Hotline 24/7
08983-08983

Phát sốt với dịch sốt xuất huyết

Những ngày qua, các bệnh viện nhi đồng lẫn các phòng mạch tại TPHCM liên tục tiếp nhận khám và điều trị cả ngàn ca mắc sốt xuất huyết (SXH).

Theo Sở Y tế TPHCM, dịch SXH đang vào mùa và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đã có 3 ca tử vong.

Liên tục nhập viện

Dù ngày cuối tuần nhưng khoa SXH BV Nhi đồng 1 TPHCM vẫn đầy ắp bệnh nhi. Do không đủ giường nên 2 trẻ nằm ngược đầu nhau. BS Nguyễn Minh Tiến, quyền Trưởng khoa, cho biết trong ngày hôm qua (29/6) có tổng cộng tới 120 cháu đang được điều trị, trong đó phần lớn cư ngụ TPHCM. “Dù mới bắt đầu vào mùa dịch nhưng diễn biến khá phức tạp do số mắc gia tăng gấp đôi so với các tháng trước, nhiều em bị sốc nặng”, BS Tiến nói. BS Tiến băn khoăn có nhiều trường hợp biến chứng nặng do xuất huyết da, xuất huyết tiêu hóa và tổn thương gan.

Mới đây, BV Nhi đồng 1 đã phải lọc máu liên tục mới cứu sống được trường hợp bé gái N.T.Q.N (9 tuổi, ngụ Đồng Tháp) do mắc SXH biến chứng suy đa cơ quan. Từ bệnh viện tỉnh chuyển lên, bé N. được chẩn đoán sốc SXH kéo dài, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa. Tại BV Nhi đồng 1, bé được điều trị tích cực chống sốc với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như đo huyết áp động mạch xâm lấn, đo áp lực tĩnh mạch trung ương, hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục, sau đó được đặt nội khí quản thở máy…

Diễn tiến bệnh trẻ phức tạp, xuất hiện hội chứng suy đa cơ quan, suy gan, suy thận cấp vô niệu, rối loạn đông máu, hôn mê, được tiến hành lọc máu liên tục để thải loại độc chất và các hóa chất trung gian gây viêm, tổn thương cơ quan ra khỏi máu bệnh nhân. Kết quả qua gần 3 tuần điều trị, tình trạng bé mới cải thiện dần… Theo BS Tiến, phần lớn các bé mắc SXH bị sốc nặng do người nhà cho nhập viện muộn.

Chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại BV Nhi đồng 1 TPHCM 

Tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, trong những ngày qua cũng liên tục tiếp nhận điều trị trẻ mắc SXH. Theo Phòng Kế hoạch Tổng hợp bệnh viện, bình quân tuần qua mỗi ngày điều trị nội trú 30-40 ca mắc SXH. Trong đó chiếm khoảng 10% số ca mắc bị sốc, biến chứng nặng.

Còn tại Khoa nhi A - BV Bệnh Nhiệt đới, số trẻ mắc SXH tăng 35%-40% so với tháng trước và chiếm 40% tổng số bệnh nhân vào viện điều trị. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận 30-50 bệnh nhân SXH. “Hiện bệnh viện có gần 100 bệnh nhân SXH đang điều trị nội trú, trong đó 10%-20% ở độ nặng”, lãnh đạo BV Bệnh Nhiệt đới cho biết. Điều các chuyên gia y tế quan ngại, hiện không ít trẻ bị mắc SXH nhưng khi đi khám phòng mạch bị chẩn đoán nhầm bệnh, dẫn đến nhập viện muộn.

BS Trần Văn Ngọc, nguyên Trưởng khoa Nhi A - BV Bệnh Nhiệt đới cho biết có trường hợp trẻ được gia đình đưa đến khám tại phòng mạch bác sĩ chẩn đoán bị viêm amiđan, cho đơn thuốc về nhà uống. Sau đó bệnh không khỏi, gia đình đưa sang BV Tai-Mũi-Họng khám tiếp thì được chẩn đoán bị viêm họng, tim bẩm sinh rồi kê toa thuốc cho cháu về nhà uống tiếp. Thế nhưng, sau đó cháu bị ngất xỉu, tím tái và cấp cứu tại bệnh viện với kết luận cuối cùng bị SXH giai đoạn cuối.

Đến hẹn lại bùng phát

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2012, thành phố có hơn 4.000 ca mắc SXH (tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2011) và đã có 3 ca tử vong. Còn tính cả khu vực phía Nam, theo Viện Pasteur TPHCM, trung bình mỗi tuần ghi nhận trên 1.000 ca mắc, nâng tổng số người bị SXH từ đầu năm đến nay lên gần 15.000 (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, 8 trường hợp đã tử vong.

Qua báo cáo đánh giá về các trường hợp tử vong, các chuyên gia nhận định các trường hợp tử vong do SXH tập trung ở trẻ béo phì và ghi nhận đều có tổn thương gan. Riêng trường hợp tử vong SXH ở người lớn, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, cho biết vì khi mắc bệnh thường bệnh nhân có tổn thương gan nặng và dễ suy đa cơ quan. Theo Sở Y tế TPHCM, gần đây một số trường hợp mắc SXH biểu hiện hội chứng suy đa cơ quan như suy hô hấp, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu… gây khó khăn cho các bác sĩ điều trị.

Theo Sở Y tế TPHCM, nhiều quận huyện có số ca mắc SXH cao không giảm là quận Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 8… Năm nào dịch SXH cũng bùng phát tại các địa phương trên nhưng do phòng chống không triệt để nên cứ đến hẹn lại bùng phát. Khi bị nhắc nhở, phê bình, chính quyền, y tế dự phòng các quận, huyện lại viện cớ gặp nhiều khó khăn do địa bàn quá rộng, dân nhập cư đông, nhân lực y tế mỏng không kham nổi…

Tại buổi họp giao ban y tế phòng chống dịch bệnh mới đây, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã phê bình một số địa phương là điểm nóng dịch SXH. Tuy rằng năm nào dịch SXH cũng bùng phát nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy công tác phòng ngừa vẫn chưa rút ra những bài học thấu đáo. “Minh chứng là ý thức vệ sinh, phòng ngừa cũng như tuyên truyền vận động chưa ăn sâu vào dân. Hơn nữa, các phường, xã vẫn ỷ lại hoặc làm… lấy được”, một lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhắc nhở.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, dịch SXH diễn ra quanh năm trên nhiều địa bàn quận huyện của TP, nhưng theo chu kỳ bùng phát vào mùa mưa. Trong đó, trên 80% người mắc SXH rơi vào trẻ nhỏ. Trung tâm Y tế dự phòng dự báo nhiều khả năng dịch SXH sẽ lan rộng trong năm nay do thời tiết thay đổi, nhiều công trình xây dựng dở dang, vệ sinh môi trường chưa được tốt… tạo điều kiện cho lăng quăng, muỗi sinh sôi.
 
Nhưng, vấn đề đặt ra là tại sao năm nào TP cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để phòng chống SXH nhưng ngành y tế chỉ triển khai vài ba đợt diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách phun xịt… rồi thôi. Còn lại ngồi chờ thống kê ca mắc từ các cơ sở y tế để… báo cáo! Cách làm này đã quá quen thuộc với cán bộ y tế dự phòng và người dân. Vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và hơn hết là trách nhiệm của Trung tâm Y tế dự phòng TP ở đâu khi hàng năm tiêu tốn hàng tỷ đồng nhưng dịch SXH vẫn… đến hẹn lại bùng phát?

Qua nhiều trường hợp mắc SXH nặng gần đây, các chuyên gia y tế lưu ý, trẻ mắc bệnh thường kèm các triệu chứng đường hô hấp, tiêu hóa nên dễ nhầm với các bệnh khác. Do đó, khuyến cáo khi thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có các biểu hiện: bứt rứt, lăn lộn hoặc li bì, lơ mơ, nói sảng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; đau bụng; tay chân lạnh; nằm một chỗ không chơi hoặc bỏ bú, bỏ ăn uống… phải đưa trẻ vào bệnh viện.

 AloBacsi.vn (Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X