Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều thủy thủ muốn đoạn tuyệt với nghề

Ngoài cướp biển, thủy thủ viễn dương phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, thậm chí mất mạng, mất xác. Và trên tất cả là nỗi lo tan vỡ gia đình, con cái không được dạy dỗ...

Được đào tạo bài bản tại ĐH Hàng hải và các trung tâm huấn luyện thuyền viên, thủy thủ viễn dương phải đạt những yêu cầu về thể lực, chiều cao, đặc biệt là về thị giác và tim mạch. Trong quá trình đào tạo tại ĐH Hàng hải, họ được học các môn thể thao như cầu sóng, quay vòng, bơi lội để quen với biển cả. Tuy nhiên, khi trực tiếp đối diện với giông gió giữa biển cả, không ít người muốn bỏ nghề. 

doithuythu.jpg

Tàu Sơn Lộc chuyên tuyến trong nước Hải Phòng - Sài Gòn với biên chế 12 thủy thủ. Trước khi vào ca làm việc mới, thủy thủ ngồi xem tivi. Nhiều người chia sẻ, không ai thích nghề lính tàu cả, ai cũng muốn gần vợ con, nhưng chỉ vì miếng cơm, manh áo nên đành... Ảnh: Giang Chinh.

Nhớ lại lần xuống tàu đi biển đầu tiên vào giáp Tết năm 2008, thợ máy Văn Thức (32 tuổi, quê Hải An, Hải Phòng) kể, khi đó anh “đánh thuê” với lương 8 triệu đồng/tháng. Chuyến biển này, anh phải bay sang Hàn Quốc để nhận tàu. Tàu anh Thức đi có tên Sunny Viship, chủ tàu là người Việt Nam nhưng thuê người Singapore quản lý, chở hàng tuyến Trung Quốc - Nam Mỹ.

Sang đến nơi, Thức xuống tàu và được bố trí tại buồng Pilot (buồng hoa tiêu) chỉ cao sau buồng lái. Tàu vừa rời khỏi biển Hàn Quốc thì đụng ngay sóng lớn, Thức bị say ói cả “mật xanh, mật vàng”, nhưng vẫn không được phép rời buồng máy.

Một thuyền viên người Philippines cùng đi vội dí vào tay anh cái xô. Không còn lựa chọn nào khác, anh đeo xô vào cổ để nôn luôn vào đó. Sau ca trực 4 giờ, Thức chui vào nhà vệ sinh nôn khan và gục xuống bệ cửa ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết cho đến sáng. 

Trên hải trình sang Mexico nhận dầu, tàu bắt buộc phải qua mũi Hảo Vọng, thuộc vùng biển Nam Phi. Đây là điểm đen đối với tất cả tàu thuyền mỗi khi qua lại. Không nằm ngoài dự đoán, thời điểm tàu Sunny Viship chạm tới mũi  Hảo Vọng, thời tiết thay đổi bất thường, sóng lớn ùn ùn kéo tới. Trước tình thế nguy cấp, tàu đang chạy không có hàng có thể bị sóng đánh chìm bất cứ lúc nào, thuyền trưởng phải thông tin khẩn về cho chủ tàu người Việt Nam.

"Tất cả thuyền viên trên tàu đến từ Trung Quốc, Phillipines, Việt Nam nhìn nhau hoang mang và cảm thấy cái chết như cận kề. Rất may sau nửa ngày vật lộn với sóng gió, Sunny Viship đã vượt qua lưỡi hái tử thần, đưa các thuyền viên đến bến bờ an toàn", thủy thủ Thức kể.

Nghĩ lại cảnh đeo xô vào cổ để nôn, rồi lại suýt mất mạng ở mũi Hảo Vọng, đến giờ anh Thức vẫn rùng mình cho biết, khi đó có tiền núi đặt trước mặt cũng không màng. “Nếu không phải vì kinh tế khó khăn, không phải vì cái nghề đã chọn, đã học và không phải vì chuyện kiếm việc trên bờ đâu đâu cũng đòi phải có tiền lót tay thì tôi đã giải nghệ từ lâu”, Văn Thức nói. 

Nói về nghề đi biển, ông Mười, người thân của thuyền viên Hùng (36 tuổi, ở quận Hải An, Hải Phòng) chép miệng bảo cái nghề sống chết chẳng biết thế nào. Tốt nghiệp ĐH Hàng hải, Hùng xuống tàu, đi biền biệt. Vợ và 2 con nhỏ ở nhà đều phải cậy nhờ vào người thân. Đồng lương tạm ổn, tuy nhiên cảnh xa gia đình đã khiến Hùng quyết định đi chuyến cuối cùng để lên bờ, xin vào công ty của bố làm việc.

Chuyến đó vào năm 2012, khi tàu đang di chuyển qua vùng biển châu Âu, Hùng gặp tai nạn lao động, rơi xuống dưới hầm hàng, tử vong. Do tàu cách rất xa đất liền, hàng chưa đến bến nên các thủy thủ trên tàu buộc lòng đưa thi hài Hùng vào kho lạnh bảo quản và tiếp tục cuộc hành trình. Một tháng sau, thi thể Hùng mới được chủ tàu và cơ quan chức năng chuyển về tới quê hương.

Đau khổ hơn gia đình ông Mười, chị Thư (39 tuổi, trú tại quận Hải An, Hải Phòng) đang mỏi mòn ngóng tin chồng trong sự vô vọng. Đến nay đã hơn 20 ngày kể từ khi chủ tàu báo tin dữ anh Hùng chồng chị mất tích trong đêm tại cửa eo biển Malacca, thuộc vùng biển Indonesia. Phía công ty, chủ tàu, bạn bè, thuyền viên liên tục đến nhà động viên chia sẻ.

“Mặc dù đã ngoài 40 tuổi, với gần 20 năm đi biển nhưng khi biết tin con lớn đỗ đại học, chủ tàu điện mời xuống tàu, anh Hùng vui lắm, nhận lời ngay. Trước khi đi, anh còn dặn dò người cha già cố giữ gìn sức khỏe, con đi sẽ sớm về…”, chị Thư ngậm ngùi kể lại. Đến nay, cái chết của anh Hùng vẫn còn là bài toán đầy bí ẩn mà gia đình chị Thư đang đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.

doithuythu2.jpg

Với thủy thủ, chỉ đến khi tàu cập cảng, chuyến hải trình đó mới thực sự được an toàn. Ảnh: Giang Chinh.

Đời thủy thủ thường xuyên xa nhà, có chuyến đi cả năm mới về. Nỗi lo lớn nhất của họ là hậu phương ở nhà có được yên bình. Nếu xảy ra chuyện, thủy thủ cũng đành chịu. Thậm chí bố mẹ qua đời, đến khi họ về thì nấm mồ cỏ đã tốt ngập đầu gối. Chuyện gia đình tan vỡ, con cái dính vào tệ nạn xã hội vì thiếu sự dạy dỗ của người cha… không còn hiếm. Nhiều thủy thủ vì chuyện gia đình trở nên trầm cảm, hoặc lao vào cờ bạc, rượu chè, gái gú để giải khuây... 

Trong câu chuyện chia sẻ với báo giới, ông Lê Văn Thắng, Phó giám đốc Công ty vận tải biển Lê Thắng cung cấp, công ty ông có thuyền viên tên Tuấn (quê Hà Tĩnh) cưới vợ được vài hôm đành phải xa vợ cho kịp chuyến biển. Vài tháng Tuấn mới gọi điện về cho cô vợ một lần, biền biệt một năm rưỡi mới về nhà. Tiền lương của Tuấn vợ vẫn nhận hàng tháng do công ty gửi. 2 năm sau ngày cưới, cô vợ trẻ không chịu đựng thêm cảnh giường đơn gối chiếc đã bỏ đi theo người đàn ông khác, mang theo toàn bộ số tài sản mà Tuấn vất vả mới có được.

Sau 10 năm lênh đênh trên biển, phấn đấu có được chứng chỉ “Thuyền phó 1”, kiếm được một khoản tiền kha khá về xây cất được ngôi nhà, mua sắm nhiều đồ gia dụng đắt tiền, thủy thủ Đức (quê Hải An, Hải Phòng) đã đoạn tuyệt với biển. “Đi tàu thế là quá đủ rồi. Nếu đi nữa không khéo vợ chán bỏ về quê, hoặc lại tìm trai lạ, 2 đứa con ngày một lớn lấy ai dạy bảo. Có lần tôi về đến nhà sau một năm đi làm thuê cho chủ tàu nước ngoài, nhìn chẳng khác nào người rừng, đến con chó thấy lạ cắn sủa ầm ĩ”, Đức hóm hỉnh kể.  

Theo ông Đỗ Ngọc Hoài, Giám đốc Trung tâm thuyền viên VOSCO, đặc trưng nổi bật nhất của thuyền viên làm việc trên tàu là cùng một lúc phải chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống luật pháp: pháp luật của nước tàu treo cờ, của nước có cảng tàu ghé qua và của nước mà thuyền viên mang quốc tịch. Thêm vào đó là một loạt quy định của các Công ước Hàng hải quốc tế, của các công ty chủ tàu, thuê tàu và đại lý thuyền viên.

Thuyền viên phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về mặt pháp lý như bị lạm dụng, bị phạt, thậm chí bị bắt và giam giữ. Ngoài ra, thuyền viên cũng phải chịu nguy cơ bị bóc lột sức lao động, phân biệt đối xử, lạm dụng, ngược đãi, những điều kiện làm việc bất công và nguy cơ bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp. Và đây chính là lý do ngày càng nhiều thuyền viên không muốn gắn bó lâu dài với nghề.

Thuyền viên tàu vận tải hầu hết học các hệ cao đẳng và đại học của ĐH Hàng hải. Ngay từ khâu dự tuyển vào trường, tất cả thi sinh dự thi vào các khoa liên quan đến tàu biển bắt buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về thể lực, chiều cao, đặc biệt là về thị giác và tim mạch. Khi đã trúng tuyển, nhập học, nhà trường kiểm tra trực tiếp, nếu sinh viên nào không đủ điều kiện sẽ cho chuyển ngành trên bờ. Riêng các ngành đi biển chỉ lấy nam giới. 

Quá trình học tập và rèn luyện tại ĐH Hàng hải như môi trường quân đội: bắt buộc các sinh viên ăn mặc đồng phục, ở nội trú 2 năm. Thời gian này, ngoài học kiến thức, các sinh viên còn phải học các môn thể thao chuyên ngành: cầu sóng, quay vòng, bơi lội.

Đối với các tàu vận tải chạy tuyến nội địa thì yêu cầu xử lý cắt bỏ ruột thừa không được các chủ tàu lưu tâm, nhưng đối với các chủ tàu người nước ngoài, tàu lại chạy dài ngày trên biển thì bắt buộc các thuyền viên phải cắt ruột thừa trước khi xuống tàu.

* Tên thủy thủ đã được thay đổi. 

AloBacsi.vn
Theo Giang Chinh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X