Hotline 24/7
08983-08983

Ông Nguyễn Chí Dũng: Bộ nào cũng muốn giữ lại quy hoạch của mình

Phát biểu về dự thảo Luật Quy hoạch, lãnh đạo Bộ Kế hoạch cho rằng đây là một sự thay đổi phù hợp với xu thế nhưng "chắc chắn có sự đụng chạm".

Ngày 10/1, đại diện một số bộ ngành đã nêu nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Quy hoạch tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định chỉ được dùng ngân sách nhà nước lập quy hoạch. Theo ông, tình trạng thiếu vốn lập quy hoạch ở các địa phương rất lớn, đặc biệt là các tỉnh miền núi, nếu xoá bỏ xã hội hoá trong lĩnh vực này sẽ rất khó khăn, kinh phí nhà nước không đáp ứng được.

Về phía Bộ Xây dựng đã có kinh nghiệm trong công tác lập quy hoạch, qua đó cho thấy nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cấp tiền để làm đã phát huy hiệu quả.

“Cho đến nay chưa phát hiện có đồ án nào lồng ghép lợi ích của doanh nghiệp bỏ tiền lập quy hoạch”, ông Toàn nói và dẫn chứng trường hợp lập quy hoạch Vân Đồn (Quảng Ninh), doanh nghiệp chuyển tiền cho tỉnh làm, sau đó doanh nghiệp không đầu tư nên việc tài trợ cho lập quy hoạch “rất vô tư”.

ong-nguyen-chi-dung-bo-nao-cung-muon-giu-lai-quy-hoach-cua-minh

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay chưa phát hiện trường hợp nào doanh nghiệp tài trợ quy hoạch "lồng lợi ích vào". Ảnh minh họa: Giang Huy.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng lo ngại việc Luật Quy hoạch ra đời có thể ảnh hưởng đến 2.000 quy hoạch xây dựng lớn ở cấp vùng, cấp tỉnh; 10.000 quy hoạch cấp xã.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đề nghị bổ sung một số danh mục vào Luật Quy hoạch với các nội dung về bảo vệ phát triển rừng, hệ thống công trình thủy lợi, việc khai thác nguồn lợi thủy sản quốc gia; giữ nguyên một số quy hoạch trong Luật đê điều.

Lãnh đạo Bộ Công thương thì nêu ý kiến liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất, vì đây là ngành quan trọng, đang có sự phát triển nhanh.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ “lo lắng” Luật quy hoạch ảnh hưởng đến một số công việc mà Bộ đang được giao xây dựng, trong đó có quy hoạch không gian biển…

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay trong khi đại diện các bộ nêu nhiều ý kiến chưa thống nhất về dự thảo Luật, thì "hồ sơ trình lên chỉ có văn bản của Bộ trưởng Xây dựng là thể hiện rõ không đồng tình. Các bộ khác thì không thấy”, ông Hiển thông tin.

Trước các ý kiến trên, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần thống nhất nguyên tắc làm việc. Theo ông, dự thảo Luật Quy hoạch đã đầy đủ điều kiện trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghĩa là đã được Chính phủ thông qua.

 “Khi đã trình ra Thường vụ Quốc hội thì ý kiến của đại diện các bộ chỉ có tính tham khảo, không phải chính thức. Vì Chính phủ trình dự thảo Luật ra Thường vụ Quốc hội rồi, mà đại diện các bộ ngành lại nói ngược, nói khác thì trái với nguyên tắc”, Bộ trưởng Kế hoạch nhấn mạnh.

Ông Dũng cho hay: "Tôi đi họp hôm nay với tinh thần rất sảng khoái để được tiếp thu ý kiến về hoàn thiện dự thảo Luật, chứ không nghĩ lại nghe đại diện các bộ nói ngược, với những ý kiến mà cách đây mấy tháng mình đã nghe”.

ong-nguyen-chi-dung-bo-nao-cung-muon-giu-lai-quy-hoach-cua-minh-1

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch, một sự thay đổi phù hợp với xu thế, giải quyết được những bất cập lâu nay, nhưng "chắc chắn có sự đụng chạm" đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân nào đó.  Ở các nước, việc xây dựng pháp luật được tiến hành bởi cơ quan độc lập, không bị chi phối thì sẽ giải quyết được vấn đề này.

"Nhưng ở Việt Nam lại khác. Chúng ta là các cơ quan làm luật, khi bị đụng chạm thì sẽ có những cơ quan chủ yếu xem ảnh hưởng gì đến mình hay không, chứ không theo hướng là vấn đề này cần phải thay đổi để xã hội tốt hơn", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Kế hoạch cho biết, có Bộ muốn giữ lại quy hoạch trong khi lẽ ra vấn đề phải được xử lý theo hướng giảm tính xin-cho. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp vừa đề nghị giữ lại cả quy hoạch điểm kiểm dịch động thực vật.

“Ai lại đi quy hoạch cả điểm kiểm soát, tức là xây các trạm. Khi nào có dịch thì chúng ta thiết lập, sau dịch thì giải tán đi, sao phải quy hoạch cứng cửa ngõ A, đường B phải có trạm lù lù ở đấy. Nếu cả đời không có chuyện gì thì sao? Phải điều chỉnh, cái nào thực sự cần mới giữ, không thì bỏ. Đây gần như một cuộc cách mạng”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cho rằng dự thảo Luật Quy hoạch là luật khung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí khi “ngành ngành, tỉnh tỉnh làm quy hoạch” mà không liên kết được với nhau; tránh tình trạng “địa phương nào cũng quy hoạch sân bay, cảng biển”.

Chốt phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo rà soát nội dung dự Luật, tránh xung đột ảnh hưởng đến phát triển, những quy hoạch đã ổn định phải kế thừa, phát huy. 

Theo Võ Hải - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X