Hotline 24/7
08983-08983

"Ông giờ vàng" ở Ấn Độ

Hầu hết bác sĩ tại phòng cấp cứu các bệnh viện nhà nước ở bang Delhi - Ấn Độ đều biết cựu tài xế taxi được mệnh danh là "người đàn ông giờ vàng" Suraj Prakash Vaid.

"Giờ vàng" là thuật ngữ trên mô tả khoảng thời gian 60 phút sau khi một vụ tai nạn xảy ra. Những gì xảy ra với nạn nhân trong khoảng thời gian đó đều là yếu tố quyết định cơ hội sống sót của họ.

Và ông Valid thường xuất hiện trong khoảng thời gian ấy để cứu giúp người gặp nạn.

Hơn 3 thập kỷ qua, ông Vaid đã đưa nhiều nạn nhân bị tai nạn giao thông đến các bệnh viện khác nhau trong thành phố trong khi những người qua đường khác chỉ đứng nhìn. Mỗi khi nhận được tin báo từ chiếc điện thoại di động cũ kỹ, ông lại lên xe máy - để tránh kẹt xe - chạy tới hiện trường.

"Cho đến nay, tôi cứu được 92 người. Tôi đã báo các vụ tai nạn với cảnh sát, ra tòa làm nhân chứng và giúp giữ các đồ vật có giá trị của nạn nhân cho đến khi người thân họ đến lấy" - ông Valid chia sẻ với đài BBC.

Ông giờ vàng ở Ấn Độ - Ảnh 1."Người đàn ông giờ vàng" Suraj Prakash Vaid. Ảnh: BBC

Theo Ủy ban Luật pháp Ấn Độ, 50% trường hợp thiệt mạng trên đường phố ở nước này có thể tránh được nếu nạn nhân được sự chăm sóc y tế trong vòng 60 phút đầu tiên kể từ khi gặp nạn.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của nhóm vận động an toàn giao thông SaveLife Foundation cho thấy 74% người đi đường Ấn Độ từ chối giúp các nạn nhân gặp tai nạn. Nguyên nhân là do những quá trình pháp lý phức tạp, bị cảnh sát thẩm vấn nhiều lần và phải chờ đợi quá lâu ở bệnh viện.

Trong những năm qua danh tiếng của ông Valid đã lan rộng đến nỗi hiệp hội lái xe taxi ở Delhi có số điện thoại của ông và gọi ngay cho ông khi họ nghe tin về một vụ tai nạn. Chiếc xe của ông cũng có ghi số điện thoại cùng lời kêu gọi mọi người gọi cho ông trong trường hợp có tai nạn.

"Nếu xe cứu thương bị kẹt đường, tôi tìm xe đưa nạn nhân đi. Khi biết tôi chịu trách nhiệm về nạn nhân và sẽ làm việc với cảnh sát, họ sẵn sàng chở đi" - ông kể.

Ông Vaid cũng đã làm việc với các tài xế xe tải và hiệp hội taxi để nâng cao nhận thức về sự cần thiết trong việc giúp nạn nhân và thông báo cho họ về luật mới.

Nhiều lần ông phải ở ngoài suốt cả đêm để hoàn thành các thủ tục y khoa sau khi đưa nạn nhân vào bệnh viện.

Ông giờ vàng ở Ấn Độ - Ảnh 2.Ông Vaid vẫn lưu giữ hình ảnh những người mà ông từng giúp đỡ trên điện thoại. Ảnh: BBC

Hồi tháng 5 năm ngoái, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra phán quyết ông Vaid sẽ được bảo vệ khỏi những vụ quấy rối.

Cảnh sát trao cho ông Valid giấy chứng nhận và những giải thưởng tiền mặt. Chính phủ Ấn Độ cũng trao cho ông giải thưởng về nhận thức an toàn giao thông đường bộ.

Ông Valid cho hay không phải ông muốn được chính phủ công nhận hay có tiền đổi xe và mua thuốc cho người bị thương. Ông tâm sự: "Nhiều nạn nhân thậm chí không nhớ đến tôi, cũng không liên lạc với tôi sau khi ra viện. Tôi không để tâm. Tôi làm những gì cần phải làm và sẽ tiếp tục điều đó cho đến khi chết".

Là con của một cặp vợ chồng nhập cư người Pakistan, ông buộc phải nghỉ học sớm để đi lái taxi do hoàn cảnh khó khăn. Năm 24 tuổi, ông Valid chứng kiến 1 vụ tai nạn ô tô. Ông đưa được nạn nhân tới bệnh viện và từ đó thề không bỏ qua các vụ tai nạn.

Ông giờ vàng ở Ấn Độ - Ảnh 3.Nhiều nạn nhân từng được ông Vaid giúp đỡ vẫn giữ liên lạc với ông. Ảnh: BBC

Không phải ai cũng quên ông Valid sau khi được ông giúp đỡ. Vợ chồng ông bà Satish và Mina Hari từ Canada vẫn giữ liên lạc với ân nhân suốt 25 năm qua.

Năm người gia đình họ suýt mất mạng trong vụ va chạm với 1 xe tải quân đội ở Rajasthan. Chính ông Valid chở cả nhà Hari cùng 5 quân nhân đang nguy kịch đi suốt 65 km tới bệnh viện.

Gia đình ông Suresh Sharma, một nhân viên đường sắt, cũng qua lại thường xuyên với ông Valid. Ông Sharma bị xe tông khi đang qua đường. Ông Valid không chỉ cứu nạn nhân mà còn bắt tài xế kia bồi thường.

Theo Xuân Mai - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X