Hotline 24/7
08983-08983

"Ớn lạnh" thức ăn đường phố

Thức ăn đường phố đa phần đều không đảm bảo vệ sinh từ mọi khâu nhưng nhiều người vẫn vô tư ăn phớt lờ nguy cơ ngộ độc.

 
Từ nhu cầu ăn uống nhanh gọn, giá rẻ của đại đa số người dân mà thức ăn lề đường đã xuất hiện tràn lan khắp mọi nơi trong thành phố. Nó đã trở thành lựa chọn số một cho nhiều người nhằm tiết kiệm tiền bạc và thời gian, nhất là giới sinh viên. Không ít người chứng kiến cảnh bụi bặm, hôi thối nơi bày bán thức ăn lề đường, nhưng thấy thì thấy còn ăn thì họ vẫn cứ ăn.
 
Thức ăn đường phố vẫn được nhiều người ưa chuộng

Muôn kiểu mất vệ sinh

Bạn đang vội vàng đến cơ quan mà cái bụng cồn cào vì đói? Chỉ cần tấp vào lề đường ăn vội tô hủ tíu hoặc chờ không tới hai phút đã có ngay hộp bún xào của cô bán hàng rong,  thật tiện lợi! Không ít người vì sự hấp dẫn này mà quên đi rằng họ đang vô tình đưa thực phẩm không an toàn vào cơ thể mình. Nói về sự mất vệ sinh của thức ăn đường phố thì cũng có muôn hình vạn trạng.

Anh T.N không thể nào quên cảm giác ớn lạnh sống lưng khi chứng kiến cảnh bà chủ quán canh bún không tên trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 5) rửa chén, dĩa chỉ với một xô nước nhỏ được đặt trên nắp cống nhem nhuốt. Sau khi đổ bỏ những thức ăn thừa, bà này nhúng từng chiếc tô, dĩa bẩn vào xô nước loang lổ dầu mỡ, rửa sơ qua rồi lấy khăn lau.
 
Lúc này, anh T.N đang ăn dở phần bún của mình mà không thể nuốt nỗi nữa. Anh chia sẻ: “Tôi thật sự choáng về cách làm ăn vô đạo đức của những người này. Mặc dù biết nhiều quán ăn lề đường không an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng vì không có nhiều thời gian nên tôi đành ăn đại. Giờ thì có cho tiền tôi cũng không dám vào những quán như vậy”.

Một buổi sáng trước cổng trường Đại học Y Dược TP. HCM (quận 1), hai cô sinh viên chỉ biết nhìn nhau rùng mình rồi trả tiền đi nhanh vì bà bán hàng rong dùng tay bốc phần sương sâm cho vào bọc mà không dùng biện pháp an toàn vệ sinh nào. Điều đáng nói là ngay lúc đó, bà đã dùng chính bàn tay sần sùi ấy để… móc mũi và gãi mông vì ngứa.

Những con đường hàng ngày mịt mù bụi bặm hoặc lề đường dơ bẩn, hôi thối nhưng người ta vẫn không màng tới, người bán vẫn ra sức bày bán cứ như chuyện dơ bẩn là chuyện thường ngày với họ, còn người mua thì chỉ vì cái nhu cầu ăn nhanh cho qua bữa mà nghĩ hậu quả, bệnh tật, ngộ độc có đến thì chắc đến với ai chứ không phải với mình.
 
Đường Tỉnh lộ 10, đoạn chân cầu Xáng (quận Bình Tân) hàng ngày có hàng trăm xe tải chở đất cát rầm rập qua lại, bụi bay trắng trời vậy mà những ổ bánh mì vẫn được “phơi trần” trên mặt lộ, cạnh bên là một đống rác rõ to cùng con kênh đen ngòm, bốc mùi hôi nồng nặc, trong khi người bán vẫn không buồn che đậy, khách hàng vẫn mua, vẫn ăn bình thường.

Còn chị N.B thì dở khóc dở cười vì… con ruồi. Sau một quảng đường dài đi công tác từ Long An về TP. HCM, chị thấy khát nên ghé vào một quán chè trong bãi đất trống gần chợ Bình Tân để ăn. Ly chè trông có vẻ ngon lành, mát lạnh nhưng sau khi ăn muỗng đầu tiên, chị phát hiện trong ly của mình nổi lềnh bềnh hai con ruồi. Chưa hết bàng hoàng, chị gọi chủ quán ra tính tiền và thông báo sự việc. Điều chị không ngờ tới là vị chủ quán chỉ nhìn chị chằm chằm, tính tiền và quay đi không nói một lời (!?).

Chị N.B đành ngậm ngùi trả 15.000 đồng cho ly chè lề đường với hai con ruồi chết mà không thể nói lên được lời nào. “Thấy thái độ của chủ quán, tôi định không trả tiền nhưng nghĩ lại, gây sự với bà ta cũng không được lợi lộc gì, về sớm cho êm chuyện”, chị N.B cho biết.

Tại một vùng ven TP.HCM cách đây không lâu, người ta đã chứng kiến cảnh tượng những con giòi bò lúc nhúc dưới đáy khay chứa thịt của bà bán hủ tíu, bánh canh lề đường. Ít ai biết được những miếng thịt họ vừa ăn nằm trong cái khay mà không biết từ khi nào bà chủ quán “quên” mang đi rửa.

Lợi bất cập hại

Thức ăn đường phố ít nhiều đã giúp cho người dân trong việc ăn uống, đồng thời tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người, đôi khi còn góp phần vào nét văn hóa ẩm thực đa dạng của người Sài Gòn. Tuy nhiên, không ít người đã biết không an toàn mà vẫn ăn và phải ngậm ngùi với loại thức ăn này. Các cơ quan chức năng không thể kiểm soát nỗi chất lượng, người tiêu dùng biết nguy hại đến sức khỏe nhưng vẫn không thể nào bỏ qua những lần ăn vội, “ăn cho đã thèm”.

Những vụ ngộ độc thực phẩm mà báo chí đăng tải trong thời gian gần đây thường bắt nguồn từ các hàng quán dơ bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, các món ăn được nấu nướng tại quán ăn, nếu chế biến không hợp vệ sinh hoặc chế biến xong mà bảo quản không đúng cách trong thời tiết nóng bức sẽ gây ngộ độc do nhiễm khuẩn.
 
Các món rau xà lách trộn, gỏi trộn sử dụng nguyên liệu là rau sống thường chứa mầm bệnh như: amip (Entamoeba histolytica) gây bệnh lỵ amip, Esherichia coli gây bệnh tiêu chảy. Ngoài ra, nếu rau còn dư lượng thuốc trừ sâu lớn sẽ gây ngộ độc thuốc trừ sâu…
 
Hiện nay, tình trạng bày bán các loại rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc tại các quán ăn lề đường, rượu pha trộn methanol hoặc thuốc trừ sâu. Methanol là chất cồn công nghiệp hay còn gọi là rượu gỗ, gây ngộ độc cấp tính làm bệnh nhân tím tái, khó thở, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng nếu không được cứu chữa trị kịp thời.

Vì vậy, bạn cần nên cẩn trọng hơn trước khi quyết định ăn uống tại các quán ăn lề đường, tránh trường hợp vì một miếng ăn mà phải đi cấp cứu do bị ngộ độc.

AloBacsi.vn (Theo Phương Nam - Saigonnews)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X