Hotline 24/7
08983-08983

Quá ưu ái doanh nghiệp, ai đứng sau hưởng lợi?

UBND thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) đang ráo riết tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của 12 hộ dân thuộc thôn Hồng Thắng (xã Quảng Cư) giao cho Tập đoàn FLC.

Điều tra của Lao Động cho thấy, việc cưỡng chế này có rất nhiều mập mờ, uẩn khúc cần làm rõ. Dư luận bức xúc cho rằng, Thanh Hoá đang cố tình dùng sức mạnh chính quyền tiếp tay cho FLC “lấy không” đất ở của dân làm biệt thự để bán với giá “đất vàng”.

Doanh nghiệp thu lợi lớn, dân rơi vào cùng quẫn

Hàng chục hộ dân thôn Hồng Thắng, xã Quảng Cư (Thanh Hoá) đang rơi vào tình cảnh cùng quẫn khi bị ép giao nhà cửa đất đai cho Tập đoàn FLC kinh doanh bất động sản (BĐS). Người dân chịu thiệt đủ đường trong khi Tập đoàn FLC thu lợi lớn từ bán đất trên giấy.


FLC rao bán đất cha ông người dân để lại

Sáng 2.8, trong vai nhà đầu tư, PV đã được bà Lê Hà Thư (Phòng Kinh doanh BĐS của Tập đoàn FLC) chào mời mua đất làm khách sạn, biệt thự, nhà liền kề ngay trên chính mảnh đất người dân đang ở.

Theo bản đồ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 dự án FLC golf link và khu đô thị du lịch sinh thái FLC thì toàn bộ phần diện tích UBND thị xã Sầm Sơn ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu người dân phải dời đi đều nằm trong dự án BĐS của Tập đoàn FLC. Theo quy hoạch này, thôn Hồng Thắng (xã Quảng Cư) hầu như bị xoá sổ. Thay vào đó là dự án BĐS của Tập đoàn FLC.

Phần bám mặt đại lộ nam sông Mã trước kia quy hoạch làm thảm cây xanh thì nay FLC đổi lại là các lô đất dành xây khách sạn. Theo bà Lê Hà Thư, giá đất làm khách sạn này chưa bao gồm thuế, thủ tục khoảng trên 30 triệu đồng/m2 ở vị trí trung bình, còn phần đất sát vòng xuyến, gần biển có giá cao hơn nhiều, có thể bằng giá thị trường hiện nay, khoảng 65 triệu đồng/m2.

Đằng sau các khu khách sạn, Tập đoàn FLC sẽ chia lô, bán nền các căn hộ liền kề diện tích khoảng 90m2 và các căn biệt thự trên 200m2. Hiện tập đoàn này đã và đang rao bán và nhận đặt cọc. Phương thức “lách luật” ban đầu là khách hàng nộp tiền ký hợp đồng liên kết, sau khi xây xong móng, FLC sẽ làm hợp đồng bán nền.

Với dự án BĐS này, Tập đoàn FLC có thể thu vào hàng nghìn tỉ trên cơ sở đất cha ông của hàng chục hộ dân để lại. Kể cả chưa GPMB, Tập đoàn FLC đã và đang ráo riết rao bán đất người dân đang ở. “Tôi không biết trên đất nước mình có nơi nào như vậy hay không? Nhà dân đang ở, doanh nghiệp đã phân lô trên giấy để bán nền thu lợi hàng nghìn tỉ?” - ông Ngô Hữu Dương - hộ dân bị cưỡng chế - cay đắng.

Người dân bị o ép, đẩy vào chỗ cùng đường


Việc phát triển, mở rộng để Sầm Sơn hiện đại, khang trang xứng tầm là đô thị biển hàng đầu cả nước là cần thiết. Tuy nhiên, những gì người dân đang được nhận là quá thiệt thòi. Đất đai nhà cửa của những hộ dân nơi đây được cha ông họ gầy dựng từ hàng trăm năm trước. Nơi đây đầu sóng ngọn gió theo đúng nghĩa đen.

Hứng chịu bão tố, bom đạn, cha ông họ đã kiên cường trồng phi lao chắn cát, cầm súng giữ đất mới có ngày hôm nay. Vậy nhưng bỗng nhiên, Tập đoàn FLC vào thực hiện dự án sân gofl, khách sạn đã vẽ bao trùm lên nhà cửa đã được cấp quyền sử dụng đất của họ.

Họ sẵn sàng dời đi nhưng họ đã không thể đi vì cái họ nhận được quá cay đắng. UBND thị xã Sầm Sơn đã áp dụng QĐ số 4545/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá để áp giá bồi thường. Theo đó, các hộ ở khu vực “đất vàng” này chỉ được nhận đền bù với giá từ 1,2 - 4 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, không cần phải đầu tư gì nhiều vì đường sá, tỉnh Thanh Hoá đã bỏ ngân sách ra làm, tiền GPMB không đáng kể, Tập đoàn FLC đã rao bán trên giấy ngay chính mảnh đất ấy với giá từ 30 - 60 triệu đồng/m2. “Nếu DN nào cũng có thể kinh doanh theo kiểu bán nhà người khác thế thì đất nước mình sẽ như thế nào?” - ông Dương lại đau đáu hỏi.

Đau đớn hơn, nếu chấp nhận nhường đất đai nhà cửa với giá bèo bọt, chuyển vào khu tái định cư UBND thị xã xây vội vàng thì người dân lại phải bỏ tiền mua. Theo đó, muốn ở khu tái định cư này, người dân phải mua với giá từ 2 - 4 triệu đồng/m2 (chưa thuế). “Thế là lãi quá còn gì. Để lại đất vàng được nhận 1,2 triệu, vào khu tái định cư phải mua tới 4 triệu đồng/m2, lãi quá còn gì. Còn gì đau đớn hơn” - ông Lường Văn Ngọc (hộ dân bị thu hồi) chua chát.

Những ngày này các hộ dân ở đây thực sự rơi vào cảnh cùng quẫn, bấn loạn. Ngày, họ kéo lên đòi gặp lãnh đạo tỉnh trình bày. Mượn người viết đơn kêu cứu vì bản thân họ viết đơn cũng không nổi. Tối về lại phải vắt chân lên cổ chạy xe điện, bán hàng rong để có tiền gửi đơn kêu cứu. Những ngư dân chất phác này đang đứng trước một thách thức quá lớn.

Không dám nói rõ lý do cưỡng chế

PV đã làm việc với ông Phạm Gia Long - Trưởng phòng TNMT thị xã Sầm Sơn - nhưng ông Long từ chối tất cả câu hỏi liên quan. Ông một mực nói: “Anh phải đi gặp hỏi lãnh đạo”. Gõ cửa phòng ông Lê Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND thị xã. Ông Chiến không tiếp phóng viên và không nói nửa lời về lý do thu hồi đất của dân.

Trước đó, ngày 28.7, UBND thị xã Sầm Sơn tổ chức họp báo về việc cưỡng chế 12 hộ dân. Đây có lẽ là buổi họp báo kỳ lạ nhất ở Thanh Hoá. Chủ trì là ông Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã, người mới được điều động từ nơi khác về. UBND thị xã không cung cấp bất kỳ văn bản, tài liệu nào liên quan đến việc cưỡng chế ngoài danh sách các hộ bị cưỡng chế. Buổi họp báo gây bức xúc cho tất cả những người tham dự.

Đến ông Hoàng Minh Tường - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá - cũng phải thốt lên: “Đến dự họp báo hôm nay tôi cũng không rõ tình hình như thế nào, chỉ biết thông tin là cưỡng chế. UBND thị xã Sầm Sơn lại không nói được lý do vì sao cưỡng chế”.

Theo Xuân Hùng - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X