Hotline 24/7
08983-08983

Người Triều Tiên thích mua gấu bông, xem phim Hàn Quốc

Thẻ nhớ và gấu bông là hai trong số những mặt hàng người Triều Tiên thường mua về quê làm kỷ niệm ở Đan Đông, thành phố biên giới Trung - Triều.

nguoi-trieu-tien-thich-mua-gau-bong-xem-phim-han-quoc

Gấu bông, món đồ chơi người Triều Tiên thường mua làm kỷ niệm khi kết thúc hợp đồng lao động ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Người Triều Tiên là khách sộp đối với nhiều chủ cửa hàng bán thẻ nhớ ở Đan Đông. Họ thường mua rất nhiều thẻ nhớ về Triều Tiên, cho dù việc đó có thể khiến họ gặp rắc rối, theo Reuters.

"Chúng tôi giúp họ sao chép mọi thứ vào thẻ microSD", Yao, một chủ cửa hàng bán máy ảnh cho biết. Cửa hàng của anh ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, thành phố sát biên giới Triều Tiên.

"Họ thường muốn ghi vào thẻ nhớ các bộ phim truyền hình Hàn Quốc", anh nói, kéo cửa tủ trưng bày hàng loạt thẻ nhớ kích thước chỉ bằng móng tay, loại cắm trực tiếp vào đầu DVD và máy tính.

Chính quyền Triều Tiên kiểm soát rất chặt luồng thông tin ra vào nước. Đa số người dân không được truy cập Internet hoặc truyền thông nước ngoài hay chia sẻ thông tin bí mật qua ổ cắm USB. Vì thế, thẻ nhớ microSD đang ngày một phổ biến. 

"Mang USB qua biên giới khó hơn, hải quan sẽ kiểm tra nội dung bên trong. Thẻ nhớ microSD thì khác, nó nhỏ hơn, dễ qua hơn", Yao nói. 

Vì kích thước nhỏ, thẻ có thể khâu lẫn trong quần áo hoặc giấu trong sách, thậm chí cắm trực tiếp vào "Notel", một thiết bị rất phổ biến tại Triều Tiên có thể xem phim từ USB và thẻ nhớ.

"Thẻ microSD khiến việc buôn lậu các thông tin kỹ thuật số nước ngoài từ Trung Quốc vào Triều Tiên dễ hơn, an toàn hơn", Sokeel Park, đại diện tổ chức Tự do Triều Tiên (LiNK), một tổ chức giúp đỡ người vượt biên Triều Tiên, cho biết.

"Khi vào được Triều Tiên, nó sẽ được sao chép ra nhiều USB và thẻ nhớ khác, gây khó khăn cho các nhà chức trách trong việc ngăn chặn", Park nói. Truyền thông nước ngoài "đang dần phổ biến và ảnh hưởng tới gu thời trang, chuyện yêu đương và giới trẻ Triều Tiên".

Gấu bông

Trên con phố toàn là cửa hàng bán đồ điện tử, cửa hàng bán thú nhồi bông và búp bê của Qian Jiang trông thật nổi bật. 

"Trước đây họ không mua gấu bông. Phụ nữ trẻ tuổi đi thành nhóm tới chỉ đứng nhìn, nhưng vài năm gần đây có sự thay đổi", Qian nói, đứng giữa cửa hàng bán toàn gấu bông nằm trong một trung tâm thương mại nổi tiếng ở Đan Đông, nơi người Triều Tiên thường đến mua sắm.

"Tôi cho là bây giờ họ được phép mang gấu bông về nước. Đó có lẽ là món đồ chơi đầu tiên họ từng có".

nguoi-trieu-tien-thich-mua-gau-bong-xem-phim-han-quoc-1

Qian đứng giữa của hàng bán toàn thú nhồi bông. Ảnh: Reuters

Mặc dù không có số liệu chính thức về người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, nhưng theo ước tính của Viện Thống nhất Hàn Quốc, con số này vào khoảng 150.000, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc. Họ đi lao động và gửi tiền lương về nước, khoảng 900 triệu USD một năm.

Số người lao động Triều Tiên tới Trung Quốc trong vài tháng nay có vẻ ít đi, theo quan sát của Qian. Người Triều Tiên tới mua hàng ít hơn trước.

Lương tháng của họ khoảng 2.000 tệ (295 USD), Qian cho biết, nhưng họ chỉ giữ lại khoảng 400-500 tệ cho bản thân, phần còn lại gửi về nước.

Mỗi khi sắp hết hợp đồng làm việc ba năm tại Trung Quốc, các cô gái trẻ thường bỏ tiền túi mua một món đồ chơi, thường là gấu bông, đem về nước làm quà lưu niệm.

"Họ không thích búp bê tóc vàng vì cho rằng đó là búp bê Mỹ, họ không thích người Mỹ", Qian nói. "Họ luôn hỏi mua búp bê tóc đen nhưng chúng tôi không có loại đó. Chúng tôi chỉ có búp bê tóc vàng".

Theo Hồng Hạnh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X