Hotline 24/7
08983-08983

Phóng sự phá rừng của VTV24: Quay được cảnh nhận tiền, bảo kê, sao chặt cây phải “dựng”?

Vừa qua, Trung tâm Tin tức VTV 24 đã phát sóng loạt phóng sự điều tra về tình trạng phá rừng ở tỉnh Đắk Lắk và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả.

Tuy nhiên, sau đó phóng sự này đã bị “tố” dàn dựng cảnh phá rừng. PV Báo GĐ&XH đã liên hệ với nhà báo Lê Bình, Giám đốc VTV24 về sự việc này thì chị từ chối trả lời phỏng vấn với lý do: “Tất cả những gì chúng tôi có sẽ đưa lên…”.

Hình ảnh trong phóng sự về nạn phá rừng của VTV24.
Hình ảnh trong phóng sự về nạn phá rừng của VTV24.

Cái “nạn” dàn dựng rất phổ biến(?)

Trong khi dư luận đang xuất hiện những bình luận đa chiều xung quanh phóng sự về nạn phá rừng ở Đắk Lắk do VTV24 thực hiện, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, nhà thơ Văn Công Hùng, người có “thâm niên” sống và viết ở Tây Nguyên cho biết: “Về mặt chuyên môn, tôi thấy phóng sự ấy công phu, có nghề, vạch được bản chất vấn đề phá rừng Tây Nguyên hiện nay. Đó là việc không chỉ có lâm tặc mà còn là sự tiếp tay của những người có trách nhiệm. Nhưng rất tiếc, có một số chi tiết của phóng sự này đang bị “tố” là dàn dựng. Tất nhiên, xét về bản chất, dù có dàn dựng thì cái sự dựng ấy vẫn phù hợp với thực tế đã và đang diễn ra”.

Theo nhà thơ Văn Công Hùng, dù chưa có kết luận cuối cùng việc VTV24 dàn dựng hay không, nhưng qua báo cáo từ Công an tỉnh Đắk Lắk với xác minh phóng viên VTV24 thuê người chặt cây, trả tiền công để quay phóng sự thì việc dư luận bàn tán là có cơ sở. Điều nhà thơ Văn Công Hùng tỏ ra ngạc nhiên là vì sao phóng viên VTV24 đã quay được cảnh nhận tiền, bảo kê… khó thế, mà đến đoạn chặt cây lại phải dựng? Chưa kể, xét về kết cấu phóng sự này, nếu không có đoạn chặt cây thì vẫn hay, thông tin chuyển tải không thiếu hụt.

Sống lâu năm ở Tây Nguyên, nhà thơ Văn Công Hùng cũng tâm sự, không ít lần ông chứng kiến sự dàn dựng sống sượng của các phóng sự truyền hình và đã lên tiếng phản ứng thẳng thắn, quyết liệt. Ông nói: “Có đoàn phim xuống làng quay cảnh bà con đang đi làm cũng bắt đồng bào thay quần áo dân tộc trong khi hàng ngày họ mặc trang phục khác. Và thực ra trang phục các phóng viên bảo bà con mặc cũng có phải quần áo dân tộc thật đâu. Đó chỉ là hàng mua ngoài chợ, người Kinh may, lên sóng truyền hình thấy còn nguyên nếp gấp mới toanh. Cái “nạn” dàn dựng trên truyền hình rất phổ biến, nó làm hỏng nhiều sản phẩm lẽ ra rất công phu.

Có nhân vật, khi đứng trước máy quay diễn đến mức phản cảm. Kiểu như trao quà thì không nhìn vào người được trao, chỉ nhăm nhăm quần là áo lượt hướng vào ống kính. Như thế cũng là dàn dựng, là không chấp nhận được. Nhưng không chỉ truyền hình mà báo viết đôi khi cũng mắc “nạn” dàn dựng. Có lần, một tờ báo nọ còn in ảnh hai cháu bé dân tộc tay đánh chiêng, miệng… ngậm tẩu. Tôi thấy chướng mắt liền liên hệ phản ánh, sau đó họ gỡ ngay”.

Bàn về câu chuyện VTV thời gian gần đây liên tục bị “tố” dàn dựng phóng sự, nhà thơ Văn Công Hùng nhận định: “Giờ khán giả tinh hơn, tương tác kỹ hơn, gần hơn, nên sự giả dối dễ bị phát hiện. Hình như chúng ta chưa thực sự nghiêm khắc với việc này nên anh nào bị cứ bị, còn không bị thì cứ “mần tới”. Trở lại phóng sự đang gây xôn xao về chặt phá rừng của VTV 24, cũng phải nói lại thế này: Nó vẫn có ích! Nếu điều tra cho thấy có dàn dựng thì đoạn dựng là hỏng, cần kiểm điểm nghiêm khắc, nhưng tổng thể phóng sự ấy không hỏng bản chất sự việc”.

Bảo vệ rừng mà thuê người chặt cây là phá rừng lần hai

Trao đổi về phóng sự đang gây ồn ào của VTV24, anh Đỗ Hà, từng là Biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam nhận định: “Dù chưa thể khẳng định được VTV24 có thuê người dân chặt cây nhằm dàn dựng phóng sự hay không, nhưng ở góc độ chuyên môn, tôi cho rằng nếu để thực hiện một phóng sự mà phải “phá rừng” lần hai là không chấp nhận được. Là một phóng viên, phải biết điều gì nên hay không nên làm, trong trường hợp nào cần dàn dựng, trường hợp nào thì không. Mức độ dàn dựng phóng sự có thể chấp nhận được ở ngưỡng giới hạn được luật pháp quy định, đồng thời là sự chấp nhận của người xem chương trình vì điều kiện đầu tiên của một chương trình là tôn trọng khán giả”.

Anh Đỗ Hà chia sẻ, nếu xảy ra tình huống phóng viên VTV24 dàn dựng thì điều này thể hiện khả năng nhận thức, tiếp cận vấn đề chưa chuẩn mực. Ví dụ, làm phóng sự tuyên truyền không vứt rác thì không nên lấy rác ở chỗ khác để vào phục vụ cho việc quay hình. Vậy nếu muốn làm phóng sự về nạn phá rừng trong tình huống không quay được cảnh chặt phá rừng mà nhà đài vẫn muốn có đoạn phim tái hiện sự việc đã xảy ra cho khán giả dễ hình dung thì phải làm gì?

Trước câu hỏi này, anh Đỗ Hà cho biết: “Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của phóng viên, biên tập viên. Chẳng hạn, có thể dựa vào góc máy, khả năng diễn xuất của nhân vật để che đi những tình huống nhạy cảm. Về mặt kĩ thuật, dùng góc máy giấu đi hành động của nhân vật cũng là một cách. Ví dụ, cảnh chặt cây, góc máy có thể thay thân cây, hướng nhìn ra phía nhân vật. Tóm lại, hoàn toàn có thể tái hiện việc chặt phá cây, khán giả hiểu được là chặt cây mà không… phá rừng thật! Ngoài ra, còn có góc nhìn như cây chính là một con người để đưa ra thông điệp bảo vệ rừng, hoặc dàn dựng thì để dòng chữ “hình ảnh chỉ có tính minh họa” chạy bên dưới phóng sự. Như vậy, ngôn ngữ hình ảnh phụ thuộc vào việc người biên tập có khả năng hay không thôi”.

Từng công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam ở vị trí Biên tập viên trước khi xin nghỉ việc để làm dự án phim độc lập, anh Đỗ Hà cho rằng, để tránh việc dàn dựng sai nguyên tắc, nhà đài nên chú trọng vào việc tuyển dụng những người học đạo diễn thay vì những biên tập, bởi đối tượng được đào tạo chuyên sâu về đạo diễn sẽ có nhiều cách nhận thức, xử lý và kĩ thuật tốt hơn trong việc này.


Theo Thùy Phương - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X