Hotline 24/7
08983-08983

Nơi bao dung những cuộc đời quên ký ức

Tuổi thanh xuân của nhân viên chăm sóc bệnh nhân tâm thần không biết đến những buổi hẹn hò lãng mạn, không có quán nhậu, không có karaoke giải sầu, không quán càphê…

Đổi lại, niềm vui của họ là được chứng kiến những cuộc hội ngộ đầy hạnh phúc khi những bệnh nhân tâm than vô gia cư tìm lại được gia đình, cũng có khi đơn giản là thấy bệnh nhân của mình tỉnh táo trở lại. Với họ, dường như đấy là sứ mệnh bồ tát.

Những đám cưới "nội bộ"

Trung tâm Tâm thần Tân Định ở ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Tân Uyên (Bình Dương), cách trung tâm TPHCM 60km - nơi đang tiếp nhận và nuôi dưỡng, chăm sóc 1.152 người mắc bệnh tâm thần vô gia cư. Trung tâm rộng 22 hécta, lọt thỏm giữa hàng trăm hécta caosu. Muốn đi ra thị xã để uống ly càphê, ăn tô phở, uống nước mía hay đơn giản là để… gặp người lạ cũng phải mất 8km đường rừng.

Nhân viên trò chuyện cùng bệnh nhân để khơi gợi trí nhớ của họ. Ảnh: Khương Quỳnh
Nhân viên trò chuyện cùng bệnh nhân để khơi gợi trí nhớ của họ. Ảnh: Khương Quỳnh

Bởi vậy, khi màn đêm xuống, cách giải trí duy nhất của cả nhân viên và bệnh nhân là quây quần với nhau bên chiếc tivi. Có khi, họ tổ chức hát karaoke bên giàn đầu máy đời cũ.

Anh Tuấn - người dẫn đường của tôi - khoe tấm thiệp hồng mới nhận: "Cô An sắp làm đám cưới với anh nhân viên mới khoa H. Năm nay, có đến mười mấy cặp nhân viên nam nữ ở trung tâm cưới nhau đấy". Thấy tôi bất ngờ, anh nửa đùa nửa thật: " Chúng tôi quanh năm ở đây, ngoài bệnh nhân tâm thần ra còn được tiếp xúc với ai nữa đâu. Không cưới đồng nghiệp hay kén cá chọn canh chỉ có nước ế trở lên. Thế mà cưới rồi ai cũng hạnh phúc vì chắc cũng chẳng dám… bỏ nhau".

Dĩ nhiên câu chuyện trên được anh Tuấn kể có pha giọng hài hước cho bớt đi sự nặng nề nhưng nó phác thảo phần nào không gian u buồn, cô lập của trung tâm tâm thần Tân Định. 22 hécta là cái "xã hội" thu nhỏ của hơn 120 nhân viên và 1.152 bệnh nhân tâm thần. "Chúng tôi buồn vì ít được tiếp xúc với người ngoài đã đành, đằng này, đến bệnh nhân cũng suốt ngày chỉ quẩn quanh ở khuôn viên" - Ông Hùng Việt lo lắng.

Do đó, ngoài những phương pháp hóa dược (dùng thuốc), ăn uống, phục hồi chức năng thần kinh, ông Việt cùng tất cả các nhân viên thực hiện phương pháp hòa nhập cộng đồng tại chỗ cho người tâm thần: "Họ đã vô gia cư, không được sự quan tâm của gia đình thì nên làm sao đó để họ có cảm giác được sống trong một xã hội bình thường, được tiếp xúc với những người bình thường. Tôi luôn đề nghị lãnh đạo cho những đoàn từ thiện tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nói chuyện, ca hát, ăn uống với họ, tổ chức những chương trình văn hóa văn nghệ, tổ chức trò chơi để họ tham gia…chính những hoạt động này lại khơi gợi trí nhớ, cảm xúc trong họ".

Tìm tên cho người vô danh

Gắn bó với trung tâm tâm thần Tân Định gần chục năm nay, ông Đặng Hùng Việt phải có "bí quyết" mới có thể nhớ hết "tên" của 1.152 bệnh nhân tâm thần. Đó toàn là những cái tên rất dài, rất lạ: "Ví dụ, Vô Danh Nam - Linh là vì anh này là bệnh nhân tâm thần nam, hay bắt chước diễn viên hài Hoài Linh, hay một cô bệnh nhân nữ hay ca những bài cải lương của Thanh Kim Huệ thì gọi là Vô Danh Nữ - Thanh".

Trung tâm hiện có gần 1/3 bệnh nhân tâm thần có họ chung là Vô Danh trong hồ sơ bệnh án. Nguyên nhân là vì họ sống vô gia cư, sống lay lắt ngoài đường. Khi công an, chính quyền lập hồ sơ thì họ không có giấy tờ tùy thân lại chẳng nhớ ra mình tên là gì, quê ở đâu. Do đó, khi tiếp nhận hồ sơ, trung tâm phải đặt cho họ một cái tên để tiện quản lý. Từ Vô Danh đã trở thành họ và tên đệm của nhiều bệnh nhân.

Nhiều trường hợp sau khi vào trung tâm, bằng phương pháp gợi chuyện của nhân viên y tế, những bệnh nhân này bỗng nhớ ra mình tên gì, nhưng các thông tin chính thống của họ vẫn cứ phải dựa vào tờ khai ban đầu - Họ tên là Vô Danh. "Chỉ khi tìm được gia đình, được trở về thì lúc đó họ mới được sống với cái tên thật của mình" - Ông Việt chia sẻ. Do đó, ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần, những nhân viên phải gần gũi tâm sự, hỏi han, dùng những phương pháp trị liệu tâm lý để các bệnh nhân nhớ được địa chỉ nhà, nhớ tên người thân.

Tháng trước, có một anh tâm thần nhẹ ở khoa A (khoa tâm thần nam tạm ổn) cũng tên là Vô Danh đã tìm được gia đình. Khi lên nhận con, người mẹ cầm "di ảnh" anh để đối chiếu, rồi bà khóc òa sung sướng vì con mình còn sống và trở nên tỉnh táo. Đứa con trai họ đã làm ma, đã thắp nhang khấn vái, gọi hồn nửa năm trời nay.

Chuyện là gia đình biết anh bị tâm thần nhưng cứ để anh tha thẩn chơi quanh nhà. Hôm đó, gia đình không để ý, anh cứ đi, đi mãi ra tận lộ rồi trèo lên xe bus, đi từ Long An lên Thủ Đức (TPHCM) để… chơi. Gia đình lùng sục đi tìm, tìm cả năm trời không thấy anh, họ tưởng anh đã chết và làm ma, khấn vái cho anh.

Câu chuyện này được những nhân viên, y sĩ khoa tâm thần nam tạm ổn đã kể nhiều lần, nhưng lần nào, khi vừa kết thúc câu chuyện, cả người nghe lẫn người kể đều lặng đi. Bởi lẽ, không phải bệnh nhân nào cũng được người nhà lên nhận và khóc vì vui mừng như thế. Riêng khoa tâm thần tạm ổn, các nhân viên đã tìm ra người thân cho khá nhiều người, liên lạc được với gia đình họ nhưng chỉ có một số ít bệnh nhân được đón về nhà. Những người còn lại bị gia đình phó thác trách nhiệm cho các nhân viên chăm sóc. Vì theo họ, môi trường ở trung tâm sẽ… tốt hơn với con em mình.


Giờ nghỉ trưa tại khoa tâm thần lớn tuổi mắc bệnh tim mạch.
Như những đứa trẻ

Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 5 giờ 30 sáng, tất cả các nhân viên phải thức dậy, chuẩn bị thuốc men cho từng bệnh nhân rồi gọi họ dậy, tập thể dục buổi sáng, vệ sinh cá nhân. Hơn 1/3 bệnh nhân bị thiểu năng, không có khả năng tự chủ. Họ không tự ăn uống và vệ sinh cá nhân được. Tất cả các công việc từ đánh răng, rửa mặt, tắm rửa, đi vệ sinh… đến thay áo quần đều do các nhân viên, y sĩ phụ trách.

Sau giờ ăn sáng, các bệnh nhân được nhân viên cho xếp hàng và chờ được khám sức khỏe, uống thuốc. Họ hiền lành, ngoan ngoãn như những đứa trẻ, ai cũng xếp hàng, khoanh tay đợi đến lượt mình. Chỉ trừ những lúc "trái gió trở trời".

"Trái gió trở trời" là cách nói tránh khi những bệnh nhân lên cơn: Người đang ngủ bỗng khóc ré lên, lăn xuống đất, chui vào gầm giường nhất quyết không chịu ra đến khi nhân viên đến dỗ dành. Người thì nổi hứng hất tung chăn chiếu, cởi hết cả áo quần chờ nhân viên vào mặc lại. Những cô gái đang tới kỳ kinh nguyệt lại lấy "sản phẩm" ra bôi lên đầy tường để nhân viên… "lau chơi cho vui".

Ở khoa bệnh nhân tâm thần lớn tuổi, các cụ lúc nào cũng như một đứa trẻ, có khi đùa nhau chán thì cãi nhau, giật tóc nhau rồi gọi nhân viên đến phân xử. Có nhiều anh bệnh nhân tự nhiên muốn đánh nhau, kiếm bằng được người để "uýnh một phát"… Đó là những lúc các nhân viên, y sĩ vất vả nhất.

An - cô nhân viên trẻ khoa bệnh nhân tâm thần mắc bệnh lao - vừa đeo khẩu trang y tế loại dày N95 vừa gội đầu cho những bệnh nhân thiểu năng xong đã tranh thủ lấy khăn lau những vết uế trên tường nhà mà bệnh nhân vừa đi vệ sinh vừa nghịch: "Lúc mới ra trường, xin vào đây làm, thú thật là mình ghê lắm. Mình vừa sợ bị lây bệnh lao từ bệnh nhân mà cũng ghê khi phải thay băng vệ sinh cho các bệnh nhân nữ hay hót phân cho những bệnh nhân tâm thần đi không đúng chỗ. Họ bệnh nên chẳng thể tự làm những việc đó. Làm vài lần thì không còn ghê nữa. Mình cứ thử tưởng tượng về già mình hay người thân mình cũng bị như thế, phải nhờ người khác giúp. Nghĩ như vậy sẽ thấy mọi thứ đỡ nhọc nhằn hơn".

Ông Việt luôn cho rằng mình đã lớn tuổi nên sướng hơn nhiều so với các nhân viên trẻ. Với ông, gọi những nhân viên trẻ làm việc trong trung tâm tâm thần là hy sinh thì hơi quá, nhưng ở họ có cái gì tương tự như thế: "Nếu vì mục đích kiếm tiền hay vì chữ danh thì một cô cậu sinh viên tốt nghiệp ngành y có thể chọn nhiều công việc khác, một chỗ làm khác, sạch sẽ và tốt hơn. Ở cái nơi heo hút, ngày ngày chỉ tiếp xúc với người tâm thần này, nếu thiếu lòng nhân hậu, thiếu cái tâm thì họ đã nghỉ việc lâu rồi. Ai không tin, cứ thử vào đây làm nhân viên một ngày sẽ biết!". Còn với tôi họ như những vị Bồ Tát giữa đời thường mang sứ mệnh yêu thương con người thuần khiết.

Trung tâm tâm thần Tân Định (ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Tân Uyên, Bình Dương) trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM. Trung tâm hiện có tất cả 1.152 bệnh nhân tâm thần vô gia cư, chia làm 8 khoa: khoa bệnh nhân nam ổn định, bệnh nhân nam tạm ổn, bệnh nhân nữ ổn định, khoa những người lớn tuổi nam liên quan đến tim mạch, khoa những người lớn tuổi nữ liên quan tim mạch, khoa bệnh nhân tâm thần nam nặng, bệnh nhân tâm thần nữ nặng và khoa bệnh nhân tâm thần mắc bệnh lao. Mỗi khoa có 12 đến 14 nhân viên, y sĩ phụ trách, chăm sóc bệnh nhân.


AloBacsi.vn
Theo Khương Quỳnh - Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X