Hotline 24/7
08983-08983

Những 'bóng hồng' cắt cơn cho người nghiện ma túy

Khi người nghiện vật vã, đập phá đồ đạc, thậm chí tấn công những người xung quanh, là lúc cấn đến các nhân viên điều dưỡng - các "bóng hồng" ở Cơ sở xã hội Bàu Bàng (Đà Nẵng).

23 tuổi, Nguyễn Thị Hằng nghỉ việc ở BVĐK để lặn lội lên vùng núi Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) làm công việc cắt cơn cho hàng trăm bệnh nhân nghiện ma túy.

Buổi đầu tiếp xúc với người nghiện, Hằng không khỏi lo lắng, vì lâu nay mới chỉ nghe chứ chưa tận tay khám bệnh. Nhưng đáng sợ nhất là lúc người nghiện lên cơn. "Họ không làm chủ được mình, đập phá và có thể tấn công cả người đối diện", Hằng kể.

Được những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm giúp đỡ, cô dần làm quen và đến nay đã làm tại Phòng Y tế của Cơ sở xã hội Bàu Bàng 5 năm.

nhung-bong-hong-cat-con-cho-nguoi-nghien-ma-tuy

Chị Hằng tư vấn cho học viên nghiện ma túy tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Làm nghề này quan trọng là phải nắm được diễn tiến sức khỏe và tâm lý người nghiện, chủ động dùng thuốc cắt cơn ngay trước khi họ có biểu hiện bộc phát ra bên ngoài", Hằng chia sẻ và cho biết bây giờ chỉ cần nói chuyện với người nghiện vài câu là đoán được tình trạng của họ.

Hằng cho biết không chỉ những người mới đưa vào cơ sở điều trị cần cắt cơn mà nhiều người ở đây 5 đến 7 tháng vẫn có biểu hiện như người mới vào. Sau khi cắt cơn khoảng 15 ngày, học viên được đưa xuống các ban để lao động, quản lý.

Vốn không thiện cảm với những người có hình xăm, nhưng ca cắt cơn nghiện đầu tiên mà nữ y tế Huỳnh Thị Lành (22 tuổi) thực hiện lại là một bệnh nhân với chi chít những hình xăm kỳ quái. "Chứng kiến cảnh người nghiện vật vã tôi rất sợ, nhưng giờ đã quen và tự tin làm việc", Lành kể.

Biết Lành nhỏ tuổi, chưa lập gia đình, nhiều bệnh nhân cai nghiện kiếm cớ chọc ghẹo, không chào bằng cô như cách xưng hô như thường lệ. "Đến khi có học viên chào bằng cô, tôi quen miệng chào những người lớn tuổi hơn mình bằng anh, thế là học viên toàn gọi tôi là em", Lành nhớ lại.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Lành là ca cắt cơn cho anh Lê Văn Thành (32 tuổi). Anh Thành bị nhiễm HIV, mất niềm tin vào cuộc sống nên khi vào cơ sở đã bất hợp tác, nói chuyện ngang ngược, hất đồ ăn, xé sách báo... Mỗi khi nhìn thấy nữ cán bộ Lành, Thành không gọi bằng cô như quy định, mà quay sang gọi "con quỷ". 

nhung-bong-hong-cat-con-cho-nguoi-nghien-ma-tuy-1

Nữ điều dưỡng Lành với công việc thường ngày. Ảnh: Nguyễn Đông.

Lành tâm sự khi đó đã rất buồn, nhưng cô quyết tâm mình sẽ làm thân với bệnh nhân để giúp đỡ anh. Cô tìm mọi cách tiếp xúc, trò chuyện, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, và cuối cùng hai người có thể ngồi nói chuyện, chia sẻ cuộc sống cùng nhau như những người bạn thân.

Bây giờ Thành không còn ở phòng cắt cơn nghiện nữa, mà được chuyển xuống Ban quản lý lao động. "Mỗi lần tôi đi qua nơi các học viên lao động, đều nghe tiếng Thành chào cô Lành. Những lúc đó tôi rất vui", Lành kể và chia sẻ chỉ mong những việc làm thường ngày của mình giúp được phần nào cho những người nghiện từng lầm lỡ, để họ sớm hòa nhập cộng đồng.

Việc phải đối diện với những người nghiện tính khí thất thường đã trở thành chuyện thường ngày của các cán bộ ở Trung tâm Bàu Bàng. Nguyễn Thị Hằng kể, khi chăm sóc sức khỏe cho học viên Vũ (25 tuổi), cô thấy bệnh nhân bình thường, nhưng khi vắng mặt người quản lý, anh này lại đột ngột gây gỗ, cãi vã với học viên khác một cách vô cớ. "Tôi đến cho thuốc để Vũ uống thì anh ta nổi nóng hơn, đập phá đồ đạc, lật tung chiếc bàn đang ngồi và còn định tấn công tôi", Hằng kể.

Tìm cách tránh những đòn tấn công để đảm bảo an toàn cho mình, Hằng tức tốc gọi thêm cán bộ nam khác vào hỗ trợ, ép Vũ phải tiêm thuốc để cắt cơn.

Ngoài ra, có bệnh nhân dù hứa với các cán bộ ở Trung tâm là sẽ không tái nghiện, nhưng cứ ra khỏi cơ sở xã hội một thời gian thì quay lại. Những lúc đó càng khiến Hằng cũng như các cán bộ khác ở đây thêm trăn trở.

nhung-bong-hong-cat-con-cho-nguoi-nghien-ma-tuy-2

Công việc của những bóng hồng cắt cơn cho người nghiện luôn đối mặt với những bệnh nhân tính khi thất thường. Ảnh: Nguyễn Đông.

Phòng Y tế của Cơ sở xã hội Bàu Bàng hiện có 3 nữ điều dưỡng, thay phiên nhau theo dõi sức khỏe, cắt cơn nghiện cho học viên. Khi hỏi chuyện gia đình, Lành nói cô chưa có dự định gì, và không biết người chồng tương lai có chia sẻ công việc với mình không. "Những lúc mưa gió, đi làm về giữa đoạn đường vắng, em cũng lo lắng", cô tâm sự.

Chị Hằng thì bảo, may mắn có chồng làm cùng cơ sở Bàu Bàng nên hiểu tính chất công việc. "Con đường đến ma túy với nhiều người bắt nguồn từ hạnh phúc gia đình tan vỡ, thiếu tình thương của cha mẹ... Họ là những người đáng thương, cần được sẻ chia, giúp đỡ và đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi làm việc", chị tâm sự.

Ông Phạm Tạo, Phó giám đốc Cơ sở xã hội Bàu Bàng, cho biết các nữ điều dưỡng cắt cơn cho người nghiện là những cán bộ nhiệt huyết với công việc, dù điều kiện và môi trường làm việc khó khăn, khắc nghiệt. "Cô Hằng có con nhỏ nhưng luôn là người đi làm sớm, về trễ nhất, để dành nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân", ông Tạo nói

Theo Nguyễn Đông - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X