Hotline 24/7
08983-08983

Nguy hại từ viêm gan siêu vi

Bệnh viêm gan siêu vi (VGSV) là bệnh truyền nhiễm thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh khá cao, mức độ lây truyền mạnh và đường lây tương đối phức tạp.

Đặc biệt VGSV B và VGSV C là hai tác nhân chính gây viêm gan mạn tính, nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan cao. Với phụ nữ, bệnh VGSV không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, mà còn có thể truyền bệnh sang con.

Trẻ sơ sinh có thể bị lây nhiễm VGSV từ mẹ?

Bệnh VGSV được chia ra năm loại: VGSV A, B, C, D và E, trong đó thường gặp nhất là VGSV A, B, C và E. Siêu vi A và E lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hóa do thức ăn và nước uống bị hoại nhiễm. Hiện chưa có bằng chứng bệnh VGSV A có khả năng gây viêm gan bẩm sinh, cũng chưa ghi nhận lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh VGSV A không diễn tiến mạn tính nên không để lại hậu quả đáng kể. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh VGSV E đều không diễn tiến mạn tính, trừ khi bệnh nhân là người bị suy giảm miễn dịch, hoặc có dùng hóa trị ung thư. Điều đáng nói là phụ nữ mang thai bị bệnh VGSV E có thể bị viêm gan tối cấp với tỷ lệ tử vong lên đến 25%. VGSV B và C lây truyền qua ba đường: máu, tình dục và mẹ truyềncho con.

Ở vùng lưu hành cao của bệnh VGSV B với tỷ lệ mang mầm bệnh hơn 8% dân số như nước ta thì con đường lây truyền từ mẹ sang con là quan trọng. Theo đó, người mẹ mang mầm bệnh mạn tính lây sang con chủ yếu vào ba tháng cuối của thai kỳ. Ước tính có gần 50% người bệnh mạn tính bị lây nhiễm từ thời kỳ chu sinh, gần 10% bị lây nhiễm vào thời kỳ bào thai và số còn lại lây nhiễm vào lúc sinh do tiếp xúc với máu của mẹ. Nhiều trẻ sơ sinh không bị lây nhiễm từ mẹ vào thời kỳ chu sinh nhưng lại bị lây nhiễm vào những tháng đầu đời. Mầm bệnh hiện diện trong sữa mẹ có thể là nguồn lây cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, thói quen nhai cơm đút cho con cũng là nguồn lây từ mẹ sang con. Tuy nhiên, vấn đề này còn nhiều tranh luận.

Ảnh mang tính minh họa

Ảnh mang tính minh họa

Trong một phân tích gộp từ 10 nghiên cứu khác nhau với 751 trẻ bú mẹ và 873 trẻ không bú mẹ của Zongjie Shi và cộng sự cho thấy, bú mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm siêu vi B từ mẹ sang con. Tuy nhiên, những kiểu tiếp xúc thân mật giữa mẹ và con cũng là yếu tố thuận lợi cho việc lây nhiễm tăng cao. Đối với những bà mẹ bị VGSV C, nguy cơ lây nhiễm cho con vào khoảng 1,7%, tỷ lệ lây nhiễm giữa mẹ và con gia tăng đến 19,4% nếu mẹ nhiễm cùng lúc HIV và VGSV C.

VGSV B và C được đánh giá là bệnh nguy hiểm. Bệnh tiến triển âm thầm và không biểu hiện ra bên ngoài để nhận biết. Biểu hiện lâm sàng của VGSV cấp có thể nhẹ, không vàng da-mắt, cũng có thể trầm trọng với vàng da-mắt. Điển hình là nhức đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ói, sốt nhẹ (3705-390C), đôi khi có lạnh run vào thời gian đầu…

Bệnh VGSV A thường chỉ gây sưng gan cấp tính chứ không tạo nên những biến chứng lâu dài như xơ gan, chai gan, hoặc ung thư gan. Riêng VGSV B và C được xem là những “sát thủ thầm lặng”, bởi phần lớn người bị bệnh vẫn khỏe mạnh, bệnh cấp tính không có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài, số còn lại có những triệu chứng không giống nhau nên người bệnh thường chủ quan không theo dõi bệnh thường xuyên. Để hạn chế tối đa bệnh chuyển sang giai đoạn muộn, biến chứng, cách tốt nhất nên chủ động tầm soát bệnh bằng các xét nghiệm y khoa.

Phụ nữ mắc bệnh VGSV cần lưu ý

Bệnh VGSV A cấp tính thường tự khỏi, không để lại hậu quả nghiêm trọng, không cần một điều trị đặc biệt và tốn kém. Khoảng 2% số trường hợp diễn biến nặng, có thể dẫn đến suy gan, tử vong. Cần lưu ý, phụ nữ mang thai bị VGSV E có nhiều nguy cơ tử vong. Viêm gan siêu vi B và C có thể gây xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, không phải ai bị VGSV B và C cũng sẽ chuyển sang xơ gan hay ung thư nếu như được điều trị đúng cách, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thích hợp.

Bệnh VGSV B đã có thuốc chủng ngừa hiệu quả. Việc điều trị VGSV chỉ ức chế lâu dài siêu vi, giảm tối đa biến chứng chứ chưa thể điều trị dứt điểm hoàn toàn. Trong khi đó, bệnh VGSV C chưa có thuốc chủng ngừa, nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng thuốc và đúng cách vẫn có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tỷ lệ điều trị thành công bệnh VGSV C phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh. Nếu phát hiện sớm, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Nhưng nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn biến chứng, việc điều trị sẽ tương đối phức tạp, tốn kém và một vài trường hợp có thể không thành công.

Điều trị bệnh VGSV B và C là cần thiết. Người phụ nữ mắc bệnh, nếu được điều trị, có thể giảm được mức độ lây nhiễm cho chồng con, hạn chế được hậu quả cho bản thân. Phụ nữ mang thai bị VGSV B cần được theo dõi để có kế hoạch điều trị thích hợp: giảm lây nhiễm cho con, đảm bảo kết quả điều trị.

AloBacsi.vn
 Theo BS Nguyễn Hữu Chí - Phụ nữ TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X