Hotline 24/7
08983-08983

Người H'mông kéo dâu rất nhân văn, chứ không cướp vợ đến "tụt cả váy"

Nhà văn Mã A Lềnh cho rằng, những hành vi cướp vợ, bắt vợ khi cô gái không đồng ý hoặc dưới độ tuổi thành niên là trái luật pháp, đáng bị lên án, phải bị xử nghiêm.

Tệ nạn bức xúc

Hình ảnh một cô gái đang học lớp 9 van khóc, lăn lộn dưới đất hay một cô gái khác bị bắt vợ đến "tụt cả váy" xảy ra ngay tại chợ trung tâm thị trấn được chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng đã khiến nhiều người bất bình.

Trao đổi với chúng tôi, nhà văn, nhà nghiên cứu Mã A Lềnh (người dân tộc Mông, hiện đang sinh sống tại Lào Cai, người chứng kiến, nghiên cứu rất nhiều về tục kéo vợ) đã bày tỏ sự đau lòng khi phải chứng kiến những cảnh cướp vợ, bắt vợ phản cảm diễn ra trong thời gian qua.

"Chuyện bắt vợ, cướp vợ ở một số vùng người Mông cũng nằm chung với tình trạng các tệ nạn nảy lòi vào dịp đầu năm thời gian gần đây của xã hội chúng ta và mỗi khi chứng kiến, cá nhân tôi luôn cảm thấy rất đau lòng", nhà văn A Lềnh chia sẻ.

Theo nhà văn, câu chuyện cướp vợ không phải bây giờ mới xảy ra mà thời chế độ phong kiến, nhiều bậc trưởng giả thường cướp con gái đẹp về làm nô lệ, tỳ thiếp.

"Người Mông hầu như không có hiện tượng bắt con gái về làm nô lệ, tỳ thiếp, nhưng cũng nảy sinh chuyện cướp vợ trong đời sống của thường dân", ông nói.

Ông cũng nêu rõ, những hành vi cướp vợ, bắt vợ khi cô gái không đồng ý hoặc dưới độ tuổi thành niên là trái luật pháp.

Người Hmông kéo dâu rất nhân văn, chứ không cướp vợ đến tụt cả váy - Ảnh 1.Ảnh bắt vợ xảy ra ở Phù Yên. Ảnh cắt từ clip.

"Đây đều là những hành vi vi phạm, đáng bị lên án và phải bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. Thêm vào đó, người Hmông vốn có lệ xử các trường hợp trái với luân thường đạo lý nên hãy xử theo lệ trước khi xử theo pháp luật.

Một điều tôi cũng muốn đặt câu hỏi là các cấp chính quyền, đoàn thể ở đâu mà vẫn để xảy ra những cảnh bắt, cướp vợ phản cảm", ông Lềnh nêu.

Thủ tục ban đầu của cuộc hôn nhân

Theo nhà văn Mã A Lềnh, tục kéo vợ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông có nguyên nhân từ việc sinh sống trên những triền non cao cách biệt nhau, mỗi năm chỉ gặp nhau đôi lần tại ngày hội hay ngày chợ.

Đồng thời với chiến tranh liên miên, lại thêm người Hmông có lời nguyền truyền đời "người cùng một họ là anh em, không lấy được nhau".

"Và xưa kia những cô gái đẹp, nết na luôn bị thế lực khác tộc cướp về làm thê thiếp, làm nô lệ hòng đồng hóa, triệt tiêu nên các tộc người thiểu số, ngoài việc dẫn dâu, còn nảy sinh tục lệ kéo vợ để bảo toàn nòi giống, cũng là bảo toàn văn hóa.

Người Hmông kéo dâu rất nhân văn, chứ không cướp vợ đến tụt cả váy - Ảnh 2.Nhà văn Mã A Lềnh. Ảnh: Phunutoday

Kéo vợ, có nghĩa là đôi uyên ương đã thật sự hiểu nhau, yêu nhau và nguyện sống với nhau trọn đời nhưng cô gái không thể tự dưng về nhà người mình yêu, nên "kéo" là thủ tục đầu tiên của việc gây dựng gia đình", nhà văn cho hay.

Cụ thể, đôi tình nhân hẹn nhau một thời điểm, một địa điểm thích hợp ở ngoài ngôi nhà mình, vì không thể xông vào tận trong nhà để kéo. Cô gái có thể đang giả vờ sửa máng nước lần, đang hái rau dại cho lợn hoặc đang ở trên nương.

"Người con trai rủ thêm vài bạn, trong đó có một phụ nữ đứng tuổi là bà cô hay bà dì hoặc một người khác thay thế. Đến điểm hẹn, anh con trai cầm tay cô gái, người phụ nữ đứng tuổi tiếp sức, kéo cô con gái đi ba bước. Thế là cuộc kéo dâu đã thành", ông chia sẻ.

Ông Lềnh cũng nhấn mạnh, kéo vợ là hành động đầy tính nhân văn, vì hơn hết đó là sự tôn trọng phẩm giá và là một bước ngoặt lớn trong đời người con gái, bởi từ lúc này cô phải từ giã mẹ cha sinh, từ giã ngôi nhà thân thương của mình để bắt đầu một cuộc sống mới.

Kể thêm về một kỷ niệm, nhà văn Mã A Lềnh cho hay, thời niên thiếu, ông đã từng đi theo bạn đi kéo vợ và hai người đó đều đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Theo ông, khi đến nơi hẹn, cô gái từ trong nhà đi ra, người bạn ông cầm tay cô gái, đồng thời bà cô đứng ra phía sau để chắn lối. Nhưng bất ngờ, cô gái bỗng dưng trở tính, kêu la, chửi bới, giãy giụa.

"Thấy vậy, bạn tôi liền hô mọi người hủy bỏ, rồi nói lời từ biệt cô gái. Sau này anh nhận được lời nhắn, đại thể: "Em giả vờ thế thôi mà anh bỏ em thật. Em đã sai lầm không thể cứu vãn được!".

Như vậy, việc "kéo vợ hay cướp vợ" diễn ra trong nhiều tâm trạng. Trừ việc cô gái còn nhỏ tuổi và những cô gái đã đi học xa hoặc theo đường công tác nhà nước, còn các cô gái ở làng thôn khép kín cho dù ngày nay đã có học đôi ba chữ, ít trường hợp tự về nhà chồng, vì họ cho đó là hành vi trâng tráo.

Vì vậy, với người Hmông, hãy hiểu kéo chỉ là thủ tục ban đầu của một cuộc hôn nhân mà thôi", ông nói thêm.

Theo Hoàng Đan - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X