủ sức huy động được nguồn vốn phù hợp và quản lý thực hiện có hiệu quả.

Theo GS Đặng Đình Đào, việc Quảng Ninh mong muốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyến cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế địa phương là nhu cầu chính đáng và nên ủng hộ nếu có những dự án tốt. Tuy nhiên hiện nay một vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam là nhiều tuyến đường cao tốc xây dựng lên nhưng hiệu quả khai thác, sử dụng chưa cao, còn manh mún và thiếu kết nối.

Quyet lam cao toc Van Don-Mong Cai: Quang Ninh qua ky vong?
Tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái hoạt động cũng sẽ chỉ một chiều nếu chúng ta không lưu tâm xây dựng trung tâm trung chuyển logistics. Ảnh minh họa

Vị chuyên gia dẫn chứng: “Chúng ta cũng có các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn nối với Trung Quốc nhưng đây là kết nối đơn lẻ. Kết nối liên hoàn giữa các loại hình vận tải để chi phí vận tải làm sao rẻ nhất thì chúng ta chưa có và không làm được.

Ở các nướckhác, khoảng 50 km họ lại xây dựng một trung tâm Logistics để kết nối phương tiện. Còn Việt Nam thì với khoảng cách đó chúng ta lập một trạm BOT, tận dụng ở những nơi có nhiều xe nhất để thu được nhiều tiền nhất.

Với tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái cũng thế. Nếu chúng ta chỉ chú trọng xây dựng đường mà không lưu tâm đến việc kết nối liên hoàn thì hiệu quả đầu tư cũng sẽ hết sức manh mún. Trước mắt có thể là một tuyến đường 96km hoành tráng thật nhưng một thời gian sau nó sẽ trở thành nhếch nhác, thành luộm thuộm và lãng phí”, GS Đào nhấn mạnh.

GS Đào nhận định, Quảng Ninh có nhiều mục tiêu khi có ý tưởng xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái trong giai đoạn này. Tuy nhiên theo ông để đạt được điều này không hề đơn giản và dễ dàng vào thời điểm này.

“Trước hết Quảng Ninh muốn thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn. Thứ hai là giao lưu giữa các vùng của Quảng Ninh với nhau. Còn thú thật tôi cho rằng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam thông qua cảng Hải Phòng, hoặc qua Quảng Ninh vẫn còn ít. Chúng ta chủ yếu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp còn nhập các mặt hàng máy móc, công cụ, thiết bị.

Nhưng thực tế với tình trạng đầu tư BOT của Việt Nam hiện nay thì kỳ vọng đó cũng không đạt được. Giống như hành lang Đông - Tây, rất nhiều tuyến đường để thu hút hàng hóa của Lào và Đông Bắc Thái Lan nhưng thực tế số lượng qua Việt Nam cũng chưa nhiều vì chi phí rào cản của chúng ta quá lớn, BOT quá lớn”, GS Đào phân tích.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội khẳng định:

“Kinh nghiệm đầu tư BOT giai đoạn 2011-2015 đều cho thấy, các dự án của chúng ta đội vốn lên chóng mặt. Có dự án từ 3 nghìn tỷ lên 6 nghìn tỷ; có công trình từ 25 nghìn tỷ lên 50 nghìn tỷ. BOT tốt thật nhưng không có nghĩa anh đầu tư 1 rồi nói lên 3. Cho tư nhân kiểu đấy là rút ruột ngân sách, rút ruột của dân. Nhà nước và người dân phải trả dần bằng thu phí.

Liệu rằng đề xuất xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái lần này của Quảng Ninh có nằm trong trào lưu đó hay không? Nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn ODA rất quý nhưng vấn đề mình quản lý và sử dụng như thế nào”, GS Đào nhấn mạnh.

Việc các Bộ cần làm

Cùng đưa ra quan điểm về đề xuất này, TS Lưu Bích Hồ- Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng trước đây dự án xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đã định phân cho Quảng Ninh nhưng sau đó vì một vài lý do nên đưa về Bộ GTVT. Vì thế với nguyện vọng của Quảng Ninh, ông cho rằng có thể xem xét, chấp nhận được.

“Phân cấp như thế cũng là phù hợp.Chỉ có điều là năng lực quản lý thì các cơ quan, ban ngành ở Trung ương phải cố gắng hỗ trợ”, TS Hồ nhận định.

Theo TS Hồ, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái xét trên thực tế so với nhiều tuyến khác thì cũng chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh Quảng Ninh có thu xếp, gọi vốn được tư nhân, xã hội hóa BOT thì cũng nên tạo điều kiện để địa phương làm. 

“Tuy nhiên khi để cho tỉnh lo thì các Bộ GTVT, Tài chính, Kế hoạch đầu tư và cao nhất là Chính phủ phải quan tâm để chỉ đạo thế nào cho tốt. Đặc biệt là phải giám sát và giúp đỡ họ. Chứ đừng để cho họ làm những chuyên sơ xảy không hay. Vì chúng ta có nhiều bài học trong vấn đề này rồi.

Và đặc biệt tôi nhấn mạnh 3 điểm. Điểm thứ nhất là cần tính đến hiệu quả kinh tế, để sau khi huy động được vốn thì cũng phải hoàn vốn được.

Thứ hai là phải quản lý về mặt thu phí cho hài hòa lợi ích.

Thứ ba là chất lượng công trình, đường xá phải tử tế. Đương nhiên bây giờ năng lực xây dựng đường xá của chúng ta cũng khá chứ không phải là kém. Nhưng tôi cho rằng năng lực là một chuyện còn quản lý để tránh làm ẩu, làm bậy lại là chuyện khác”, TS Hồ nhấn mạnh.

Với những điểm cần lưu ý trên, vị chuyên gia cho rằng để dự án Vân Đồn-Quảng Ninh phát huy được hết hiệu quả thì cần phải có một sự đánh giá, thẩm định, tính toán kỹ lưỡng để tránh lãng phí khi xây dựng.

“Phải nhớ là xây dựng tuyến đường này theo hình thức xã hội hóa và BOT như thế thì năng lực quản lý phải thật tốt để tránh những chuyện không công khai, minh bạch, không hài hòa lợi ích để xen kẽ vào đó những chuyện tiêu cực. Cho nên các Bộ, ngành và địa phương phải cân nhắc, tính toán kỹ, thẩm định cho thật cẩn thận.

Chúng ta phải dùng hội đồng, phải nghe hết tất cả ý kiến của nhiều bên, rút kinh nghiệm từ các dự án BOT khác mà trước đây chúng ta đã kiểm điểm”, TS Hồ lưu ý.

Đánh giá tổng thể dự án, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thừa nhận thời điểm này tuyến cao tốc Vân Đồn-Móng Cái sẽ chưa thể phát huy hết được hiệu quả cũng như kỳ vọng của Quảng Ninh. Tuy nhiên về lâu dài, dự án này sẽ tạo thêm cú hích cho địa phương này trong việc thông thương, kết nối, phát triển du lịch.

“Thực sự hàng hóa của Quảng Ninh không có nhiều. Chủ yếu là hàng hóa từ các tỉnh các địa phương khác đi qua con đường đó để xuất nhập khẩu. Họ thu thuế cũng như nhiều phí khác trên địa bàn. Kinh tế Vân Đồn bây giờ chưa có gì cả, chỉ mới bắt đầu xây dựng. Rồi du lịch ở Hạ Long vẫn còn nhiều hạn chế ”, TS Hồ nhấn mạnh thêm.

Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X