Hotline 24/7
08983-08983

Người thành thị lại thiếu iốt trầm trọng

Thiếu iốt có nguy cơ tái diễn, nhất là ở thành phố và vùng đồng bằng. TP.HCM chỉ có 1 xã đạt tiêu chuẩn bao phủ muối iốt.

Nếu như năm 2005, độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của Hà Nội lên đến gần 100%, thì sau 3-4 năm chỉ còn gần 30%.
 
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Phong, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết, năm 2005 Việt Nam tuyên bố thanh toán xong các chứng rối loạn do thiếu iốt. Thế nhưng đến nay, theo thống kê toàn quốc chỉ có khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là đạt tiêu chuẩn thanh toán chứng rối loạn thiếu iốt còn các vùng còn lại đều không đạt.

"Trong 90 xã được điều tra thì chưa đến 1/3 độ bao phủ muối iốt tối thiểu đạt 90%, đặc biệt ở TP.HCM chỉ có 1 xã đạt tiêu chuẩn này. Đây chính thức là điểm báo động cho tình hình thiếu hụt iốt", tiến sĩ Phong nói.
Một ca mổ nội soi bướu cổ do thiếu iốt - Ảnh: H.P.

Theo tiến sĩ, tình trạng thiếu iốt có thể ví như như một tảng băng, phần nổi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ: 5-10% là đần độn, còn 20-30% là bệnh bướu cổ. Trong đó phần còn lại không nhìn thấy được là những trường hợp bị thiếu năng lượng, giảm khả năng lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Từ năm 2005 không còn dự án phòng chống các rối loạn do thiếu iốt nên các hoạt động khác đi vào chương trình định kỳ. Kinh phí bị cắt giảm nghiêm trọng, lượng KIO3 mua được để sản xuất muối iốt chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, còn các hóa chất để kiểm tra nồng độ iốt trong muối thì rất dè sẻn.

Một số tỉnh như Nam Định, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ - rốn thiếu iốt của toàn quốc - các hoạt động gần như bỏ ngỏ vì hầu như không có kinh phí hoạt động.

Nhóm chịu ảnh hưởng nguy hại nhất chính là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và trẻ em. Theo thống kê có đến gần 78% phụ nữ mang thai bị thiếu iốt, trong đó hơn 44% thiếu từ trung bình đến nặng.

Iốt là một vi chất dinh dưỡng, chỉ cần lượng rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng. Cơ thể sử dụng nó để tổng hợp hoóc môn tuyến giáp, rất cần cho sự phát triển của bào thai và trẻ em. Sự hư hại thần kinh ở bào thai và trẻ nhỏ do thiếu iốt nặng và kéo dài là hậu quả không thể sửa chữa được, tiến sĩ Phong cho biết.

Ở những phụ nữ mang thai, nó có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, đẻ non... Với thanh niên, người lớn tác hại của nó có thể là bướu cổ, hư hại chức năng thần kinh, tâm thần...

Trong khi đó, biểu hiện của tình trạng thiếu hụt iốt có thể đơn giản chỉ là cảm giác người mệt mỏi, lờ đờ nên nhiều khi nhiều người không để ý. Vì thế, người dân cần sử dụng muối iốt trong bữa ăn hằng ngày.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phong cũng cần phải lưu ý xem các chế phẩm có iốt hằng ngày đang dùng đã cung cấp đủ lượng iốt cần thiết chưa. Lý do là, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm có iốt của người dân Hà Nội tương đối cao (gần 82%), nhưng độ bao phủ muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh lại rất thấp 25,6%.
 
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý, nhu cầu sử dụng iốt của mỗi nhóm khác nhau. Trẻ và phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú cần lượng vi chất này nhiều hơn cả.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X