Hotline 24/7
08983-08983

Những quy hoạch ‘cười ra nước mắt’

Các quy hoạch ngành, sản phẩm, xây dựng bị chia cắt đã gây những hệ lụy cười ra nước mắt.

Quy hoạch ở Sơn Trà, Đà Nẵng đang gây phản ứng trong dư luận.

Bị kiện bồi thường 3,7 tỉ đô la Mỹ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vụ kiện của nhà đầu tư Michael McKenzie (Mỹ) liên quan đến dự án xây khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork tại Bình Thuận. Dự án được cấp phép năm 2004, theo kế hoạch, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ giao đất cho công ty của ông Michael McKenzie.

Tuy nhiên, một phần của khu vực đất dự án lại nằm trong phần quy hoạch khai thác khoáng sản mà tỉnh Bình Thuận đã giao cho chủ đầu tư khác.

Không triển khai được dự án, ông McKenzie đã kiện Chính phủ Việt Nam, đòi bồi thường 3,7 tỉ đô la Mỹ, dù mới bỏ ra 200 ngàn đô la Mỹ. Lý do được đưa ra là do dự án bên cạnh đào khoáng sản làm hỏng khu du lịch của công ty, làm mất lợi nhuận tiềm năng tới 4 tỉ đô la Mỹ của họ.

“Rốt cuộc, Việt Nam đã thắng kiện song đó là bài học xương máu cho những quy hoạch chồng lấn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận.

Quy hoạch xây dựng phân tán

Về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 9-11-2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng quy hoạch này là ví dụ điển hình của cách làm đơn lẻ, riêng rẽ. Quy hoạch do cơ quan du lịch lập mà không có sự tham gia của cơ quan bảo tồn thiên nhiên. Điều này dẫn đến không có sự xem xét tính toán lợi ích giữa phát triển du lịch trước mắt (biến Sơn Trà thành các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn) với yêu cầu bảo tồn cho lâu dài (thu hẹp diện tích rừng, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên; suy giảm khả năng phòng chống thiên tai).

Các quy hoạch thủy điện dẫn đến thay đổi dòng chảy cũng gây ra nhiều hệ lụy.

Hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn cung cấp nguồn nước quan trọng cho nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, cấp nước tưới cho trên 45.000 héc ta đất canh tác nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho gần hai triệu dân trên lưu vực.

Theo quy hoạch thủy điện trên dòng chính Vu Gia - Thu Bồn đến năm 2020, dự kiến sẽ có 10 công trình thủy điện với tổng công suất đạt 1.200 MW được xây dựng trên thượng nguồn dòng chính sông này. Hệ thống thủy điện bậc thang khai thác nguồn nước tạo sự khác biệt dòng chảy giữa hai sông.

Việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã gây ra tình trạng thiếu nước cho hơn 40.000 người dân cùng hàng chục ngàn héc ta lúa, hoa màu thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn của Quảng Nam và Hòa Vang của Đà Nẵng.

Bờ biển cửa Đại (Hội An) bị sạt lở nặng trong mấy năm qua chủ yếu do các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông suối, không cho cát và bùn đổ về lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam.

Đây là trường hợp rất điển hình cho thực trạng quản lý theo kiểu chia cắt theo ngành/địa phương chứ chưa quản lý ở cấp lưu vực và chưa gắn kết giữa quản lý lưu vực sông với quản lý vùng bờ biển.

Quy hoạch ngành, sản phẩm phi thị trường

Nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 385 - 390 tỉ đô la Mỹ, trong khi thực tế khả năng huy động chỉ đạt khoảng 210 - 215 tỉ đô la Mỹ.

Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 10.700 MW điện hạt nhân. Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển điện hạt nhân lại nêu đến năm 2030 VN sẽ có tới 15.000 MW. Dù con số chênh không lớn, nhưng để lấp đầy khoảng vênh đó có thể đòi hỏi đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ.

Quy hoạch cảng biển đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 đưa ra dự báo lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển năm 2010 khoảng 200 triệu tấn. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển năm 2009 đã đạt 213,08 triệu tấn, đến năm 2010 đạt 259 triệu tấn, vượt 30% so với dự báo.

Việc Bộ Công Thương ấn định Việt Nam chỉ có tối đa 150 thương nhân xuất khẩu gạo trong quy hoạch đã khiến không biết bao nhiêu ý kiến tranh luận. Nhiều quy hoạch khác còn khó thực hiện hơn, vì mâu thuẫn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê phán: “Trong nền kinh tế thị trường, anh lấy quy hoạch để cho người này quyền xuất khẩu mà không cho người kia là không đúng, có chăng chỉ có điều kiện để được xuất khẩu”.

Bên cạnh đó, Bộ này khẳng định quy hoạch về cá tra, cá rô phi… của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông là “sai lầm”, vì chuyển sang nền kinh tế thị trường thì ở đó nguồn lực không chỉ của Nhà nước mà còn nằm trong túi của xã hội, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tình trạng quy hoạch lộn xộn như thế này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ được giải quyết khi Luật Quy hoạch ra đời, bỏ tất cả các quy hoạch ngành, sản phẩm.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Quy hoạch sáng 26/5-2017, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết:

Chúng ta cần bỏ đi những quy hoạch không còn phù hợp với thực tiễn và sự phát triển của đất nước nữa. Việc ban hành luật lần này hiện có ý nhĩa rất quan trọng để chuẩn bị cho thời kỳ quy hoạch 2021 -2030, nếu chậm lại sẽ lỡ đi cơ hội cho quá trình phát triển 10 năm tới đây.

Luật Quy hoạch giúp khắc phục được tình trạng xin-cho, sự tùy tiện trong điều chỉnh các quy hoạch khi bỏ đi một số quy hoạch ngành, toàn bộ quy hoạch sản phẩm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (được tự do kinh doanh tất  cả các ngành nghề pháp luật không cấm). Khi bỏ đi các quy hoạch sản phẩm thì chúng ta quản lý bằng cách nào? Hoàn toàn sẽ do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ đảm bảo nhiệm vụ là cung cấp thông tin, dự báo, đánh giá cho người dân và doanh nghiệp tự quyết định! Chúng ta không thể định lượng sản phẩm này bao nhiêu, sản phẩm kia bao nhiêu để cho người dân làm. Đây là cách mạng trong tư tưởng của Luật Quy hoạch.

Về việc sửa 32 luật để tương thích với Luật Quy hoạch, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội một luật sửa nhiều luật. Nghe sửa 32 luật thì to tát, nhưng có rất nhiều luật chỉ sửa một điều, hoặc hai, ba điều. Chỉ có bốn luật phải sửa nhiều (Luật Xây dựng, Luật Đất đai…), nhưng sẽ cho sửa trong dự luật liên quan đến đầu tư kinh doanh. Vì thế, tính khả thi là rõ ràng, và có thể thực hiện được trong thời kỳ này.

Theo Tư Hoàng - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X