Hotline 24/7
08983-08983

Những nạn nhân bom nguyên tử khiếp sợ ánh mặt trời ở Hiroshima

Emiko Okada không muốn nhìn thấy ánh sáng mặt trời bởi nó khơi gợi lại trong bà những nỗi ám ảnh về cái ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima.

nhung-nguoi-vi-bom-nguyen-tu-nen-so-anh-mat-troi-o-hiroshima

Bà Emiko Okada, một người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima ngày 6/8/1945. Ảnh: AFP

Nhiều người dân Hiroshima đến tận bây giờ vẫn bật khóc hay rùng mình sợ hãi mỗi khi nhớ về ngày thành phố này phải hứng trọn quả bom nguyên tử của Mỹ cách đây hơn 7 thập kỷ, theo AFP. Nhân chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hiroshima vào hôm qua, họ chia sẻ câu chuyện cuộc đời mình.

Bà Emiko Okada, năm nay 79 tuổi, khi ấy đứng cách tâm của vụ nổ khoảng 2,8 km và bị thương nặng. Em gái bà, kém may mắn hơn, thiệt mạng ngay lúc đó.

"Bất ngờ, một tia sáng lóe lên trên bầu trời, tôi bị quật ngã xuống đất. Tôi không biết chuyện gì xảy ra nữa. Lửa bùng lên khắp nơi. Chúng tôi vội vã tháo chạy khỏi những đám cháy đang bủa vây quanh mình", bà kể. "Tôi nhìn thấy nhiều người nhưng trông họ chẳng còn giống con người nữa".

"Đến giờ, tôi vẫn ghét phải nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nó khiến tôi nghĩ về hôm ấy và làm cho trái tim tôi đau nhói", bà Okada chia sẻ. "Sau thảm họa, những đứa trẻ phải sơ tán trong chiến tranh quay trở về nhưng lâm vào cảnh mồ côi. Nhiều băng nhóm xã hội đen đổ tới Hiroshima để ban cho chúng thức ăn, đi kèm với súng".

"Tổng thống Obama là người có ảnh hưởng toàn cầu. Tôi hy vọng năm nay, những gì thực sự xảy ra ở Hiroshima và Nagasaki bên dưới những đám mây nguyên tử sẽ được hé mở hoàn toàn", AFP dẫn lời bà nói.

Trong khi đó, bà Keiko Ogura, 78 tuổi, lại dành cả cuộc đời mình để ghi nhớ những ký ức cách đây hơn 70 năm.

"Không lâu sau vụ nổ, trời đổ mưa. Cơn mưa màu đen, có cảm giác dinh dính, khiến quần áo của tôi ướt sũng", bà Ogura nhớ lại. "Tôi nhìn thấy hàng dài người bị bỏng rất nặng, trông như những bóng ma im lìm".

"Bỗng, một cô bé níu chân tôi và van nài bằng giọng yếu ớt: 'Cho em nước'. Những người xung quanh cũng nói với theo: 'Nước. Nước'", bà Ogura kể. "Tôi mang nước đến cho họ nhưng một số người chết ngay sau khi uống. Tôi thấy hối tiếc vì để họ uống nước".

"Chúng tôi đã phải đối mặt với một cơn ác mộng khủng khiếp. Tôi vẫn nói với họ rằng nơi đó, khi ấy chính là địa ngục. Nhưng họ không hiểu", bà nói. "Hiroshima chưa yên bình. Những nỗi kinh hoàng vẫn vương lại nơi đây".

nhung-nguoi-vi-bom-nguyen-tu-nen-so-anh-mat-troi-o-hiroshima-1

Bà Park Nam-Joo. Ảnh: AFP

Bà Park Nam-Joo, 83 tuổi, người Hàn Quốc, đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư da và ung thư vú vì bị nhiễm xạ ở Hiroshima.

"Tất cả đều tan tành. Những đống đổ nát chất chồng lên ở khắp nơi. Không gì có thể miêu tả được", bà Park nói. "Vết thương của những người sống sót thậm chí còn bị nhiễm giòi mà không có thuốc chữa".

"Tôi thường xuyên bật khóc khi nghĩ về cảnh tượng năm ấy. Rất nhiều người không muốn nhớ đến chúng nữa".

"Tôi muốn mọi người biết rằng không chỉ người Nhật mà cả người Hàn Quốc, Trung Quốc cùng những người đến từ các quốc gia khác cũng phải chịu đau đớn vì bom nguyên tử".

Shigeaki Mori, 79 tuổi, được nhiều người biết đến vì một bài nghiên cứu về số phận các tù nhân chiến tranh Mỹ ở Hiroshima.

"Tôi bị thổi bay xuống một con sông khi đang đi qua cầu. Thế nên, tôi quyết định ở dưới nước một lúc", ông kể. "Khi trèo lên bờ, tôi gặp một phụ nữ đang tiến về phía mình, dáng đi xiêu vẹo. Toàn thân cô ấy nhuốm máu, nội tạng lòi ra ngoài bụng. Cô ấy cố bịt chặt vết thương và hỏi tôi bệnh viện gần nhất ở đâu. Tôi chỉ biết òa khóc, chạy đi và để người phụ nữ ấy lại một mình".

"Hàng loạt người thoi thóp ngã quỵ quanh tôi. Tôi chạy, dẫm lên mặt và đầu họ. Tôi nghe thấy tiếng thét phát ra từ một ngôi nhà đổ sập. Nhưng tôi vẫn cắm đầu chạy bởi khi ấy tôi chỉ là một đứa trẻ, không thể giúp gì", ông Mori cho hay.

Ông Sunao Tsuboi, 91 tuổi, là đồng chủ tịch Liên đoàn các Tổ chức vì Nạn nhân Bom Nguyên tử và Bom Nhiệt hạch Nhật Bản. Vụ nổ năm xưa khiến ông bị bỏng nặng. Ông hiện mắc bệnh ung thư cùng nhiều chứng bệnh khác. Dù vậy, ông vẫn là một nhà hoạt động vô cùng tích cực trong cuộc đấu tranh vì một thế giới không tồn tại vũ khí hạt nhân.

nhung-nguoi-vi-bom-nguyen-tu-nen-so-anh-mat-troi-o-hiroshima-2

Ông Sunao Tsuboi. Ảnh: AFP

"Tôi bị bỏng toàn thân. Tôi đã trải qua quãng thời gian kinh hoàng. Ngày 6/8, trần truồng, tôi gắng gượng để chạy trốn trong khoảng 3 giờ đồng hồ nhưng rồi cuối cùng cũng không còn sức mà đi bộ nữa. Tôi đã dùng một viên gạch để viết xuống đất dòng chữ 'Tsuboi chết tại đây'", ông kể. Thế nhưng, ông đã sống sót nhau nhiều lần bất tỉnh.

"Tôi có thể chịu đựng gian khổ vì hạnh phúc của mọi người. Ngày mai tôi có thể chết, nhưng tôi vẫn lạc quan. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ. Chúng tôi không muốn vũ khí hạt nhân", ông nhấn mạnh. "Một lời xin lỗi không phải là vấn đề. Tôi chỉ muốn Tổng thống Obama đến thăm Hiroshima và tận mắt thấy những gì hiện hữu ở đây và nghe tiếng nói của những người sống sót".

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua tới đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Hòa bình ở thành phố Hiroshima và có bài phát biểu dài 20 phút. Ông là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố này.

"71 năm trước, vào một buổi sáng trời trong, không có mây, cái chết giáng xuống từ bầu trời và thế giới bị biến đổi", ông Obama nói trong bài phát biểu. "Một tia sáng và bức tường lửa phá huỷ thành phố, cho thấy nhân loại có phương tiện để tự huỷ hoại mình", ông cho biết thêm.

Viết trong sổ lưu niệm tại Bảo tàng Hiroshima, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh ông hy vọng thế giới sẽ "tìm thấy lòng dũng cảm để cùng nhau nhân rộng hoà bình, theo đuổi một thế giới không vũ khí hạt nhân".

Theo Vũ Hoàng - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X