Hotline 24/7
08983-08983

Nina Phạm và chuyện bây giờ mới kể

Dù được cứu sống khỏi căn bệnh chết người Ebola trong năm qua, nhưng Nina Phạm, nữ y tá gốc Việt tại Dallas (Hoa Kỳ), vẫn muốn kiện chỗ làm của mình ra tòa vì nhiều lý do khác nhau.

Trong cuộc trả lời độc quyền dành cho tờ The Dallas Morning News tuần qua, cô tiết lộ những chuyện chưa ai biết về những ngày khủng khiếp khi chăm sóc bệnh nhân Ebola và đối mặt với cái chết.

Nina Phạm trầm tư

Nina Phạm, 26 tuổi, nói cho đến nay cô vẫn thường xuyên gặp ác mộng, đau nhức cơ thể, mất ngủ như hậu quả của việc cô mắc Ebola trong khi chăm sóc một bệnh nhân tại BV Texas Health Presbyterian.

Theo Nina, bệnh viện nơi cô làm việc đã không có những biện pháp đề phòng đúng mức cho cô và những đồng nghiệp khi chăm sóc cho Thomas Eric Duncan, bệnh nhân đầu tiên ở Mỹ được chẩn đoán mắc Ebola.

Cô nói sẽ đâm đơn ra thành phố Dallas để kiện Texas Health Resources, công ty sở hữu BV Texas Health Presbyterian, vì không huấn luyện đầy đủ cho nhân viên bệnh viện cũng như trang bị đủ dụng cụ bảo hộ cần thiết để họ chăm sóc bệnh nhân Ebola, chưa kể họ còn vi phạm quyền riêng tư về căn bệnh của cô.

Nina nhớ lại đã trải qua những giờ phút đơn độc để rửa sạch các chất dịch từ cơ thể Duncan, theo dõi những dấu hiệu sinh tồn và trấn an ông rằng mọi chuyện có lẽ sẽ tốt đẹp. "Duncan nói ông ất rất cô độc và tôi đã nắm tay ông hứa sẽ cầu nguyện cho ông", Nina Phạm kể.

Nhưng khi Duncan xét nghiệm dương tính với Ebola, không chỉ ông ta mà bệnh viện và cả nước Mỹ đều hoảng loạn. Nina cũng sợ hãi. "Tôi là người cuối cùng ở bên cạnh Duncan khi ông ấy được xác nhận dương tính", cô nói. "Tôi sụp đổ và khóc to, không phải vì tôi nghĩ mình cũng bị Ebola mà vì sự vỡ òa 'chao ôi, thật sự thì khoảnh khắc đó cũng xảy ra".

Duncan, người mắc Ebola ngay tại quê hương Liberia của mình, đã qua đời ngày 8/10, vài ngày sau đó Nina Phạm cũng được xác nhận dương tính với virus này.

Đầu tiên cô được điều trị ngay tại Presbyterian, sau đó được chuyển đến viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) ở Maryland để sử dụng một loạt thuốc thử nghiệm và plasma của TS Kent Brantly, một người sống sót sau khi mắc Ebola.

Theo Nina, Texas Health Resources đã vi phạm đời tư của cô bởi khi được điều trị tại bệnh viện Presbyterian cô đã yêu cầu "không được thông tin", nhưng cuối cùng vụ việc của cô cũng được giới truyền thông biết đến. Cô nói một bác sĩ đã quay phim cô khi cô trong phòng bệnh rồi công bố video mà không xin phép cô. Theo Charla Aldous, luật sư của Nina, Texas Health Resources "đã sử dụng Nina như một con tốt đen để PR".

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút, Nina Phạm phơi bày sự thật về bệnh viện Presbyterian. Cô cho biết trong những ngày đầu tiên khi Duncan nhập viện, các điều dưỡng như cô không hề được trang bị quần áo bảo hộ hazmat, loại trang phục mặc để chống cúm và H5N1. Vì điều này, một vùng da trên người cô vẫn tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Phải sau vài ngày Nina đề nghị, bệnh viện mới chịu trang bị.

Không những thế, các điều dưỡng còn phải tự xoay sở với những chất thải độc hại. Ngay cạnh phòng của Duncan, các nhân viên tự thiết kế một chỗ để cởi bỏ găng tay và áo quần sau khi chăm sóc cho ông ta. Ở một phòng cạnh đó, họ đặt những chiếc túi vải dơ, khăn tắm và những vật dụng dính bẩn khác.

"Không ai đến lấy những vật dụng dơ này đi hoặc làm sạch phòng", Nina nói. "Chưa hết, nhà vệ sinh dành cho nhân viên sử dụng cũng ngưng hoạt động và không ai đến sửa chữa. Chúng tôi phải lau chùi sàn nhà với chất tẩy, kiêm luôn công việc trông nom cơ sở vật chất và tự xoay sở với các chất thải độc hại nguy hiểm".

Trước khi Nina được chuyển đến Maryland vào ngày 16/10/2014, cô nói, một bác sĩ mang máy quay phim đến tận phòng và nói ông ghi hình với mục đích giáo dục công chúng. Nina nói cô không đồng ý cho ghi hình, nhưng cuối cùng đoạn phim vẫn được cung cấp cho báo chí.

Trong đoạn video có giọng một người đàn ông: "Cám ơn vì mọi chuyện tốt lên. Cám ơn vì sự tham gia tự nguyện chăm sóc bệnh nhân đầu tiên của chúng ta. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Đó là nỗ lực to tát mà tất cả các bạn đã thực hiện".

Nina nói cô đã hiểu vì sao người ta ghi hình cô: "Bệnh viện đã biết đến một cơn ác mộng PR với những gì xảy ra cho Duncan và sau đó là nhân viên y tế cũng bị nhiễm Ebola. Không chỉ một mà hai y tá. Người ta mất niềm tin về bệnh viện.

Nina cho biết trong đoạn video, mặc dù không được công bố, cô được hỏi muốn ở lại bệnh viện để điều trị tiếp hay chuyển đi. Cô nói cô rất sợ hãi và không biết gì về NIH. Cô nói nếu sức khỏe đang tiến triển tốt lên, cô muốn ở lại. Nhưng nếu nhân viên bệnh viện không đủ vì một số người đã bị cách ly, cô đành phải chuyển đi.

"Tôi có thể nói rằng người ta muốn tôi ở lại vì họ nhìn thấy sức khỏe tôi tốt lên", Nina nói. "Họ muốn nói rằng 'chúng tôi đã chữa lành cho cô ấy'. Họ muốn chiến thắng, đặc biệt sau khi đã thất bại".

Nina tiết lộ kể từ khi lành bệnh về nhà, Texas Health Resources không gọi điện hỏi han gì cô. Mặc dù giờ đây cô không làm việc, nhưng cô vẫn được trả lương đều đặn từ bệnh viện, nơi cô đến làm việc từ tháng 7/2010. Cô dành thời gian với gia đình mình và con chó thân yêu Bentley.

Nina thú nhận cuộc sống xã hội của cô giờ đây đã khác trước. Khi gặp một ai đó, cô tự hỏi không biết người này có biết cô là ai không. "Tôi cảm thấy mình ít cởi mở hơn. Mỗi lần bạn bước ra ngoài, đặc biệt là bây giờ, câu chuyện Ebola lại ùa đến. Thật sự rất khó đề cập về nó", Nina nói.

Trước khi bị bệnh, Nina Phạm, cựu sinh viên đại học Công giáo Texas, xem xét khả năng quay về trường để học cao hơn về ngành điều dưỡng. "Tôi vẫn suy nghĩ mình phải làm gì sắp tới. Về mặt thể chất thì chưa, nhưng về mặt tinh thần thì tôi chuẩn bị quay trở lại khoa hồi sức tích cực ngay bây giờ".

Tuần trước đó, cô định quay lại NIH để hiến tặng plasma của mình cho nghiên cứu. Nhưng vì lý do thời tiết, chuyến đi phải dời lại ngày hôm khác. Cô thừa nhận mình rất lo lắng về những hậu quả lâu dài có thể có của Ebola và việc dùng thuốc thử nghiệm.

Cô được bác sĩ dặn dò phải để ý đến những thay đổi về giác quan, mất thị lực và suy tạng. Trước đó, cô đã bị biến chứng với nồng độ enzyme trong gan quá cao và cô sợ tình trạng này sẽ xuất hiện trở lại. Một ít tóc của cô cũng bắt đầu rụng, một bác sĩ ở NIH cho rằng đó do Ebola gây ra.

"Tôi không biết sau này khi có con mình có bị ảnh hưởng bởi những chuyện bây giờ hay không. Chẳng ai biết chắc như thế nào. Và liệu nếu tôi có một vấn đề sức khỏe nào đó trong tương lai, chẳng ai biết nó có liên quan gì đến Ebola hay là vấn đề khác? Làm thế nào chúng ta biết điều đó được? Đó chính là nỗi sợ hãi lớn nhất, sự không chắc chắn".

Theo Châu Giang - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X