Hotline 24/7
08983-08983

Quảng Trị: Làng biển liều mình đi lao động chui ở Trung Quốc

Bất chấp rủi ro, cả trăm người dân các làng biển huyện Gio Linh (Quảng Trị) đang kéo nhau đi lao động chui ở Trung Quốc với giấc mơ đổi đời vì lương cao.

A2: Bà Nguyễn Thị Vui đứng ngồi không yên với khoản tiền vay nóng 3 triệu đồng để cho con trai xuất khẩu lao động. Ảnh: Quang HàBody

Bà Nguyễn Thị Vui đứng ngồi không yên với khoản tiền vay nóng 3 triệu đồng để cho con trai "xuất khẩu lao động". Ảnh: Quang Hà

Những ngày này, bà Nguyễn Thị Vui, 57 tuổi ở Khu phố 8, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đứng ngồi không yên với khoản tiền vay nóng 3 triệu đồng để con trai tìm mộng đổi đời nơi xứ người.

"Tôi có biết Trung Quốc ở đâu đâu. Nghe người ta rủ rê đi lao động ở Trung Quốc lương tháng cả chục triệu nên tôi động viên thằng con đi làm vài tháng, tiết kiệm tiền trả nợ", bà Vui nói."Cắn răng vay nặng lãi để cho con đi, nhưng giờ thìlương cũng chẳng có mà nợ không biết đào đâu ra để trả".

Con trai bà Vui - Trần Đình Hoàng (26 tuổi) và nhiều người cùng làng sang Trung Quốc tháng 3 vừa rồi, nhưng chỉ được 6 ngày thì bị trả về vì chủ lao động sợ bị truy quyét.

Hơn 5 năm trước, bà Vui vay ngân hàng 20 triệu đồng và tiền vàng của người quen để Hoàng sang Qatar lao động. Được 3 tháng, Hoàng trở về không một xu dính túi vì "người ta bảo lương tháng 6-7 triệu nhưng sang đó chỉ được 3 triệu đồng, không đủ sống". Gia đình phải bán đàn bò vừa khít nợ người quen, còn nợ ngân hàng lãi chồng chất đến nay đã hơn 30 triệu đồng.

Giờ Hoàng làm thợ đá với người quen, công nhật bấp bênh. "Hắn đi làm cả ngày. Khi nào về nhà thấy tôi ăn cơm với ruốc mới cho tôi được trăm nghìn. Nhà 8 người con mà phải xin bà con sổ hộ nghèo, tôi xót lắm", bà Vui bộc bạch.

"Bức bí thu nhập tôi mới đi như thế, ban đầu nghe người ta rủ không biết là đi lao động trái phép", Hoàng kể. "Nợ thì nợ nhưng con về là mừng rồi. Mấy ngày hắn qua bên đó, không liên lạc được mà nghe người ta nói dễ bị lừa bán gan bán thận, tôi lo lắm", bà Vui ứa nước mắt.

Bà Hồ Thị Nem, 47 tuổi, ở ngay sau lưng nhà Hoàng cũng ở hoàn cảnh tương tự. Nghe mọi người nói sang Trung Quốc làm nghề móc sắt nhẹ nhàng nhưng lương 8 triệu đồng, mà không cần hộ chiếu hay học nghề nên bà Nem đã gom góp 2 triệu đồng làm lộ phí và lên đường.

A1: Bà Hồ Thị Nem nghe người quen rủ rê lương tháng 8 triệu hôm trước thì hôm sau gom góp 2 triệu đồng lên đường. Ảnh: Quang Hà

Bà Hồ Thị Nem nghe người quen rủ rê lương tháng 8 triệu nên gom góp 2 triệu đồng lên đường. Ảnh: Quang Hà

Ở quê, bà Nem làm nghề hấp cá thuê, một mùa trăng cũng được 2-3 triệu đồng. Ruộng có mấy sào ngay trước nhà nhưng quanh năm quần quật cũng chỉ đủ ăn. "Định bụng đi làm đến Tết thì về nhưng vừa đến biên giới Trung Quốc thì bị biên phòng bắt giữ, phải trở về quê", bà Nem nói.

Ở cùng khu phố 8, hai chị em Trần Đình Thịnh cũng sang lao động chui ở Trung Quốc. Chị của Thịnh đi hơn nửa năm, sau Tết vừa rồi về quê rủ thêm em trai. Người nhà của chị em Thịnh chỉ biết con em mình đi lao động ở Trung Quốc, còn ở đâu, làm gì và lương bao nhiêu thì không hay.

Tương tự, tại xã Trung Giang (Gio Linh) từ sau Tết 2014 đến nay, có rất nhiều lao động tìm cách vượt biên đi lao động chui. Như anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn Thủy Bạn đi cũng đã hơn một năm. Tết vừa rồi, Sơn về quê đón xuân rồi rủ anh rể cùng sang Trung Quốc. Hai ngôi nhà sát nhau thiếu vắng bóng đàn ông, im ắng lạ thường.

Chị Trần Thị Hiền, vợ anh Sơn cho hay: "Ở quê đi biển không bao nhiêu, ba ngày mưa bốn ngày bão. Không có việc làm nên mới bỏ quê mà đi. Qua bên đó, chồng tôi làm được tháng 8 triệu, có chỗ ăn nghỉ đàng hoàng, chủ nhật được nghỉ, đau ốm được cho thuốc. Chỉ mỗi việc ngày làm 11 tiếng".

Theo ông Dương Sông Dinh, Phó chủ tịch xã Trung Giang, toàn xã có 54 người đang lao động chui lủi ở Trung Quốc. Ban đầu người ta hứa trả lương cao và đầy đủ, nhưng lâu dài, họ không trả lương thì người lao động sẽ chịu phần thiệt, chưa kể luôn phải sống trong lo lắng bị lực lượng chức năng bản địa kiểm tra.

Bản thân ông Dinh có người cháu là Dương Minh Thành đi lao động trái phép ở Trung Quốc 2 tháng rồi trốn về. "Nó đau nhưng chủ lao động không cho đi viện điều trị. Sau nó phải bỏ trốn, về nước thì khỏe ra. Chắc là do lao động quá sức, ngày làm đến 12 tiếng", ông Dinh nói.

Ở thị trấn Cửa Việt, ông Trần Đình Mãn, Phó chủ tịch thị trấn cho biết địa phương cũng có 17 lao động bất hợp pháp, hiện tượng này vừa rộ lên từ đầu 2014. Ban đầu, họ trả lương đầy đủ nhưng sau giảm dần và nợ lương. "Có nhiều trường hợp ở địa phương đi nhưng không có tiền về. Mọi người truyền miệng là việc làm ổn định, lương cao nhưng thực chất là lao động khổ sai. Ở bên đó, xe rùa to bằng 3 xe rùa ở mình, ngày làm hơn 10 tiếng. Số ít người đi làm nhiều năm bên kia, gửi tiền về nhưng không đáng kể", ông Mãn nói.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, hơn 100 người làng biểnGio Linh (Quảng Trị) đã vượt biên, đi lao động trái phép ở Trung Quốc. Họ đều có hoàn cảnh nghèo khó, thu nhập bấp bênh nên với họ mức lương 8 -10 triệu đồng mỗi tháng đúng là số tiền "trong mơ". Họ không biết với hình thức vượt biên như vậy sẽ có rất nhiều nguy hiểm như không có cơ quan bảo hộ nếu việc bất trắc xảy ra.

AloBacsi.vn
Theo Quang Hà - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X