Hotline 24/7
08983-08983

Những biện pháp giúp trẻ giảm bớt Béo phì – Thừa cân

Trẻ béo phì ngay từ bé nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng thế nào đến tâm sinh lý, sức khỏe của trẻ sau này?

Image
Ảnh: sưu tầm
Béo phì (BP) có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý ở trẻ. Trẻ BP dễ bị bạn bè cùng lứa chọc ghẹo, kỳ thị, nên sẽ tự ti, không hài lòng với vóc dáng của bản thân, trẻ dễ bị cô lập và có thể trở nên trầm cảm.

Về mặt sức khỏe, trẻ BP có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa mỡ (tăng cholesterol và triglyceride), đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, dậy thì sớm, bệnh lý túi mật, tăng huyết áp. Trẻ cũng có thể bị khó thở khi ngủ và bệnh lý ở khớp (đau khớp hông, khớp gối, giới hạn vận động). Trẻ có phản xạ chậm chạp nên sẽ dễ bị tai nạn.

Khi trẻ bị BP thì cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ giảm bớt thừa cân (TC)?

Sự tham gia của gia đình trong việc giúp trẻ giảm bớt tình trạng TC-BP là cực kỳ quan trọng bởi vì trẻ chưa có ý thức về những tác hại của TC-BP, cũng như chưa thể tự kiềm chế trước sự hấp dẫn của thức ăn và cũng rất khó để trẻ giữ một chế độ vận động đều đặn, thường xuyên nếu như không có sự trợ giúp của gia đình.

Trong quá trình giúp đỡ trẻ giảm BP cần lưu ý trẻ vẫn cần các dưỡng chất để tăng trưởng. Chúng ta chỉ nên giảm năng lượng trong chế độ ăn cho trẻ (cụ thể là giảm thức ăn bột đường và chất béo), nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất cho trẻ.

Hãy bắt đầu bằng cách không nên dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như bánh kẹo ngọt, chè, nước ngọt trong nhà. Thay vào đó, nên để nhiều loại trái cây ít ngọt như thanh long, bưởi, ổi, cam (gọt vỏ sẵn) hoặc yaourt không đường, Sữa tươi ít béo không đường sẵn trong tủ lạnh để khuyến khích trẻ ăn.

Trẻ TC-BP thường háu ăn và ăn nhiều. Khi đó, nên dạy trẻ ăn thật chậm, nhai thật kỹ trước khi nuốt để não kịp nhận tín hiệu “no” và trẻ sẽ ăn ít lại. Trước bữa cơm nên ăn một chén canh rau, đĩa rau luộc hoặc trái dưa leo để giúp trẻ giảm bớt cơn đói.

Khi chế biến thức ăn cho trẻ thì giảm bớt cách chế biến nhiều dầu mỡ. Thay cách chế biến chiên, xào, quay bằng hấp, luộc, kho lạt, canh. Hạn chế thức ăn béo: thịt mỡ, da, lòng, óc, nước cốt dừa. Chú ý đảm bảo đủ chất đạm cho trẻ, nghĩa là chỉ kiêng thịt mỡ, trre vẫn có thể ăn được thịt nạc, nên cho trẻ ăn cá và đậu hũ nhiều hơn thịt.

Hạn chế thức ăn uống ngọt: Chè, nước ngọt, bánh kẹo, kem, các loại nước trái cây hương liệu, không nên cho đường vào các loại thức uống, ngay cả nước trà, chanh chế biến sẵn cũng rất ngọt, trẻ không nên uống nhiều.

Cho trẻ ăn đúng bữa, không ăn quá no và cũng không để trẻ nhịn ăn, nhất là bữa ăn sáng, không để trẻ quá đói vì khi đó trẻ sẽ ăn rất nhanh và ăn nhiều không kiểm soát được. Không nên cho trẻ ăn quá trễ, sau 8 giờ tối.

Không bao giờ ép trẻ phải ăn hết phần thức ăn. Điều này giúp trẻ biết được cảm giác no.

Luôn đọc nhãn hiệu bao bì khi chọn mua thức ăn cho trẻ để hạn chế thực phẩm nhiều đường, béo, đặc biệt là chất béo no và cholesterol.

Giúp trẻ tham gia vào các hoạt động thể lực đều đặn và phù hợp với tuổi không nằm ngồi nhiều một chỗ, không xem tivi, chơi game hoặc sử dụng vi tính quá lâu (không quá 60 phút), khuyến khích trẻ chạy nhảy, chơi đùa. Cách tốt nhất là cha mẹ nên cùng tham gia chơi với trẻ. Đối với những trẻ lớn thì nên khuyến khích trẻ phụ giúp việc gia đình cho cha mẹ như quét dọn nhà cửa, tưới cây…

Hãy tạo thói quen tập thể dục cho trẻ trong bầu không khí vui vẻ giúp trẻ tham gia một cách thích thú. Nên tập vừa sức, từ ít tới nhiều, từ ngắn đến dài. Khi thấy trẻ mệt thì nên ngưng và tập thở. Tránh quá sức. Chú ý giữ an toàn cho trẻ và gây hứng thú cho trẻ khi tập. Tạo thói quen duy trì tập luyện một cáh đều đặn vào một giờ nhất định trong ngày và trong tuần.

Điều cuối cùng cần lưu ý đối với các bậc phụ huynh, đó là, chúng ta là tấm gương soi cho trẻ. Do đó, để trẻ có được thói quen ăn uống và tập luyện tốt thì chính bản thân cha mẹ cũng phải làm được như vậy. Nghĩa là, cha mẹ nên làm gương cho trẻ cả về chế độ ăn điều độ, ăn nhiều rau, giảm thức ăn béo ngọt và cũng phải tập thể dục đều đặn. Có như vậy thì mới giúp được trẻ giảm bớt BP.

Đối với những trẻ chưa có những triệu chứng BP thì các bậc phụ huynh làm gì để giúp phòng tránh tình trạng TC-BP ở trẻ?

  • Nên theo dõi sự tăng trưởng của trẻ thường xuyên. Thường thì các bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến điều này khi trẻ còn nhỏ (1-3 tuổi) hoặc khi trẻ bị SDD. Nhưng khi trẻ được 4-5 tuổi hoặc khi trẻ hết SDD thì rất dễ bỏ qua, không theo dõi tiếp tục cho đến khi trẻ tăng cân quá mức và chuyển sang TC-BP từ khi nào không hay biết.
  • Dạy cho trẻ thói quen ăn uống tốt: ăn điều độ, đúng bữa, không ăn quá nhanh, không cố ăn thêm khi đã no, tập trẻ biết ăn rau và các loại trái cây ngay từ nhỏ. Hạn chế thức ăn nhiều đường ngọt, thức ăn chế biến sẵn. Tập cho trẻ thói quen không thêm đường vào thức uống (nước trà, nước ép trái cây, sinh tố…).
  • Dạy trẻ nên và không nên chọn thức ăn nào khi đưa trẻ cùng đi mua sắm.
  • Không dùng thức ăn làm quà thưởng hay phạt trẻ. Tránh sử dụng món tráng miệng làm phần thưởng cho trẻ ăn hết phần ăn.
  • Tập cho trẻ có thói quen vận động (đi bộ 15 phút x 2 lần/ngày).

TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh
Theo Sức khỏe và Đời sống

Theo Bibi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X