Hotline 24/7
08983-08983

Nỗi lòng người cha nhốt con trong nhà gần 20 năm giữa thủ đô

Dù thương con, ông Thắng đành nhốt cậu con trai mắc bệnh tâm thần trong nhà gần 20 năm nay. Ông muốn giữ con ở nhà đến khi mình không còn nữa.

Gần 20 năm nay, ông Trần Quang Thắng (61 tuổi, cán bộ về hưu, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) phải nhốt người con trai út mắc bệnh tâm thần trong nhà.

Mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ đến vệ sinh của anh Trần Hoàng Hải (26 tuổi), con trai ông Thắng, đều diễn ra trong căn phòng nhỏ.

Hơn 10 năm trước, vợ chồng ông Thắng ly hôn. Vợ ông cùng con trai lớn chuyển đến nơi khác sống, thỉnh thoảng mới về thăm.

20 năm nhốt con trong nhà

Ngôi nhà của bố con ông Thắng nằm sâu trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám, phía sau nhà vốn là mương thoát nước.

Năm 2015, mương được cống hóa, thành đường dân sinh. Do giải tỏa, diện tích nhà bị thu hẹp. Phòng anh Hải vốn nằm giữa nay ra thẳng mặt tiền.

Hình ảnh anh Hải không mặc quần áo, tóc bết dính ngang vai, người cáu bẩn đứng dựa vào song cửa sắt nhìn ra ngoài khiến người qua đường chú ý. Ai cũng ngỡ ngàng khi thấy nơi ở của người đàn ông mắc bệnh tâm thần.

Căn phòng rộng chưa đầy 10 m2. Hai cánh cửa sắt luôn khóa. Phòng không có gì ngoài hai chiếc chiếu cũ và mảnh chăn bẩn nằm chỏng chơ trên nền đá trắng. Chất thải của anh Hải bám đầy trên sàn, tường gây mùi hôi nồng nặc.

Phòng của ông Thắng ở tầng 2. Mọi vật dụng sinh hoạt hàng ngày, thức ăn, sách vở bày la liệt.

Ông Thắng nhớ lại ngày ấy, ông là cán bộ Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn vợ là giảng viên một trường đại học lớn tại Hà Nội. Đồng lương công chức của hai vợ chồng không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống cho gia đình nhỏ.

Biến cố bắt đầu khi cậu con trai út có những biểu hiện không bình thường như chậm nói, chậm hiểu, tính tình nóng nảy. Càng về sau, cậu bé bộc lộ thêm nhiều biểu hiện bất thường.

Noi long nguoi cha nhot con trong nha gan 20 nam giua thu do hinh anh 1
Ông Thắng tìm đọc bệnh án của con trai trong căn phòng ngổn ngang đồ đạc. Ảnh: Hoàng Như.

Người cha kể: “Những năm đầu đời, Hải hơi chậm so với những đứa trẻ khác nhưng không đến nỗi nào. Đến lớp 1, Hải không chịu học và có những biểu hiện khác người quá nên tôi đành cho con nghỉ”.

“Một thời gian, tôi và vợ đem con lên cơ quan để dễ trông hoặc gửi nhà trẻ. Nhưng Hải khùng quá không nhà trẻ nào nhận nên nhiều hôm chúng tôi phải khóa con ở nhà để đi làm. Từ lúc bệnh con trở nặng, tôi gần như chẳng làm được gì”, ông Thắng bộc bạch.

Ảnh hưởng hàng xóm

Từ ngày hai vợ chồng ông Thắng ly hôn, cuộc sống của hai bố con trở nên khó khăn hơn.

Ông Thắng từng đem con gửi vào các cơ sở cho trẻ đặc biệt hay chữa trị ở các bệnh viện tâm thần. Trong đó, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chẩn đoán anh Hải bị chậm phát triển tâm thần mức độ nặng.

Sau một thời gian điều trị, thấy bệnh tình con không khá hơn, ông Thắng đưa anh Hải về nhà tự chăm sóc.

Chia sẻ nguyện vọng của mình về cuộc sống của hai cha con, ông Thắng kể trước đây, ông từng đem con đi nhiều nơi chữa trị nhưng không được gì. Vì vậy, ông muốn cho con ở nhà để tiện trông nom, chăm sóc, đến khi nào ông mất đi, mới cần nhờ các cơ sở y tế chăm sóc giùm cho Hải.

Người cha cho biết thêm hàng xóm xung quanh rất yêu thương bố con ông.

Hàng ngày, người đàn ông 61 tuổi mua cơm hộp hoặc nấu mì rồi đem cho. Những sinh hoạt của chàng trai 26 tuổi diễn ra trong căn phòng nhỏ, mọi chất thải xả hết lên sàn khiến căn phòng nồng nặc mùi hôi. Tuy vậy, ông Thắng chỉ thỉnh thoảng mới dọn dẹp.

Noi long nguoi cha nhot con trong nha gan 20 nam giua thu do hinh anh 2
Sợ con đi lạc, ông Thắng đành khóa người con trai tâm thần trong căn phòng nhỏ suốt nhiều năm nay. Ảnh: Hoàng Như.

Mùi hôi từ nhà ông Thắng lan ra khiến hàng xóm xung quanh bị ảnh hưởng. Bà Nguyễn Thị Mười (75 tuổi, hàng xóm) cho biết bà rất thương hoàn cảnh một mình nuôi con trai bị bệnh của ông Thắng.

Vì vậy, bà và nhiều hộ xung quanh không lên tiếng phàn nàn gì về những bất tiện trong đời sống do con trai ông Thắng gây ra. Tuy nhiên, vấn đề mất vệ sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng, khiến mọi người bức xúc.

Theo bà, có lẽ ông Thắng buồn chán, trong lòng nhiều tâm sự nên bỏ bê việc dọn dẹp nhà cửa. Trước đây, hai vợ chồng hòa thuận, phòng Hải được mẹ dọn thường xuyên, không bẩn và hôi thối như bây giờ.

"Hải thỉnh thoảng gào thét hay đập phá thì chúng tôi cũng quen và chịu được. Nhưng chuyện vệ sinh thì ngày càng khó chấp nhận. Nguyện vọng của tôi cũng như những hộ dân xung quanh là mong chú Thắng dọn vệ sinh sạch sẽ để mọi người không bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối nữa”, bà Mười nói.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đinh Quang Dũng - Tổ trưởng tổ dân phố 18, khu vực dân cư số 7, phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội - thông tin ông Thắng và vợ là cán bộ nhà nước về hưu. Hai người có hai con trai và hiện đã ly hôn.

“Về việc gia đình ông Thắng sinh hoạt mất vệ sinh chúng tôi có nghe nói và nhiều lần nhắc nhở dưới góc độ tổ dân phố", ông Dũng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Công an Hộ khẩu khu vực dân cư số 7, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay Hải không gây mất an ninh trật tự của khu dân cư vì hầu hết thời gian anh ở trong nhà, không được ra ngoài. Việc la hét, đập phá tuy có nhưng không nghiêm trọng.

"Vấn đề vệ sinh, ô nhiễm từ nhà anh Hải, chúng tôi đã có kiến nghị lên cấp trên để tạo điều kiện giúp đỡ gia đình anh. Chuyện mất vệ sinh chủ yếu do nhà neo người, một mình ông Thắng không lo nổi", ông Chiểu nói.


Theo Hoàng Như - Trần Tuấn - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X