Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều thịt lợn bán sạp nhiễm khuẩn

Trong 36 mẫu thịt lợn đem đi xét nghiệm có đến gần 95% số mẫu có chứa vi khuẩn gây hại cho đường ruột.

Số mẫu thịt lợn mang đi xét nghiệm được các chuyên viên Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM thu thập trong hơn một tháng qua, chủ yếu tại các quầy sạp nhỏ lẻ không được bảo quản tốt ở các chợ.
 
Kết quả cho thấy, trong 36 mẫu thịt lợn sống, có đến gần 95% số mẫu có chứa vi khuẩn gây hại cho đường ruột như E.coli và khuẩn tụ cầu vàng, có thể gây ngộ độc nếu quá trình chế biến không cẩn trọng.
 
Thịt lợn bán tại các quầy nhỏ lẻ không che chắn dễ nhiễm khuẩn. Ảnh: Trung Hào

Theo các chuyên viên Viện Vệ sinh Y tế công cộng, không thể vơ đũa cả nắm bởi số mẫu trên chỉ mang tính đại diện và được thu thập chủ yếu ở các quầy sạp không được bảo quản kỹ. Song với tỷ lệ mẫu bị nhiễm khuẩn trên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm Tết là đáng cảnh báo.

Cùng với thịt lợn sống, Viện kiểm tra 150 mẫu đồ ăn Tết như lạp xưởng, xúc xích, chả lụa, nem không nguồn gốc bán ở chợ, kết quả cho thấy đến 115 mẫu có hàm lượng chì vượt mức cho phép.

Trong gần 2.000 mẫu thực phẩm thuộc 12 nhóm các loại tại thị trường TP HCM được Viện Vệ sinh y tế công cộng kiểm tra, thì gần nửa số mẫu vi phạm các tiêu chí vi sinh, hơn 80% mẫu thủy hải sản nhiễm vi sinh.

Về thức uống nhập khẩu, kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, hơn nửa số mẫu rượu có hàm lượng aldehyde (gây đau đầu) vượt quá quy định cho phép.

Khảo sát của VnExpress.net chiều 2/1 tại các chợ nhỏ ở quận 5, 6, 7, 8, Bình Thạnh cho thấy, hầu hết quầy thịt đều không được người bán che chắn, nhiều quầy đặt thịt lợn sống ở cạnh cống rãnh. Thậm chí, thịt trước khi lên quầy bị chất thành đống dưới nền đất.

Các mặt hàng thực phẩm chế biến phục vụ Tết Nguyên đán như lạp xưởng, bánh mứt cũng không được che đậy. Những người bán thịt lợn ở chợ Phú Lợi, quận 8, chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) đều cho rằng, từ xưa đến nay họ đã buôn bán như thế.

“Chúng tôi lấy thịt có con dấu của cơ quan thú y chứ không mổ thịt lậu, còn quầy sạp thì bao lâu nay đã như vậy. Ngoài siêu thị, làm gì có chợ nào trang bị lồng kính cho chúng tôi”, một người bán thịt lợn nói.

Nhiều tiểu thương kinh doanh bánh mứt tết tại chợ Bình Tây (quận 6) cũng cho hay, trong điều kiện quầy sạp như hiện nay, thật khó có cách bảo quản nào tốt hơn cho thực phẩm.
 
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua các loại thực phẩm sản xuất theo thời vụ không có nhãn mác. Ảnh: Trung Hào

Nhận xét về các kết quả xét nghiệm, kỹ sư Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết, ngoài việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý các hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm không đạt yêu cầu, thì người tiêu dùng cũng phải sáng suốt trong lựa chọn.

“Để chọn thực phẩm tươi sống an toàn, người mua không nên chọn các quầy sạp có điều kiện kinh doanh kém như cạnh nguồn ô nhiễm. Hạn chế mua những loại thực phẩm không được che chắn, bảo quản tốt. Đặc biệt không nên mua vào buổi chiều đối với thực phẩm tươi sống bày bán cả ngày”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, ngoài việc chọn mua thực phẩm có cảm quan an toàn, thì việc chế biến thức ăn kỹ như rửa kỹ, ăn chin uống sôi cũng góp phần hạn chế các bệnh đường ruột.

TheoTrung Hào - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X