Hotline 24/7
08983-08983

Người đầu tiên được ghép gan xuyên Việt giờ ra sao?

Lá gan hiện tại trong cơ thể anh Hải được vận chuyển bằng máy bay dân dụng gần 2.000 km ra Hà Nội cho ca phẫu thuật được ghi vào Kỷ lục Việt Nam.

Gặp anh Trần Văn Hải (ở 40 Phố Quốc Tử Giám, Hà Nội) sau 5 tháng ca ghép gan xuyên Việt lịch sử, anh cho biết mình là một người may mắn khi được hồi sinh sau ca ghép.

Anh Hải đã chia sẻ: “Trưa 4/9, như thường lệ, tôi về nhà ăn cơm trưa. Đang trên đường về, tôi thì nhận được điện thoại từ bệnh viện về việc có người cho chết não hiến gan. Họ hỏi tôi có đồng ý ghép gan ngay hay không. Không chần chừ, tôi về nhà cất xe sau đó, bắt ngay xe ôm tới BV Việt Đức”.

Anh Hải có tiền sử viêm gan B, sau đó chuyển sang xơ gan, gần đây có xuất hiện các u và đang ở giai đoạn đầu của ung thư gan. Trước đó, anh đã phải điều trị suốt 14 - 15 năm song bệnh tình không đỡ.

Tại BV Hữu nghị Việt Đức, anh Hải được chỉ định ghép gan và chờ đợi suốt gần một năm từ nguồn hiến tạng bởi vợ anh dù có nguyện vọng hiến gan cho chồng mình nhưng chỉ số không phù hợp.

Do đó, ngay khi nhận được điện thoại, anh Hải không ngần ngại đi vào viện để được tiến hành kiểm tra tổng thể.

Lúc này, trong người anh thậm chí còn không mang đủ tiền và giấy tờ. Sau khi vào viện, anh mới gọi cho vợ để cùng xoay xở.

Nhớ lại khoảnh khắc đó, anh Hải cho biết bản thân rất hồi hộp bởi nguồn tạng từ người chết não ở TPHCM đã sẵn sàng, các bác sĩ hàng đầu của Hà Nội đã bay vào lấy tạng song ở đây, anh còn cần phải thực hiện rất nhiều kiểm tra mới có thể kết luận có đủ điều kiện để ghép tạng ngay lập tức hay không.

Người đầu tiên được ghép gan xuyên Việt giờ ra sao?
Anh Hải sau ca phẫu thuật ghép gan lịch sử ngày 5/9.

May mắn, thể trạng của anh Hải lúc này đáp ứng tốt để thực hiện ca mổ dù tin vui này đến với anh hoàn toàn đột ngột. Ngay sau đó, anh chính thức bước vào ca phẫu thuật thay thế bộ gan đã hỏng của mình bằng một bộ gan của một người khỏe mạnh. Chỉ một tháng sau, anh quay trở lại công việc hàng ngày.

Hỏi về sức khỏe hiện tại của mình, anh Hải trả lời với sự tự tin: “Chỉ cần nhìn tôi là bạn có thể trả lời câu hỏi đó”. Hiện ngoài việc duy trì thuốc chống thải ghép hàng ngày, anh Hải hoàn toàn khỏe mạnh và sinh hoạt bình thường. Mọi chỉ số kiểm tra đều rất tốt.

“Tôi còn làm việc thêm mấy nhiệm kỳ để giải quyết nốt các công việc. Và tôi rất biết ơn người đã cho tôi lá gan của mình để tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay”, anh Hải cho hay.

Nói về ca ghép gan cho bệnh nhân Hải, GS Trịnh Hồng Sơn - giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, người trực tiếp vận chuyển tạng và ghép gan cho biết, bệnh nhân bị xơ gan và có u gan. Trong ca ghép, huyết áp của anh có lúc bị tụt thấp. Các bác sĩ gây mê đã phối hợp cực tốt để cải thiện tình trạng này.

Người đầu tiên được ghép gan xuyên Việt giờ ra sao?
Hiện tại anh Hải hoàn toàn khỏe mạnh. Ảnh: HQ.

Theo GS Sơn, thời gian sống của bệnh nhân ghép gan khi bị u gan là rất lâu. Ca đầu tiên ghép gan bị u gan từ năm 2007, tới nay bệnh nhân vẫn sống bình thường.

Trong y học quy định, nếu bệnh nhân có một u gan dưới 5 cm thì phải cắt và nếu có 3 u gan dưới 6,5 cm thì phải ghép. Nếu cắt thì một thời gian sau, khối u sẽ xuất hiện trở lại. Khi ghép là cắt bỏ gan cũ và ghép gan mới và như vậy khả năng tái phát của u gan rất thấp. Nếu có tái phát là do tế bào ung thư đã di căn.

Trước đó, ngày 4 và 5/9, BV Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức thực hiện cuộc vận chuyển tim và gan của người hiến gần 2000 km từ TPHCM ra Hà Nội bằng máy bay dân dụng để ghép cho 2 bệnh nhân. Anh Hải là một trong 2 bệnh nhân này.

Đây là ca ghép tạng đặc biệt có hành trình vận chuyển tạng dài nhất từ trước tới nay của Việt Nam và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm ghép tạng, giữa hơn 60 chuyên gia của BV Hữu nghị Việt Đức cùng hơn 50 bác sĩ của BV Chợ Rẫy.

Sau sự kiện này, ngày 12/1/2016, Hội đồng xác nhận Kỷ lục Việt Nam đã chính thức trao cho Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia kỷ lục: Sự kiện có nhiều người nhất cùng tình nguyện đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể, người phục vụ y học sau khi chết, chết não.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng, thành công của hai ca ghép tạng này một lần nữa khẳng định, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm vào năng lực của các bác sĩ trong nước mà không cần phải ra nước ngoài để ghép tạng.

Theo Hà Quyên - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X