Hotline 24/7
08983-08983

Nhân vật nào đằng sau cuộc khủng hoảng khiến Trump "lao đao" trước ngày nhậm chức?

Bản báo cáo dài 35 trang của Christopher Steele đã hé lộ góc khuất trong cuộc bầu cử Mỹ.

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tiếp tục là tâm điểm của dư luận khi tài liệu dài 35 trang của cựu nhân viên tình báo Anh được truyền thông Mỹ đưa tin.

Mặc dù nhiều bí ẩn vẫn chưa sáng tỏ, trong đó cơ bản nhất là câu hỏi "tài liệu có bao nhiêu phần là sự thật", nhưng NYTimes đã có thể ráp nối các mảnh ghép, làm nên một bức tranh sơ lược cho thấy điều gì đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện tại. Góc khuất của những cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ cũng được hé lộ.

Tài liệu từ đâu mà có?

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 9/2015, khi một nhà tài trợ giàu có của đảng Cộng hòa, một người phản đối Donald Trump, bỏ tiền thuê Fusion GPS, một công ty nghiên cứu ở Washington, tổng hợp một tài liệu về những bê bối trong quá khứ cũng như những điểm yếu của vị tỷ phú bất động sản.

Theo nguồn tin của NYTimes, do tính chất nhạy cảm và khả năng xảy ra kiện tụng nên công việc nghiên cứu này được thực hiện dưới điều kiện ẩn danh. Danh tính của nhà tài trợ kia cũng là một bí ẩn.

Fusion GPS, do cựu phóng viên Wall Street Journal Glenn Simpson điều hành, thường làm việc cho các khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời điểm tranh cử Tổng thống, nhiều ứng viên, đảng phái chính trị hoặc nhà tài trợ cũng thuê công ty điều tra các mối quan hệ của đối thủ chính trị.

Việc của họ là tạo ra một cơ sở dữ liệu phong phú, dễ dàng truy cứu bao gồm các tài liệu công khai gồm tin tức, tài liệu từ các vụ kiện tụng và các dữ liệu liên quan khác. Suốt nhiều tháng, Fusion GPS đã tổng hợp tài liệu và hồ sơ từ hoạt động kinh doanh lẫn giải trí của ông Trump trước đây - một mục tiêu phong phú.

Nhân vật nào đằng sau cuộc khủng hoảng khiến Trump lao đao trước ngày nhậm chức? - Ảnh 1.Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump.

Sau khi ông Trump trở thành một ứng viên sáng giá vào mùa xuân, nhân vật đảng Cộng hòa không còn muốn rót tiền cho công tác này nữa. Nhưng những người ủng hộ bà Hillary Clinton lại quan tâm và Fusion GPS tiếp tục đào sâu vào quá khứ của Trump, nhưng trên danh nghĩa của những khách hàng mới.

Tới tháng 6, hoạt động điều tra này đột ngột chuyển hướng. Tờ Washington Post đưa tin rằng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) bị tin tặc tấn công, cáo buộc chính phủ Nga đứng sau động thái này, và một nhân vật bí ẩn tự nhận mình là "Guccifer 2.0" bắt đầu đăng tải các tài liệu bị đánh cắp lên mạng internet.

Ông Simpson đã thuê Christopher Steele, cựu đặc vụ tình báo Anh, người mà ông đã có thời gian hợp tác trước đó.

Ông Steele đã từng hoạt động ngầm ở Moskva hồi đầu những năm 1990 và sau đó là chuyên gia hàng đầu về Nga tại trụ sở London của cơ quan tình báo Anh MI6. Sau khi rời khỏi MI6 năm 2008, Steele mở công ty điều tra riêng của mình, công ty Tình báo Kinh doanh Orbis.

Những người thân cận với Steele cho hay, ông có quan điểm không mấy thân thiện về Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Là người từng thực hiện các hoạt động do thám trong lòng nước Nga, Steele không thể tới Moskva để điều tra những mối quan hệ của ông Trump ở đó. Vậy nên, ông ta đã thuê những đàm thoại viên nói tiếng Nga gọi điện cho các nguồn tin và bí mật liên lạc với các mối quan hệ của ông ta ở Nga.

Steele tổng hợp các thông tin ông ta có được thành báo cáo, mỗi bản dài vài trang và bắt đầu chuyển cho Fusion GPS từ tháng 6 cho tới tháng 12. Tới lúc này, cuộc bầu cử đã kết thúc. Cả Steele và Simpson không còn được trả tiền nữa, nhưng họ vẫn không dừng lại.

Thực hư trong tài liệu của Steele

Tài liệu của Steele mô tả hai hoạt động khác nhau của phía Nga.

Thứ nhất là nỗ lực kéo dài nhiều năm nhằm gây ảnh hưởng với ông Trump, có lẽ bởi ông ta có quan hệ với nhiều quan chức Nga. Theo tài liệu này, Nga được cho là đã dùng nhiều chiến thuật: Từ thu thập "kompromat" (thông tin bất lợi) như đoạn video nhạy cảm của Trump ở khách sạn Ritz Carton, cho tới những đề xuất làm ăn béo bở.

Có lẽ mục tiêu không phải nhằm biến Trump thành "tay chân" mà là "nguồn tin", cung cấp tin tức cho những nhân vật Nga mà ông ta thân thiết. Nhưng nếu người Nga muốn "bẫy" Trump bằng các mối làm ăn thì họ có vẻ không thành công lắm.

Nhân vật nào đằng sau cuộc khủng hoảng khiến Trump lao đao trước ngày nhậm chức? - Ảnh 2.Một đoạn trong tài liệu của Steele.

Trump từng nói, ông không có tài sản gì đáng kể ở Nga mặc dù một trong số các con trai của ông đã tuyên bố tại một hội thảo bất động sản năm 2008 rằng "rất nhiều tiền" từ Nga đang "đổ về".

Hoạt động thứ hai được nhắc tới gần đây. Đó là một loạt các mối liên lạc (của Nga) với đại diện của Trump trong cuộc tranh cử, một phần để bàn luận về cuộc tấn công mạng nhằm vào DNC và người đứng đầu ban vận động của bà Clinton, John D. Podesta.

Theo nguồn tin của Steele, trong đó có cả cuộc gặp ở Prague giữa luật sư của Trump Michael Cohen và Oleg Solodukhin, quan chức Nga làm việc cho Rossotrudnichestvo, một tổ chức xúc tiến lợi ích của Nga ở nước ngoài.

Christopher Steele vốn có tiếng tăm trong giới tình báo Anh và Mỹ. Trước đây, ông còn từng hợp tác với FBI để điều tra vụ hối lộ tai tiếng của FIFA. Các đồng nghiệp khẳng định, Steele hoàn toàn ý thức được nguy cơ nhận thông tin giả từ Nga.

Tuy nhiên, rất nhiều thông tin trong bản báo cáo dài 35 trang khó có thể kiểm chứng. Những thông tin có thể kiểm tra được thì lại có vấn đề. Ví dụ như cuộc gặp tại Prague của luật sư Cohen. Ngay khi tin tức lan truyền, ông Cohen đã lên Twitter tuyên bố rằng mình chưa từng tới Prague. Ông Solodukhin, được cho là người đã tiếp xúc với Cohen, cũng phủ nhận cuộc gặp này.

Thực ra, không phải đến tận bây giờ tài liệu của Steele mới được biết tới. Rick Wilson, một người làm việc trong đội ngũ tranh cử của ứng viên Cộng hòa Marco Rubio cho biết, ông đã hay tin từ hồi tháng 7, khi phóng viên điều tra của một hãng thông tấn lớn gọi cho ông để khai thác thông tin.

Một phần của tài liệu cũng đến tay FBI và thậm chí cả tình báo Anh. Lúc đó, Steele quá lo ngại trước những gì ông nghe được về Trump và nghĩ rằng không nên để thông tin này lọt vào tay những người đang tranh cử.

Phóng viên của các tờ báo cũng nắm được số tài liệu này, nhưng họ không tiết lộ bởi thông tin chưa được xác thực. Mọi chuyện chỉ được phanh phui vào tuần này, sau khi CIA, FBI và NSA nhắc tới tài liệu của Steele trong báo cáo về khả năng Nga tấn công mạng nhằm vào bầu cử Mỹ.

Giờ đây, sau cuộc bầu cử nhiều bất ngờ, người Mỹ lại rơi vào cảnh chia rẽ và hoang mang về Tổng thống sắp tới của mình. Và có vẻ những thông tin không mấy tích cực về Donald Trump sẽ được làm sáng tỏ trong một sớm, một chiều.

Theo Thi Anh - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X