Hotline 24/7
08983-08983

Quan chức vướng lao lý là cáo bệnh: Kinh nghiệm buồn

“Tôi rất bức xúc trước việc chúng ta nói rất nhiều, lên khẩu hiệu nhiều nhưng kết quả thực tế chưa được bao nhiêu”.

Bệnh án mua dễ dàng

Sau khi đăng bài viết “Cán bộ dính lao lý muốn bệnh, chỉ cần viết đơn?” của LS Phạm Công Hùng (Nguyên thẩm phán TAND Tối cao) phản ánh tình trạng cán bộ, quan chức khi bị thanh tra, kiểm tra các sai phạm thì cáo bệnh hoặc đưa ra hồ sơ bị tâm thần, Đất Việt tiếp tục nhận thêm được ý kiến chia sẻ của bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên chủ nhiệm ủy ban tư pháp của QH.

Theo bà Lê Thị Thu Ba, bản thân bà trong quá trình làm việc cũng từng chứng kiến nhiều vụ án cán bộ tham nhũng lợi dụng tính nhân đạo trong luật pháp của nhà nước để đổi trắng thay đen, trốn tội, trốn trách nhiệm. Thậm chí có trường hợp quan chức tham nhũng ở Đồng Nai còn dùng bệnh án để xin đặc xá dù chưa đi thụ án ngày nào.

“Pháp luật có quy định cho phép trong trường hợp bị can, bị cáo mắc bệnh, có mức độ tâm thần thì chưa phải chịu mức độ hình sự. Pháp luật quy định như vậy là hoàn toàn đúng, để có trù liệu khi trường hợp đó xảy ra thì xử lý cho đảm bảo tính nhân văn.

Trước đây tôi từng nhiều lần phản đối chuyện cán bộ, quan chức tham nhũng lợi dụng điều này để trốn tránh trách nhiệm. Họ thường tìm mọi cách xin hồ sơ có bệnh tật để được miễn trừ xét xử, truy cứu. Ở Việt Nam có một thực tế là đi xin các hồ sơ bệnh án không khó khăn gì cả. Muốn bệnh gì thì có bệnh đó hết”, bà Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh.

Nguyên chủ nhiệm ủy ban tư pháp của QH cũng thừa nhận sự lỏng lẻo trong quá trình kiểm tra, thẩm định lại hồ sơ bệnh án cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý trực tiếp cán bộ, lãnh đạo dính dáng đến tham ô, tham nhũng. Điều này dẫn đến tình trạng quan chức vướng lao lý cáo bệnh ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Quan chuc vuong lao ly la cao benh: Kinh nghiem buon
Bà Lê Thị Thu Ba - Nguyên chủ nhiệm ủy ban tư pháp của QH bức xúc trước tình trạng quan chức, lãnh đạo chạy chọt bệnh án để trốn tội. Ảnh: TTXVN

“Tôi cho rằng trách nhiệm trước hết ở đây là các cơ quan tố tụng, cơ quan thi hành pháp luật làm chưa nghiêm chứ không phải cơ quan giám sát. Tại sao khi tiếp nhận đơn và hồ sơ bệnh án, chúng ta không kiểm tra lại, tiến hành giám định độc lập? Cái đó nằm trong thẩm quyền của họ và rất dễ dàng chứ không có khó khăn gì cả”, bà Lê Thị Thu Ba lo lắng.

Cùng đưa ra ý kiến, ông Dương Ngọc Ngưu - Nguyên phó chủ nhiệm ủy ban tư pháp của QH cũng thừa nhận tình trạng quan chức tham ô, tham nhũng dùng hồ sơ bệnh án để thoát tội đã xuất hiện từ lâu, thậm chí quốc hội cũng từng đưa ra thảo luận nhưng đến nay tình trạng vẫn không hề giảm mà có chiều hướng tăng thêm.

“Những chuyện này xuất hiện nhiều năm rồi. Nhiều vụ án từng xảy ra như ở Hưng Yên, Tiền Giang. Thậm chí có vụ án đặc biệt nghiêm trọng họ dùng hồ sợ bệnh án để được đặc xá.

Trong các báo cáo thẩm tra vi phạm pháp luật và tội phạm cuối năm thì ủy ban tư pháp đều đưa vào rồi. Bây giờ tiêu cực tham nhũng ngay đối với những người làm công tác giám định và ngày càng nhiều hơn”, ông Ngưu nhận định.

Tăng cường các kênh giám định độc lập

Nhiều năm làm trong ủy ban tư pháp, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng bệnh nể nang, bệnh tham nhũng đã sinh ra chuyện quan bị bệnh và trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Đặc biệt, hiện nay Quốc hội hay HĐND cũng không đủ lực để làm hết trách nhiệm của mình vì cả đất nước có 63 tỉnh, thành với trên 700 quận, huyện nên việc giám sát sẽ rất khó khăn. Vì vậy, bà Lê Thị Thu Ba đặc biệt đề cao trách nhiệm của những người thi hành pháp luật và cơ quan kiểm soát.

“Từ trước đến nay cũng có những trường hợp làm giả hồ sơ, giấy tờ bệnh án bị phát hiện và xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên để xét xử những người đồng lõa, tiếp tay thì cũng chưa nghiêm và cũng chưa nhiều.

Theo tôi để giải quyết triệt để tình trạng này thì chỉ có cách thay đổi cách làm việc và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Với những trường hợp cáo bệnh để xin trì hoãn xét xử, chúng ta nên tiến hành giám định lại, sử dụng các kênh độc lập để kiểm tra. Chẳng có việc gì phải ngại ở đây cả.

Nếu đúng như hồ sơ bệnh án thì sẽ dừng tố tụng, tùy thuộc vào mức độ, có thể đưa đến bệnh viện, trung tâm bắt buộc để chữa trị hoặc để gia đình có chế độ chăm sóc. Tuy nhiên khi hết bệnh rồi thì phải tiếp tục xét xử hoặc thi hành án.

Còn với trường hợp dùng bệnh án để trốn tội thì cần làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, bà Ba nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, bà Ba cũng cho rằng cần phải nâng cao tinh thần tố cáo, tố giác sai phạm để những khẩu hiệu, chủ trương của nhà nước thật sự đi vào cuộc sống.

“Tôi cũng rất bức xúc trước việc chúng ta nói rất nhiều, lên khẩu hiệu nhiều nhưng kết quả thực tế chưa được bao nhiêu. Chúng ta xử người dân rất nghiêm nhưng quan chức thì dường như còn nương tay. Đó là những kẽ hở, cần phải làm rõ và khắc phục triệt để, nếu không sẽ tạo ra sự bất công, mất niềm tin trong nhân dân”, bà Lê Thị THu Ba nói thêm.

Trong khi đó, ông Dương Ngọc Ngưu – Nguyên phó chủ nhiệm ủy ban tư pháp của QH thì cho rằng, biện pháp tốt nhất hiện nay là cần làm rõ và xử lý nghiêm những người kê khai hồ sơ giả để giúp các đối tượng là quan chức, cán bộ tham ô, tham nhũng chạy chọt, trốn tội.

“Quan trọng nhất hiện nay là giám định tư pháp, đạo đức nghề nghiệp đội ngũ cán bộ ngành y. Chúng ta phải chấn chỉnh lại những điều này. Theo tôi được biết thì ngày nay, ngày mai ủy ban tư pháp họp và chắc họ cũng sẽ nêu vấn đề này ra”, ông Ngưu chia sẻ thêm.

Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X