Hotline 24/7
08983-08983

Phó thủ tướng: Đổi chính quyền không tạo thay đổi quan hệ

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận 2017 sẽ là năm nhiều thách thức đối ngoại, đẩy sâu các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện sẽ là những ưu tiên của Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ đầu năm với báo giới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra nhiều đánh giá về tình hình đối ngoại 2017 cùng các thách thức. Zing.vntrích đăng nội dung cuộc trao đổi.

- Xin Phó thủ tướng đánh giá về tình hình thế giới và khu vực trong năm qua?

- Nhìn lại 2016, nếu dùng lời ngắn gọn đánh giá thì đó là năm bất ổn, khó lường. Nhìn cả năm, xu hướng chung của thế giới của khu vực vẫn là mong muốn hòa bình, đóng góp vào việc tạo dựng được hòa bình dù là góc độ này hay góc độ khác.

Pho thu tuong: Doi chinh quyen khong tao thay doi quan he hinh anh 1
Đến cuối 2015, chúng ta đã hoàn thiện khuôn khổ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, với hầu hết các nước có vai trò quan trọng trên thế giới. Ảnh: Tiến Tuấn.

Phản toàn cầu hóa và những trào lưu ngược

Có những sự kiện mà có lẽ hàng chục năm trước chúng ta không bao giờ có thể đánh giá sẽ có kết quả hình thành trong 2016 như: bình thường hóa quan hệ Cuba và Mỹ sau gần 50 năm; thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận ở Colombia.

Có những thể chế đã tồn tại rất lâu, gần 50 năm, lại có những bước ngoặt như trong Liên minh châu Âu với hiện tượng Brexit. Rồi chúng ta nói thế giới đang đi tới toàn cầu hóa, nhưng cũng đang có trào lưu quay lại chủ nghĩa dân tộc, dân túy, không ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kinh tế.

2016 là tích tụ biến chuyển của một số năm và nó thể hiện ra khác với xu hướng nhận định trước đây. Tình hình an ninh, truyền thống, phi truyền thống đều phức tạp.

- Đối ngoại Việt Nam 2016 được coi là năm thắng lợi của ngành ngoại giao với những hoạt động sôi động cho đến những ngày cuối năm. Phó thủ tướng có thể cho biết khái quát những điểm nổi bật?

- Đối ngoại năm 2016 là sự tiếp nối của những năm trước. Cũng là năm đầu tiên triển khai những kết quả đạt được của Đại hội Đảng 12.

2016 có thể tạm gọi là kết thúc giai đoạn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả các nước quan trọng trên thế giới.

Đến cuối năm 2015, chúng ta đã hoàn thiện khuôn khổ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An, với hầu hết các nước có vai trò quan trọng trên thế giới và các nước trong khu vực Đông Nam Á. 2016 là năm triển khai các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào cụ thể.

Pho thu tuong: Doi chinh quyen khong tao thay doi quan he hinh anh 2
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá năm 2016 là năm bất ổn, khó lường của tình hình thế giới. Ảnh: Tiến Tuấn.

Khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào hiệu quả

Không có nhiều nước như Việt Nam trên thế giới mà các nước quan trọng nhất đều có chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam, cũng như lãnh đạo Việt Nam tới thăm các nước đó. Đơn cử như: tổng thống Nga, tổng bí thư chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp, thủ tướng Anh, thủ tướng Nhật,...

Có lẽ tất cả lãnh đạo những nước quan trọng trên thế giới đều đến Việt Nam. Đó là sự thể hiện khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện đã đi vào hiệu quả cụ thể.

Về đa phương, năm 2016 là năm triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương rất tích cực. Các hội nghị quan trọng trên thế giới, lãnh đạo cấp cao chúng ta đều tham dự: Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị Không liên kết, các hội nghị trong khu vực, kể cả các diễn đàn chúng ta không phải thành viên nhưng được mời tham gia như G7 ở Nhật...

Các hội nghị tổ chức ở Việt Nam cũng hết sức đa dạng gồm hội nghị trong tiểu vùng như AMES, CLMV, Diễn đàn Kinh tế Mekong - một cơ chế hoàn toàn mới và là sáng kiến của chúng ta.

Chúng ta không chỉ tham gia mà đã thực sự đóng vai trò rất quan trọng thông qua các sáng kiến, các đề xuất cụ thể đối với các hội nghị này. Điều đó cho thấy sự trưởng thành của chúng ta trong hoạt động đối ngoại.

Pho thu tuong: Doi chinh quyen khong tao thay doi quan he hinh anh 3
Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, việc thực thi các thỏa thuận sau ký kết cần "tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn". Ảnh: Tiến Tuấn.

Phản ứng phù hợp trước những biến động

- Xin Phó thủ tướng đánh giá những gì công tác đối ngoại Việt Nam đã làm được và chưa làm được trong năm vừa qua?

- Chúng ta trong năm 2016 cũng như các năm trước đã triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Mục tiêu là tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định. Có thể nói những biến động, bất ổn trên thế giới, chính sách của chúng ta đã phản ứng hết sức phù hợp.

Cái không được cũng có thể do mong muốn của chúng ta lớn hơn mà lại không đạt được. Ví dụ, việc triển khai các thỏa thuận qua các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao. Chúng ta có nhiều thỏa thuận nhưng việc triển khai, đòi hỏi của các bộ ngành, địa phương thực hiện chưa thật sự hiệu quả. Đó là điều chúng ta cần rút kinh nghiệm, cần làm tốt hơn.

Việc thực thi các thỏa thuận cần tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Văn hóa thực thi đòi hỏi phải tốt hơn nữa.

Điều thứ hai là làm sao đưa đến được người dân, doanh nghiệp những kết quả của thỏa thuận. Chúng ta thương lượng, ký kết các hiệp định rất nhiều, đặc biệt là các FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới. Làm sao để các doanh nghiệp, người dân cảm nhận và thực hiện được. Đó là trách nhiệm của các bộ ngành, các địa phương quảng bá đến các doanh nghiệp tốt hơn.

Cần linh hoạt xử lý trên các nguyên tắc

- Tình hình chính trị thế giới gần đây có nhiều thay đổi đáng kể, đặc biệt ở Philippines và Mỹ. Phó thủ tướng đánh giá thế nào các thách thức mà Việt Nam gặp phải trong năm tới?

- Tất cả các nước sau vài năm sẽ có bầu cử, có sự thay đổi chính quyền theo các đảng phái thắng cử. Việc thay đổi là điều đương nhiên và diễn ra thường xuyên.

Điều quan trọng là chúng ta thúc đẩy quan hệ không phải với một chính quyền, với một đảng, mà là với một đất nước. Đó là điều chúng ta đã làm, xây dựng các khuôn khổ quan hệ - quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác toàn diện.

Đó là khuôn khổ quan hệ với một đất nước thì dù chính quyền có thay đổi hay không thì chúng ta vẫn trên cơ sở khuôn khổ đó thúc đẩy. Chứ không có nghĩa sự thay đổi chính quyền sẽ dẫn tới thay đổi chính sách đối ngoại.

Đương nhiên sẽ có từng việc cụ thể, chúng ta vẫn thực hiện phương châm: đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Lấy mục tiêu lớn nhất là đa dạng, đa phương hóa quan hệ, quan hệ trên cơ sở cùng vì lợi ích của chúng ta và các nước đó. Với mục tiêu đó thì sự thay đổi sẽ không ảnh hưởng.

- Một năm vừa qua là năm bất ổn, bất thường, xu thế hội nhập quốc tế với nhiều thách thức. Với thách thức đó, ngành ngoại giao Việt Nam trong 2017 sẽ làm thế nào để vượt qua thách thức, hội nhập tốt hơn?

- Chiều hướng năm 2017 chúng ta hiểu rằng tình hình diễn biến hết sức khó lường. Trong năm nay, còn rất nhiều sự thay đổi của các nước do bầu cử, tuyển cử hoặc đại hội đảng ở các nước.

Sẽ có những tình huống nữa trên thế giới mà chúng ta chưa dự báo được hết. Phương châm của chúng ta là kiên trì đường lối làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ, trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Mục đích của chúng ta là tạo được lợi ích chung với các nước, làm sao duy trì được hòa bình ổn định.

Với phương châm như vậy, chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp, trong đó tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn các quan hệ, các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Đó là những khuôn khổ hết sức quan trọng mà chúng ta đã dày công gây dựng và có được. Những khuôn khổ đó phải tiếp tục duy trì, phát huy. Đặc biệt là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước có vai trò quan trọng.

2017 cũng là năm triển khai Nghị quyết 6 Trung ương 4 về hội nhập quốc tế. Chúng ta đã có đà là tham gia chủ động hơn vào các cơ chế đa phương, chúng ta đã có các hiệp định thương mại đã ký kết trong 2016 thì đó là cơ sở để thực hiện.

Thực hiện các biện pháp như vậy tôi tin hoạt động đối ngoại chúng ta sẽ vượt qua được những thách thức. Mà tôi tin rằng 2017 sẽ có nhiều thách thức về đối ngoại cần phải rất linh hoạt xử lý trên các nguyên tắc của chúng ta.

Pho thu tuong: Doi chinh quyen khong tao thay doi quan he hinh anh 4
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh với các phóng viên đối ngoại sau cuộc gặp gỡ đầu năm. Ảnh: Tiến Tuấn.

Thương mại Việt Nam trong ASEAN giảm 8%

- Kết quả hợp tác ASEAN trong năm đầu thành lập cộng đồng?

- Đầu năm 2016, Cộng đồng ASEAN được hình thành. Đây không phải là đích đến, mà là cả quá trình lâu dài. Chúng ta đã cùng với các nước thành viên ASEAN hoàn thành mục tiêu của một cộng đồng ASEAN.

Trong năm 2016, với tinh thần đó, quá trình của các nước ASEAN là tạo dựng cơ sở đồng nhất, thị trường thống nhất. Đó là cái hiện hữu của Cộng đồng kinh tế ASEAN, các hàng rào thuế quan được loại bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề liên kết sản xuất. Hiện, ASEAN còn tính đến tương lai của Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Đối với Việt Nam, chúng ta nhận thấy có những vấn đề không được như mong muốn.

Về mặt sản xuất, Tổng cục Thống kê cho biết trên 82% các cơ sở chế biến, chế tạo cảm nhận có được Cộng đồng ASEAN. Nhưng về mặt thương mại, đó lại là bước thụt lùi. Năm 2016, thương mại của Việt Nam trong ASEAN giảm 8%, đó điều chúng ta không mong đợi bởi đây là thị trường rất rộng lớn.

Trong khi một số nước thành viên khác tận dụng được thị trường đó. Ví dụ như Thái Lan tăng cường trao đổi thương mại nội khối. Điều đó đặt ra vấn đề về sức cạnh tranh, cảm nhận của doanh nghiệp đối với thị trường này chưa lớn, chưa dốc sức để tận dụng thị trường rộng lớn này.

Khi xây dựng cộng đồng, ngoài vấn đề chính trị, các nước mong muốn tăng cường sự tin cậy, đoàn kết. Điều này đang thực hiện tốt, người dân thấy an toàn hơn, dễ dàng đi lại.Những riêng vấn đề kinh tế, nhất là thương mại, thì chưa hoàn thành tốt.

- Nhiều ý kiến cho rằng, ASEAN đang đứng trước những thách thức to lớn về sự đoàn kết, nhất là liên quan đến các vấn đề nhạy cảm của khu vực như tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải… đòi hỏi yêu cầu xem xét là một số điều khoản trong Hiến chương ASEAN. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về những nhận định này?

- Nền tảng của ASEAN trong cơ chế của khu vực dựa trên 2 vấn đề: đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Từ đó, tổ chức ASEAN phát huy được sức mạnh, vai trò trong các cơ chế của khu vực.

Cho đến nay, ASEAN có nhiều điểm khác biệt so với các tổ chức khác. Không chỉ với các nước Đông Nam Á, ASEAN còn xây dựng cơ chế với các nước lớn, có vai trò quan trọng ở khu vực. Điều này cho thấy sự cần thiết trong quan hệ giữa ASEAN với các nước lớn, xuất phát trên cơ sở vai trò trung tâm và tình đoàn kết.

Đương nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng cần xem xét lại Hiến chương ASEAN, nguyên tắc đồng thuận ASEAN. Sau hàng chục năm, các tổ chức có thể xem xét lại Hiến chương để làm cho tốt hơn, phù hợp hơn với tình hình.

Trong giai đoạn hiện nay, chưa có đề xuất nào yêu cầu xem xét lại Hiến chương. Như vậy, có thể nói sự đồng thuận, đoàn kết của ASEAN vẫn là vai trò then chốt trong cơ chế của ASEAN.

Ngoại trưởng John Kerry có nhiều đóng góp cho quan hệ Việt - Mỹ

- Ngoại trưởng John Kerry là người bạn đặc biệt của ông kể từ 22 năm trước khi ông còn là sinh viên tại ĐH Fletcher. Ông có thể thông tin thêm về chuyến thăm dự kiến vào tuần tới của ngoại trưởng Kerry? Chuyến thăm có ý nghĩa gì khi Bộ ngoại giao Mỹ sắp có ông chủ mới?

- Ngoại trưởng John Kerry đã có những đóng góp hết sức tích cực trong bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Không chỉ khi làm ngoại trưởng, ông đã có quan hệ với Việt Nam từ rất lâu từ khi còn là thượng nghị sĩ và từng đi thăm Việt Nam nhiều lần.

Với tư cách là ngoại trưởng, ông Kerry hầu như hàng năm đều thăm Việt Nam. Điều đó thể hiện quan hệ chung giữa Việt Nam và Mỹ đã tiếp tục phát triển.

Theo dự kiến, Ngoại trưởng John Kerry lẽ ra đã thăm Việt Nam vào tháng 12. Nhưng do lịch trình và sự kiện trên thế giới, ông đã hoãn chuyến thăm và trong tuần tới sẽ thăm Việt Nam.

Việc Ngoại trưởng John Kerry thăm Việt Nam không ảnh hưởng gì đến việc thay đổi trong chính quyền hay người đứng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây là quan hệ giữa hai nước và Ngoại trưởng John Kerry đi vẫn trên cương vị là ngoại trưởng của Mỹ.

Chuyến thăm khẳng định quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy theo đúng hướng mà hai bên đã thiết lập trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Điều đó cũng cho thấy dù bất cứ là đảng nào, chính sách của Mỹ cũng là chính sách của một nhà nước với Việt Nam.


Theo An An - Trà My - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X