Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều bệnh viện thích... quá tải

Một cuộc tranh luận nảy lửa giữa các bệnh viện, Bộ Y tế và BHXH chiều 13/9 về giảm tải bệnh viện, vấn đề gây bức xúc cho người bệnh lâu nay.

BV Nhi Đồng 1, TPHCM thường xuyên bị quá tải do phải tiếp nhận điều trị cho cả bệnh nhi
ở các tỉnh phía Nam - Ảnh: N.C.T.

Giám đốc BV tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Hoàng đã “nói thật” giữa diễn đàn: “Thực trạng quá tải bệnh viện có giải quyết được không, bao nhiêu do xã hội, bao nhiêu do thương mại, vì nằm ghép ở bệnh viện tuyến trên là thu nhập tăng thêm”.
 

"Mỗi ngày chăm sóc ngoại trú cho 100 bệnh nhân. Việc này đã giúp giảm 300-400 bệnh nhân và người nhà đến viện mỗi ngày"

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến

Miền núi cũng quá tải

Ông Hoàng cũng tiếp lời: “Bài toán quá tải phải nghiên cứu lại, Viện Tim mạch quốc gia 5 người/giường bệnh, nhưng bệnh nhân đến không phải hoàn toàn cần can thiệp tim mạch, điều trị nội khoa ở tuyến tỉnh đã có.
 
Bệnh viện tuyến trên tập trung vào nghiên cứu khoa học, giải quyết những ca bệnh khó, nhưng như thế phải hi sinh lợi ích kinh tế”.

Đại diện BV tỉnh Hòa Bình đã thẳng thắn vì tình trạng thích quá tải ở bệnh viện. Theo ông, dù là bệnh viện miền núi nhưng BV tỉnh Hòa Bình đang chịu áp lực quá tải, đạt 130-140% so với công suất. Tuy nhiên, với giá viện phí như hiện tại, nhiều bệnh viện lại thích quá tải.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay ở một số nhóm bệnh viện như tim mạch, ung bướu, hiện tượng 2-4 bệnh nhân/giường bệnh khá phổ biến.
 
Ông Khuê cho rằng cơ sở mới của Bệnh viện K sẽ góp thêm 1.000 giường vào quỹ giường bệnh cho bệnh nhân ung bướu, nhưng do ứng vốn còn chậm nên tiến độ xây dựng bệnh viện này chậm so với dự kiến.

Giảm tải bằng cách nào?

Theo ông Khuê, các giải pháp như ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong lâm sàng và cận lâm sàng gần đây đã giúp giảm 0,5-1 ngày điều trị tại bệnh viện tùy bệnh nhân, đề án luân phiên bác sĩ về tuyến cơ sở giúp giảm 30% bệnh nhân phải chuyển tuyến. Tuy nhiên, quá tải bệnh viện là thực tế và dẫn đến nhiều hệ lụy cho quá trình điều trị của bệnh nhân.

Ông Nguyễn Thanh Dương, phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho rằng rất nên tăng cường mở rộng điều trị ngoại trú vì chúng ta đưa bệnh nhân vào nội trú nhiều.
 
Gần đây tỉ lệ bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp tăng cao, đây là các bệnh hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú với điều kiện chăm sóc và dự phòng cho bệnh nhân thật tốt.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đưa ra mô hình của BV Phụ sản T.Ư, nơi ông Tiến đang kiêm nhiệm vị trí giám đốc: mỗi ngày chăm sóc ngoại trú cho 100 bệnh nhân.
 
Theo ông Tiến, việc này đã giúp giảm 300-400 bệnh nhân và người nhà đến viện mỗi ngày. Các bệnh viện như Việt Đức, K, phụ sản địa phương đều có thể áp dụng.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng rất băn khoăn về mức bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, cho rằng cơ quan bảo hiểm khống chế trần ở tuyến tỉnh, huyện, trong khi lên trung ương thì bao nhiêu cũng chi, khiến bệnh nhân muốn vượt tuyến lên trung ương.

Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN, cho rằng “trần” không phải do bảo hiểm quy định, mà đó là bình quân phí điều trị của bệnh viện cộng với hệ số K (10%) mỗi năm. Ngoài ra, ông Sơn cũng có ý kiến các bệnh viện công vẫn chưa năng động, chưa khuyến khích bệnh nhân đến với mình, trong khi y tế tư thì có nhiều biện pháp marketing cạnh tranh rất hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì đề cập tiến đến lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014, mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo sẽ tăng lên 70% mệnh giá thẻ từ năm 2012, tăng hơn gần gấp rưỡi so với hiện hành.

Các tỉnh có dự án, người cận nghèo được hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm y tế. Học sinh sinh viên nghèo cũng sẽ được tăng mức hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Ngành y tế đang quyết tâm tìm các giải pháp vĩ mô, vi mô để giảm tải bệnh viện.

Tuổi thọ khỏe mạnh tăng lên 66 tuổi
 
Theo ông Dương Quốc Trọng - tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình, năm 2010 tuổi thọ khỏe mạnh bình quân của người VN đạt 66 tuổi (là số năm sống khỏe mạnh bình quân), trong khi tuổi thọ bình quân chung đạt 73 tuổi.
 
Ông Trọng cho hay so với năm 2006, tuổi thọ khỏe mạnh của người VN đã tăng 2 tuổi và dự kiến sẽ đạt 68 tuổi vào năm 2015.
Theo Lan Anh - Tuổi Trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X