Hotline 24/7
08983-08983

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: “Chúng ta không đòi mà phải thu hồi lại Hoàng Sa”

40 năm sau khi Trung Quốc tiến hành hải chiến xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy mạnh mẽ lên tiếng: “Phải có kế hoạch “thu hồi lại Hoàng Sa”.

Đánh giá hành động "im lặng" của Việt Nam dân chủ cộng hòa trước sự kiện Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa ngày 19/1/1974 là "khôn ngoan" bởi hoàn cảnh lịch sử khi đó không thể khác, khi đất nước chưa thống nhất và những người lãnh đạo của Việt Nam buộc phải lựa chọn phương án tốt nhất, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy đưa thêm thông tin: "Trung Quốc nói rằng họ tiếc khi không chiếm luôn Trường Sa khi tấn công Việt Nam vào đầu năm 1979 trong các tài liệu của mình".


Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) - nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974


Người dân có quyền được biết thông tin về Hoàng Sa, Trường Sa

Như ông vừa nói, khi đó đường viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam giải phóng đất nước buộc phải đi qua Trung Quốc nên lãnh đạo của Việt Nam đã chọn đại cục. Tại sao cho đến tận bây giờ sau 40 năm, cuộc xâm lược này mới được nhìn nhận một cách thẳng thắn và còn rất nhiều người Việt Nam chưa hề biết việc Hoàng Sa và một phần Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng, thưa ông?

Tháng 10.2013 Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức một cuộc họp tuyên truyền về biển đảo và mời tôi đến nói về Hoàng Sa, Trường Sa và những sự kiện có liên quan đến Trung Quốc.

Tôi thấy rằng, câu chuyện về Hoàng Sa cũng như cuộc chiến tranh biên giới sẽ sớm được công khai cho người dân. Hiện nay, báo chí cũng đang nhắc đến những sự kiện này.

Chúng ta cũng không nên quá nôn nóng vì có những việc nôn nóng cũng không được.

Sau khi chiếm Hoàng Sa, tham vọng trên biển của Trung Quốc vẫn chưa dừng lại. Bằng chứng là năm 1988, họ tiếp tục chiếm Gạc Ma và một số đảo ở Trường Sa. Thời gian gần đây, họ liên tục gây hấn như cắt cáp tàu thăm dò của ta, ức hiếp như dân của ta trên biển. Những hành động này hoàn toàn đi ngược lại với các công ước quốc tế và những thỏa thuận song phương đã ký kết. Ông có nghĩ rằng đây là thời điểm mà Việt Nam cần phải lên tiếng rõ ràng?

Tôi không có nhiều thông tin nhưng tôi tin rằng, những người lãnh đạo của Việt Nam hiểu rõ tình hình và sẽ có quyết sách đúng đắn.

Hiện tại tôi thấy chúng ta bắt đầu công khai đấy chứ. Những cái Minh Triết được tổ chức, báo chí chính thống bắt đầu nói. Tới đây 17.2 chúng ta cũng sẽ nói cả về chiến tranh biên giới 1979. Theo tôi tuy là chậm nhưng còn hơn là không dù không dễ dàng. Tôi cũng cho là chậm bởi tôi đã nói những việc này từ năm 2009 rồi nhưng tôi vẫn thấy rằng đây không phải là việc dễ dàng.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy

Năm nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin cụ thể cho người dân. Một động thái chính thức từ phía Nhà nước với những người lính đã hy sinh trong trận hải chiến này là một việc nên làm và cũng sẽ củng cố thêm cơ sở pháp lý của Việt Nam với chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa chứ, thưa ông?

Tôi đã đề xuất vấn đề này từ năm 2002. Đó là thực tế lịch sử và chúng ta không thể phủ nhận sự hy sinh của họ trong khi bảo vệ đất thiêng của cha ông để lại. Đây là việc đúng đắn nên làm nhưng chúng ta phải tiến hành dần dần.

Chuyện thu hồi lại Hoàng Sa cũng là chuyện lâu dài, không phải là chuyện một sớm một chiều. Cái yếu nhất của chúng ta hiện nay là giáo dục cho người dân, nhất là giáo dục cho trẻ em.

Mới đây, một NXB có một cuốn sách bằng tranh về Trường Sa, Hoàng Sa dành cho trẻ em. Tiếc là cuốn sách này quá khó đối với trẻ. Ngay như tôi bây giờ khi cần thông tin về các đảo trên hai quần đảo này vẫn phải tra cứu thì làm sao trẻ em có thể tiếp thu được Trường Sa, Hoàng Sa có những đảo nào.

Trước đây, chúng tôi học về Bà Trưng có những câu ca rất dễ thuộc như "Bà Trưng quê ở Châu Phong/Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên…" hay "Làng Phù Đổng có một người/Sinh ra chẳng nói chẳng cười trơ trơ…" khi nói về Thánh Gióng. Theo tôi, dạy lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa cho trẻ em cũng phải dễ nhớ, dễ thuộc như thế.

Không đòi mà phải thu hồi lại Hoàng Sa

Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - các bằng chứng lịch sử, pháp lý đã chứng minh chân lý đó. Việc đòi lại Hoàng Sa cũng không thể không tiến hành. Theo ý kiến của ông, nếu căn cứ vào luật pháp quốc tế, chúng ta có cơ sở để đòi không và phải tiến hành việc này như thế nào ?

Với Hoàng Sa, chúng ta không đòi mà phải là thu hồi lại bằng mọi cách thức khi có điều kiện. Phải giáo dục, tuyên truyền cho các thế hệ người Việt Nam hiểu được tinh thần đó. Đời này chưa được thì đời sau phải tiến hành và phải hiểu rõ ràng rành mạch, cái gì là của chúng ta thì phải trả lại cho chúng ta.

Tôi được biết hiện nay Trung Quốc có hơn 100 tiến sĩ, hơn 400 thạc sĩ nghiên cứu về biển Đông trong khi lực lượng này ở Việt Nam lại rất mỏng và yếu?

Họ đông, nhưng cái họ thua ta đấy là họ đuối lý. Tại Hội nghị quốc tế biển Đông tổ chức tháng 11.2013 tại Hà Nội, tôi hỏi các học giả Trung Quốc rằng yêu sách của họ đòi 80% biển Đông là vô lý, nếu ai không đồng ý có thể phản bác nhưng không ai dám nói.

Nhưng cũng phải khẳng định, về mặt tổ chức họ làm tốt hơn ta rất nhiều. Việc nghiên cứu của chúng ta hiện nay quá tản mác nên không tập trung được trí lực và tài lực. Tôi cho rằng cần phải hệ thống lại, hàng tháng ngồi lại với nhau để thảo luận, phân tích về tình hình và các vấn đề đang xảy ra ở biển Đông.

Đó có phải lý do họ rất sợ quốc tế hóa vấn đề biển Đông không, thưa ông ?

Trung Quốc bắt đầu chiếm 1 nửa Hoàng Sa từ Pháp tháng 1.1956. Tháng 1.1974, họ chiếm toàn bộ Hoàng Sa. Năm 1988 họ chiếm tiếp một số đảo trên quần đảo Trường Sa. Còn chúng ta đã có một lịch sử lâu dài, có ngọn hải đăng và đài khí tượng ở các quần đảo này rồi.

Theo ông, một cộng đồng ASEAN thống nhất vào năm 2015 như dự kiến có tác dụng giúp cho ASEAN gắn bó hơn khi ứng xử với Trung Quốc trên biển Đông không ?

Tôi mừng là ASEAN ngày càng đoàn kết hơn. Hôm nay tôi nghe tin Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh họp Hội nghị Bộ trưởng ở Myanmar có thảo luận về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc. Việc thống nhất ASEAN là việc không dễ, nhưng khi các nước đã nhìn thấy lợi ích chung trong đó có biển Đông, lấy đó làm mục tiêu để giúp nhau cùng lớn mạnh.

Cảm ơn ông!

AloBacsi.vn
Theo Tuấn Ngọc - Một thế giới

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X