Hotline 24/7
08983-08983

Những sai lầm chết người về đột quỵ

Đột quỵ hiếm khi xảy ra và chỉ là vấn đề của người cao tuổi. Nhiều người vẫn tin vào những quan niệm này, dù thực tế hoàn toàn ngược lại.

Đột quỵ chỉ xảy ra với người cao tuổi

"Khi chúng ta già đi, nguy cơ đột quỵ cũng gia tăng, đó là sự thật", TS Eric Bershad thuộc Đại học Y Baylor ở Houston (Mỹ) nói. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều trường hợp đột quỵ xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 18 - 65. Do đó, nhận định đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi là hoàn toàn sai lầm. Việc tăng nguy cơ đột quỵ ở những người trẻ tuổi có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì và huyết áp cao trong nhóm tuổi này, Bershad giải thích.

Đột quỵ rất hiếm khi xảy ra

Thực tế, theo số liệu thống kê, đột quỵ xảy ra khá phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, trung bình mỗi năm khoảng 6 triệu người Mỹ bị đột quỵ. "Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ tư ở nước này", Bershad nói.

Cơn đột quỵ xảy ra ở tim

Thực tế, "cơn đột quỵ xảy ra ở não", TS Rybinnik, Viện Khoa học thần kinh Cushing giải thích. "Các tế bào thần kinh trong não đòi hỏi lưu lượng máu, các chất dinh dưỡng và oxy trong máu vận hành bình thường. Nếu quá trình cung cấp máu đến các tế bào thần kinh trong não bị cắt đứt vì một cục máu đông hoặc do bệnh mạch máu, những tế bào thần kinh này sẽ chết. Đó là nguyên nhân gây ra đột quỵ".

Không thể phòng ngừa được đột quỵ

Theo Rybinnik, "quan điểm cho rằng không thể ngăn ngừa đột quỵ là hoàn toàn sai lầm". Một trong những nghiên cứu lớn nhất về đột quỵ cho thấy 90% các cơn đột quỵ xảy ra do huyết áp cao, tiểu đường và béo phì, mà những căn bệnh này xét trên quy mô lớn đều có thể phòng ngừa.

 Không thể điều trị đột quỵ

Phần lớn các ca đột quỵ đều là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nguyên nhân là do một cục máu đông. Những trường hợp này có thể được điều trị. "Trong vòng 4 tiếng rưỡi từ khi khởi phát triệu chứng đột quỵ, chúng tôi có thể cho bệnh nhân dùng thuốc phá vỡ cục máu đông. Loại thuốc này có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược tác hại mà cơn đột quỵ gây ra", Rybinnik nói.

Dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ là lên cơn đau

Thực tế, "chỉ có khoảng 30% người dân đau đầu khi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Do đó, những cơn đau không phải là một triệu chứng xác thực", Bershad tuyên bố. Các triệu chứng đột quỵ phổ biến bao gồm đột ngột bị tê liệt hay yếu ở một bên người, nhìn thấy 2 hình ảnh của cùng một vật, lẫn lộn, không hiểu những điều mọi người nói. "Nếu bạn gặp những triệu chứng trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức".

Đột quỵ không di truyền

Thực tế hoàn toàn khác hẳn. "Các yếu tố về tim mạch làm tăng nguy cơ đột quỵ chẳng hạn như chứng tăng huyết áp, tiểu đường và béo phì đều di truyền. Những nguyên nhân hiếm gặp gây đột quỵ ở những người trẻ tuổi, chẳng hạn như khối u tim, rối loạn đông máu và những bất thường liên quan đến mạch máu cũng có thể được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác".

Hút thuốc không ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ

Thực tế, "hút thuốc lá là một trong những yếu tố quan trọng làm gia tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Điều này đúng với cả đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết".

AloBacsi.vn'
 Theo Nguyễn Ngọc Khanh - Kiến thức/ Everydayhealth

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X