Hotline 24/7
08983-08983

Nỗi đau không thể xóa mờ của nạn nhân bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki

71 năm trôi qua, nhiều người dân Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) đến nay vẫn phải chịu đựng bệnh tật cùng ám ảnh tâm lý do hai quả bom nguyên tử gây ra.

8h15 ngày 6/8/1945, quân đội Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. 11h02 ngày 9/8/1945, quả bom thứ hai dội lên Nagasaki.

Khi ấy, người Mỹ hẳn đã lường trước mức độ tàn phá khủng khiếp. Thế nhưng chẳng ai có thể dự đoán chính xác về hậu quả món vũ khí hủy diệt kia gây ra cho những người sống sót.

noi-dau-khong-the-xoa-mo-cua-nan-nhan-bom-nguyen-tu-hiroshima-va-nagasaki

Cụ Tsuyuko Nakao 92 tuổi (phải) và Kinuyo Ikegami 72 tuổi, 2 nhân chứng của vụ đánh bom Hiroshima. Ảnh: Kimimasa Mayama/epa/Corbis.

Sau hai vụ nổ dữ dội, Hiroshima và Nagasaki trở thành địa ngục trần gian với đầy thi thể cháy đen. Người bị bỏng, người bị thương đến mức lộ nội tạng, người bị cắt bởi mảnh kính vỡ. Bức xạ từ quả bom tấn công cơ thể các nạn nhân, dẫn đến hàng loạt bệnh tật mà cho đến nay vẫn âm ỉ hoành hành. 

Sunao Tsuboi 90 tuổi là một trong số hibakusha (*) (người sống sót) đã chứng kiến vụ thả bom nguyên tử cách đây 71 năm. Ông mắc bệnh ung thư cùng nhiều vấn đề sức khỏe, cơ thể đầy vết bỏng.

"Tôi bị bỏng khắp người. Tôi đã có trải nghiệm kinh hoàng", ông nói. Trong tình trạng khỏa thân, ngày 6/8 năm ấy, ông đã chạy suốt 3 tiếng đồng hồ nhưng rồi không thể bước tiếp được nữa.

"Tôi lấy một hòn đá, viết lên đất dòng chữ 'Tsuboi đã chết ở đây'. Tôi bất tỉnh không biết bao nhiêu lần, đến lúc mở mắt đã là ngày 25/9", cụ ông kể lại với Japan Times. Chỉ tính riêng ở Nagasaki, số người tử vong do hậu quả từ thảm họa năm xưa đã lên tới 172.230. 

Theo Viện nghiên cứu Ảnh hưởng của Bom nguyên tử thuộc Đại học Nagasaki, những chấn thương gây ra bởi bom nguyên tử là kết quả của áp lực, bức xạ nhiệt, bức xạ ion và bức xạ dư nên rất phức tạp. Bỏng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến cái chết.

"Những người tôi nhìn thấy trông chẳng còn ra hình người nữa. Da thịt họ tan chảy. Nhãn cầu của vài đứa trẻ còn rơi ra khỏi hốc mắt chúng", bà Emiko Okada 79 tuổi chưa hết rùng mình. Bà mất chị gái trong đợt thả bom nguyên tử năm ấy, bản thân bị thương nặng.

noi-dau-khong-the-xoa-mo-cua-nan-nhan-bom-nguyen-tu-hiroshima-va-nagasaki-1

Cụ ông Sumiteru Taniguchi cầm bức ảnh chụp vết thương năm xưa do vụ đánh bom Nagasaki. Ông từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 2015 nhờ những đóng góp trong chiến dịch kêu gọi bãi bỏ hạt nhân. Ảnh: Ari Beser.

Ảnh hưởng của quả bom nguyên tử không kết thúc mà kéo dài dai dẳng. Trong khoảng 0-14 ngày sau vụ nổ hay còn gọi là giai đoạn đầu, các nạn nhân gặp phải hàng loạt triệu chứng cấp tính như sốt, tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, rụng tóc, đau bụng, rối loạn ý thức.

Đến giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba, tương đương 15-120 ngày, nạn nhân bị sẹo lồi, đục thủy tinh thể, biến loạn nhiễm sắc thể cùng bệnh đầu nhỏ xuất hiện.

Giai đoạn cuối cùng tính từ đầu năm 1946 đến nay, những người sống sót đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư như máu trắng, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư dạ dày. Quỹ Nghiên cứu Hiệu ứng Bức xạ (RERF) chỉ ra tiếp xúc với bức xạ từ bom nguyên tử khiến nguy cơ ung thư tăng gấp đôi, thậm chí gấp 4 đối với bệnh máu trắng.

Từ năm 1950 đến năm 2000, bức xạ từ bom nguyên tử là nguyên nhân khiến 200 người tử vong do máu trắng và 1.700 ca tử vong do các loại ung thư khác.

noi-dau-khong-the-xoa-mo-cua-nan-nhan-bom-nguyen-tu-hiroshima-va-nagasaki-2

Nạn nhân vụ đánh bom bị sẹo lồi và rụng tóc. Ảnh: Đại học Nagasaki.

Các chuyên gia nhận định, ngoài nỗi đau thể chất, ám ảnh tâm lý có lẽ là tác hại lâu dài nhất của hai vụ đánh bom. Nghiên cứu năm 2013 của Đại học Stanford (Mỹ) chỉ ra các hibakusha dễ bị loạn thần gấp đôi người bình thường.

Họ thường xuyên lo âu và mắc bệnh tâm thể, nghĩa là các bộ phận đau đớn mà không có nguyên nhân thể chất. "Đến nay tôi vẫn ghét ánh nắng lúc mặt trời mới mọc. Nó làm trái tim tôi đau đớn vì nhớ lại ngày hôm đó", Emiko nghẹn ngào. 

Giờ đây Hiroshima và Nagasaki đã chuyển mình, trở thành những thành phố xinh đẹp. Thống kê tháng 3 năm nay cho thấy tuổi thọ của các hibakusha đã lên tới 80-86. Thế nhưng, nỗi đau vẫn còn đó. Mang trên mình vết sẹo thể xác và tinh thần không thể xóa mờ, các nạn nhân năm xưa ước rằng sẽ còn không ai trải qua những điều họ đã phải chịu đựng.

Như cụ ông Tsuboi, dù tuổi cao bệnh tật vẫn miệt mài hăng say hoạt động vì một thế giới không chiến tranh: "Tôi có thể chịu đau khổ vì hạnh phúc nhân loại. Tôi có thể chết ngay ngày mai nhưng sẽ mãi lạc quan. Tôi không bao giờ từ bỏ. Chúng tôi không muốn vũ khí hạt nhân".

(*)Hibakusha: Những người còn sống sót sau khi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hai vụ đánh bom nguyên tử

Theo Minh Nguyên - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X