Hotline 24/7
08983-08983

Nuôi chó dữ, dễ mang họa

Do buông lỏng quản lý nên việc nuôi chó vẫn tràn lan, không tuân thủ quy định. Trong khi đó, chủ nuôi tùy tiện thả chó ra đường, thiếu kỹ năng ứng phó nếu chúng tấn công người.

Vụ bà Nguyễn Thị Lợi (67 tuổi; ngụ phố Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội) khi trên đường đi tập thể dục về bị 4 con chó lao vào cắn hôm 12-3 đang khiến dư luận lo ngại về hiểm họa từ loài thú cưng này.

Hơn 394.000 người bị chó cắn

Trong vụ việc trên, không chỉ bà Lợi, bầy chó còn xô ngã, thay nhau cắn xé chủ nhân của chúng. Bầy chó hung dữ này thuộc 2 giống Dobermann và Rottweiler, được nhập từ nước ngoài về và thường được nuôi để giữ nhà.

Việc thả chó dữ ra đường nhưng không rọ mõm sẽ rất nguy hiểm Ảnh: Nguyễn Hưởng
Việc thả chó dữ ra đường nhưng không rọ mõm sẽ rất nguy hiểm Ảnh: Nguyễn Hưởng

Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết hiện nay, việc nhập chó cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại không có quy định hạn chế nào, không phân biệt chó dữ hay chó hiền. Thủ tục nhập cảnh chỉ cần có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y các nước theo tiêu chuẩn đã quy định.

Hiện nay, có rất nhiều văn bản quy định về quản lý chó nuôi. Cụ thể, Nghị định 05/2007 về phòng chống bệnh dại ở động vật quy định rất rõ điều kiện nuôi chó. Theo đó, chủ nuôi phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; phải xích, nhốt hoặc giữ chó; bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài thì phải nhốt, giữ trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

Nghị định 05/2007 và Nghị định 167/2013 còn quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại, xử phạt hành chính nếu chủ nuôi để chó cắn người.

Dù vậy, theo ông Tiến, do các địa phương còn lơ là, buông lỏng quản lý nên việc nuôi chó đang tràn lan, không tuân thủ quy định pháp luật. “Các cơ quan chức năng quản lý địa phương cần nghiêm ngặt trong công tác này hơn nữa. Người nuôi chó cũng phải tuân thủ, nâng cao trách nhiệm của mình đối với cộng đồng” - ông Tiến nhấn mạnh.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Thú y, cả nước hiện có khoảng 10 triệu con chó. Trong năm 2015, đã có hơn 394.000 người bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại.

Nuôi chó dữ phải có kỹ năng

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PSD, cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc 4 chú chó Tây cắn người và tấn công chủ vừa qua phần lớn lỗi chủ yếu do chính chủ nhân. Theo đó, chủ nuôi không tuân thủ quy định khi dắt chó ra đường, không đeo rọ mõm cho chúng.

“Chủ nhân cũng thiếu kiến thức nuôi chó và xử lý tình huống bất ngờ kém. Với tình huống bị chó tấn công, người chủ phải bình tĩnh ghì dây cương hoặc dùng áo đưa ra phía trước để chó ngoạm vào, sau đó kêu to nhờ trợ giúp” - ông Hà chỉ dẫn.

Theo ông Hà, người chủ đã sai lầm khi nuôi quá nhiều chó dữ. Với những giống chó dữ như thế chỉ nên nuôi 1-2 con. “Trước khi quyết định nuôi một con chó, nhất là chó dữ, mọi người nên tìm hiểu kiến thức, cách chăm sóc, huấn luyện” - ông Hà khuyến cáo.

GS-TS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cho biết hiện nay, chính quyền địa phương nhiều nơi không mấy khi để mắt đến sự tồn tại của chó, dù là ngoại hay nội, dữ hay lành. Rất nhiều gia đình và trang trại nuôi chó để làm cảnh trong khi chưa có cơ quan nào quản lý, dẫn đến việc nuôi các loại chó vẫn còn tràn lan, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Vì vậy, theo ông Huỳnh, việc nuôi chó cần được chính quyền kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt là đối với loài chó dữ.

Bị chó tấn công, phải làm gì?

Theo ông Hạ Đạ Hảo, huấn luyện viên Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS, trường hợp đối diện và bị chó dữ tấn công, mọi người phải cố gắng bình tĩnh. “Nếu bạn có một chiếc khăn hoặc áo thì hãy tung ra. Theo phản xạ, con chó sẽ cắn vào đó. Nếu trên tay cầm gậy hoặc ô, hãy giơ ra phía trước để phòng thủ và con chó thấy sợ hãi mà rút lui. Trường hợp không có gì trên tay, hãy cố gắng bảo vệ bộ hạ, cổ và mặt rồi kêu lớn để mọi người đến ứng cứu” - ông hướng dẫn.

Theo chuyên gia này, khi bị chó dữ tấn công, mọi người không được bỏ chạy, vì càng bỏ chạy càng bị chúng rượt đuổi. Trường hợp buộc phải chống cự thì đá vào cổ họng, mũi hoặc gáy của chúng.


Theo Văn Duẩn - Nguyễn Hưởng - Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X