Hotline 24/7
08983-08983

Những sự kiện y tế gây sóng gió năm 2012

Tình trạng gà lậu chứa nhiều chất độc, giá viện phí tăng, amip ăn não người xuất hiện trong năm 2012... dự đoán sẽ tiếp tục gây sóng gió trong năm 2013.

Xuất hiện 2 ca tử vong do amip ăn não người

Bệnh nhân P.V.T. (25 tuổi, ngụ Phú Yên) tạm trú tại Q.Bình Thạnh, TP. HCM, đã tử vong sau một ngày nhập viện. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy, anh T. mắc phải loại "amip ăn não người".

Amip ăn não người
Giữa tháng Bảy, trong lúc về quê để dự đám cưới người thân, anh P.V.T. đã cùng bạn bè lặn bắt trai ở bàu (một dạng ao, hồ rộng lớn) gần nhà.

Sau khi trở lại TP.HCM, anh T. bỗng lên cơn sốt, nhức đầu, tự mua thuốc uống nhưng không khỏi. Lúc 22h40 cùng ngày, bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Nhân dân Gia Định với biểu hiện nhức đầu, lơ mơ. Anh T. được chuyển gấp qua bệnh viện bệnh Nhiệt đới điều trị.

Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân sốt 39 độ C, lơ mơ, cổ cứng, thở nhanh 30 lần/phút. Kết quả xét nghiệm soi dịch não tủy không thấy có vi trùng lao hay vi nấm gây viêm màng não nhưng lại có sự hiện diện của một loại amip.

Sau đó, bệnh nhân vẫn sốt cao, 40 - 41 độ C, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đến 23h ngày 31/7, bệnh nhân nhiều lần bị ngưng tim đột ngột, tử vong.

Sau khi anh T. tử vong, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục làm nhiều xét nghiệm và kết quả xét nghiệm sinh học phân tử PCR cho thấy anh tử vong do "amip ăn não người" tấn công.

Ngày 12/8, bệnh nhi có tên Tài Tiền (6 tuổi, TP.HCM), được gia đình đưa vào Bệnh viện Quận 6 để chữa trị. Khi đến bệnh viện sức khỏe của bé rất yếu, ngưng tim, ngưng thở và các bác sĩ xác định bé đã tử vong.

Do nghi ngờ bé bị amip ăn não nên Trung tâm pháp y TP.HCM đã tiến hành giám định pháp y, giải phẫu bệnh và gửi mẫu đến Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhiệt đới để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đã cho thấy bệnh nhi dương tính với amip ăn não.

Áo ngực Trung Quốc chứa hạt lạ náo loạn thị trường

Trong tháng 11/2012, áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ gây hoang mang cho nhiều chị em. Sau khi lấy mẫu kiểm tra, viện Hóa học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có kết quả phân tích dung dịch đựng trong túi nhựa đặt trong áo ngực phụ nữ.

Theo TS Vũ Đức Lợi, phó viện trưởng viện Hóa học, các mẫu mà viện lấy để nghiên cứu có nhãn hiệu Mengnaeroi. Mỗi bên áo ngực đều có dung dịch trong suốt khoảng 7ml và ba viên chất rắn màu trắng.

Ông Lợi cho biết thành phần của chất rắn màu trắng mà báo chí gọi là "thuốc lạ", "hạt lạ" nhựa tổng hợp polystyren (PS).

Dung dịch màu trong suốt được xác định là dầu khoáng (mineral oil), một loại dầu có nguồn gốc từ dầu mỏ.

Trong quá trình kiểm nghiệm, viện hóa học còn phát hiện ra trong mẫu dầu khoáng có thành phần polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH) thông qua kết quả phân tích bằng sắc ký khí khối phổ.

Chất này không chỉ gây cảm giác ngứa, mà nó có khả năng gây ung thư cao, cũng như gây rối loạn nội tiết.

PAH vốn là một sản phẩm có trong dầu khoáng. Vì đặc tính độc hại của PAH cho sức khỏe, hàm lượng của nó trong dầu khoáng được kiểm soát rất nghiêm ngặt bởi các tiêu chuẩn quốc tế khi dùng trong y tế và mỹ phẩm.

Gà lậu liên tục được tuồn vào Việt Nam

Trong năm 2012 có hàng chục đường dây có tổ chức vận chuyển gà lậu từ các tuyến biên giới phía bắc vào Hà Nội tiêu thụ. Kết quả xết nghiệm cho thấy, trong gà nhập lậu có nhiều loại hóa chất độc hại chưa được xác định.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, trong những tháng đầu năm 2012, việc nhập lậu gia cầm (gà thải loại không rõ nguồn gốc) đã có những diễn biến phức tạp. "Đại lý" gà lậu lớn nhất trên địa bàn Hà Nội là chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín).

Về nguyên nhân của tình trạng gà nhập lậu ồ ạt nhập vào Việt Nam, ông Thăng nhận định do chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước. Cụ thể, giá gà thải loại không rõ nguồn gốc ở biên giới từ 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg và khi về đến các chợ giá lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, qua kiểm tra các mẫu gà nhập lậu cho thấy, số mẫu có dư lượng thuốc kháng sinh quá giới hạn cho phép chiếm tới 20%. Vì vậy, loại gà này không an toàn, khuyến cáo người dân không ăn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải trả lời được hóa chất cụ thể tồn tại trong gà lậu, từ đó có biện pháp xử lý. Phó Thủ thướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhân dân đang rất bức xúc về gà nhập lậu gây nguy hại trực tiếp, gián tiếp đến sức khỏe nhưng vẫn được nhập lậu ồ ạt.

Kiến 3 khoang tấn công rầm rộ

Năm nay, kiến ba khoang xuất hiện rầm rộ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong tháng 8, 9 hàng trăm người dân ở khu tái định cư phường Hương Sơ, TP Huế bị kiến ba khoang tấn công. Đến đầu tháng 10, tại TP Huế nhiều nơi lại bị kiến ba khoang tấn công.

Thủ phạm gây bệnh giời leo
Cụ thể, tại khu ký túc xá Trường Bia (TP Huế) có 16 sinh viên bị kiến ba khoang đốt; Khu tập thể dành cho công nhân nhà máy Scavi (huyện Phong Điền) có 21 công nhân bị đốt; Một số sinh viên học tại Trung tâm giáo dục quốc phòng (TX Hương Thủy) cũng chung tình trạng tương tự. Tính đến nay, ở khu tái định cư Hương Sơ có tổng cộng 127 người dân bị kiến cắn.

Ở TP. HCM, dân ở khu chung cư Bình Khánh, quận 2 cũng bị kiến ba khoang tấn công. Tại Hà Nội, nhiều cư dân ở các khu vực gần cánh đồng như Ngọc Thụy và chung cư Đặng Xá, Gia Lâm bị kiến ba khoang đốt.

Thậm chí, có độc giả ở khu tập thể Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) hay chung cư Ngọc Khánh cũng phát hiện kiến ba khoang trong nhà.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn: Ở khía cạnh nông nghiệp, kiến ba khoang ăn côn trùng, sâu bọ, rầy nâu nên là loài có ích và không phải là đối tượng cần tiêu diệt.

Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Kiến ba khoang sống ở ngoài đồng, bờ, bụi. Chúng đẻ trứng trên lá cây.

Lý giải tại sao loài kiến này có thể xuất hiện ở những chung cư cao tầng, TS Quang phân tích: Bản thân loài kiến này bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào buổi tối. Hơn nữa, nhờ sức gió sẽ giúp kiến ba khoang bay được lên cao và vào nhà dân ở những tầng trên cao.

Kiến ba khoang có thể cắn nhưng không gây sưng, tấy cho người. Lý do nhiều người bị sưng tấy là do tiếp xúc, chà xát với thân kiến. Do trên cơ thể loài kiến này có vi khuẩn cộng sinh có chứa chất độc nên khi con người tiếp xúc, chà xát vào kiến và gãi sẽ bị nhiễm chất độc này.

Chuột cắn gây suy thận

Virus Hanta từ chuột thời gian qua khiến dư luận quan tâm khi một con chuột cắn người đàn ông ở quận 3, TP.HCM, khiến người này suy thận cấp. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, người bệnh này được xác định dương tính với virus Hanta từ chuột.

Sống chung với chuột đang là tình cảnh của nhiều người dân
Việc phát hiện chuột cống mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được kiểm chứng bằng các xét nghiệm từ Viện Pasteur nhưng chuột vẫn hoàng hành tại một số khu vực thuộc quận Phú Nhuận, quận 3, huyện Nhà Bè, quận 7, quận 12.

Lấy mẫu chuột trên địa bàn TP.HCM xét nghiệm, Viện Pasteur phát hiện 3 mẫu chuột cống lông nâu dương tính với virus gây bệnh. Công tác diệt chuột trên diện rộng đang được tiến hành. Các bác sĩ khuyên người dân không nên để chuột cắn, tránh tiếp xúc với nước tiểu chuột.

Liên tục có tai biến sản khoa

Năm 2012, hàng loạt ca tai biến sản khoa xảy ra. Từ cuối tháng 4, liên tiếp các vụ tử vong mẹ, con xảy ra tại Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Nội, TP. HCM...

Địa phương nổi cộm lên như một điểm nóng là Quảng Ngãi. Từ tháng 4 đến nay nơi đây xảy ra 19 vụ tai biến sản khoa làm 7 em bé sơ sinh và 3 sản phụ tử vong.

Một sản phụ tử vong
Một hội thảo riêng về tai biến sản khoa ở Quảng Ngãi được tổ chức mới đây để tìm giải pháp. Nguyên nhân chính được cho là doquá tảibệnh nhân. Một kíp trực tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi gồm 2 bác sĩ và 4 nữ hộ sinh, trong vòng 24 giờ phải mổ đẻ 20-30 ca và đỡ cho 40 trường hợp sinh tự nhiên.

Theo nhận định của bác sĩ Phạm Thị Minh Trang, nguyên phó chủ nhiệm Khoa Sản phụ và Kế hoạch hóa gia đình, bệnh viện 198, những tai biến này đa số xảy ra ở các bệnh viện tuyến dưới. Ở đây, điều kiện trang thiết thiếu thốn, vì ít bệnh nhân nên kinh nghiệm của bác sĩ hạn chế do không được cọ xát nhiều.

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia lý giải nữa là do sản phụ bị thuyên tắc ối. Thuyên tắc ối có thể xảy ra khi sản phụ bị bong nhau sớm, nước ối tràn vào mạch máu, đi khắp nơi vào phổi dẫn đến khó thở vì thiếu ôxi, suy tuần hoàn cấp tính cho mẹ.

Thông tin liên tiếp về 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin ở Nghệ An khiến nhiều phụ huynh lo lắng.Cả 3 cháu đều 3 tháng tuổi, được tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 1 và uống vắc xin bại liệt OPV lần 1 tại Trạm y tế xã Châu Quang và Đồng Hợp.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, ngày 21/12, Cục Quản lí dược đã có công văn thông báo về việc tạm ngừng sử dụng lô vắc-xin Quinvaxem inj có liên quan đến cái chết của 3 trẻ nhỏ sau khi tiêm vắc-xin này.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 24/12 đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị phối hợp kiểm định độc lập mẫu lưu vắc-xin "5 trong 1" Quinvaxem tại nhà máy ở Hàn Quốc.

Vắc-xin Quinvaxem (ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi B và Hib) do Hàn Quốc sản xuất được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ tháng 6/2010, tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Các thống kê cho thấy đến thời điểm này đã có gần 30 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem. Hiện các thống kê tai biến sau tiêm các loại vắc-xin đang được thực hiện để có những so sánh giữa vắc-xin Quinvaxem với các phản ứng của vắc-xin khác.

Bệnh lạ ở Quảng Ngãi

Bệnh lạ tại Quảng Ngãi khiến hàng chục người của thôn Làng Rêu (xã Ba Điền) tử vong. Trong khi đó, vẫn còn trên 40 người đang được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Ba Tơ và Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, có 3 trường hợp rất nặng.

Bệnh lạ này được xác định là hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định.

Sau một thời gian tạm lắng, mới đây tại thôn 5, Nước Nẻ, xã Ba Vinh- vùng lân cận xã Ba Điền, huyện Ba Tơ- nơi từng xảy ra "căn bệnh lạ", lại xuất hiện bệnh nhi Phạm Văn Xí, 4 tuổi, nghi mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Giá viện phí tăng

Trong năm 2012, Liên bộ Y tế- Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT- BYT- BCT ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước.

Theo đó, ban hành mới khung giá 447 dịch vụ khám, chữa bệnh, gồm 445 dịch vụ y tế và giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/4/2012. Nhưng phải đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, hàng loạt bệnh viện mới tăng giá viện phí.

Ngoài các BV tuyến trung ương, bắt đầu từ ngày 1/8, có ít nhất 33 tỉnh, thành trên cả nước cũng chính thức áp giá viện phí mới. Đại đa số các tỉnh phê duyệt viện phí ở mức trên dưới 80% khung giá do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành.

Việc tăng giá viện phí không dừng lại trong năm 2012, sang năm 2013, giá viện phí sẽ tiếp tục tăng. Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, PGS - TS Lương Ngọc Khuê cho biết năm 2013 sẽ có thêm 1.000 giường bệnh được đầu tư và hoàn thiện để phục vụ người dân

PGS Lương Ngọc Khuê cho biết, giá viện phí vừa được điều chỉnh chỉ mới tính 3/7 cấu phần của giá viện phí. Sắp tới, giá này sẽ được thu đúng, thu đủ. Điều này có nghĩa, giá viện phí sẽ tiếp tục tăng.

AloBacsi.vn
Theo VTC News

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X