Hotline 24/7
08983-08983

Người đàn ông tình nguyện bảo vệ đàn voọc quý trên núi đá

Gắn bó và chăm sóc đàn voọc trên núi đá cạnh nhà, ông Nguyễn Thanh Tú (trú xã Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) được mọi người gọi thân mật là Tú voọc.

Xã Thạch Hóa nằm ở phía tây Quảng Bình, địa hình chủ yếu là núi đá vôi, cây cối um tùm. Những rẻo đất bằng phẳng, ít ỏi dưới chân núi được mọi người dựng nhà, vỡ đất canh tác.

Hàng chục năm trước, người dân biết trên núi đá có bầy voọc hàng chục con và lầm tưởng là vượn. “Mọi người hay gọi là vượn. Mỗi lần tôi ra vườn trồng rau là chúng xuống như muốn nói chuyện. Nhiều lần thành quen, có con mạnh dạn quấn lấy chân”, cụ ông Nguyễn Văn Đông (80 tuổi) kể về bầy voọc.

Dù dạn dĩ nhưng những chú voọc chưa bao giờ phá hoại hoa màu, ngô, khoai, hay sắn… của bà con. Nhờ đó mà con người và voọc sống hòa thuận. Tình yêu voọc của cụ Đông lâu ngày truyền vào người con trai Nguyễn Thanh Tú.

nguoi-dan-ong-tinh-nguyen-bao-ve-dan-vooc-quy-tren-nui-da

Ông Tú trong một lần đi quan sát, bảo vệ đàn voọc. Ảnh: Hoàng Táo

Vốn là chiến sĩ biên phòng, ông Tú (55 tuổi) nghỉ chế độ về quê nhà sinh sống. Gần 4 năm trước, một lần tình cờ mắc võng nghỉ trưa giữa rẫy, ông Tú nhìn thấy đàn voọc trên ngọn cây.

“Khi chúng xuống gần, tôi thấy má và gáy viền trắng, có chỏm lông vuốt ngược trên đầu, đuôi dài. Chúng tỏ vẻ hoạt bát và hiền lành”, ông Tú kể về lần đầu giáp mặt đàn voọc. Từng được tập huấn để nhận biết và bảo vệ các loài linh trưởng, ông đoán chắc đây là loài quý.

Khi về nhà, ông gọi điện cho một trung tâm bảo vệ linh trưởng thì được xác nhận đây là loài voọc đen gáy trắng, hay còn gọi voọc Hà Tĩnh, là loài quý hiếm. Cũng trong năm đó, nhiều lần ông nhận được tin có người dân trong xã giết thịt voọc. “Có lần đang ăn trưa, nghe tin voọc bị săn, tôi liền bỏ dở bát cơm, chạy hộc tốc hy vọng cứu chú voọc nhưng không kịp”, ông Tú kể.

Xót xa khi thấy những chú voọc hiền lành bị săn lấy thịt, ông Tú bàn với gia đình lên kế hoạch để bảo vệ đàn voọc. Từ đó, ngày ngày ông kết hợp đi làm rẫy, băng rừng lên thăm đàn voọc. Tối đến, ông đến nhiều nhà dân sống gần núi đá để tuyên truyền, vận động cùng chung sức bảo vệ voọc quý.

“Khó nhất là việc vận động một thợ săn lành nghề trong vùng. Những lần đầu gặp mặt, anh ta nhất định không chịu từ bỏ nghề”, ông Tú kể. Tuy vậy, nhờ kiên trì, cộng với kinh nghiệm 16 năm dày dặn lính biên phòng, kết hợp những kiến thức về loài voọc có nguy cơ tuyệt chủng, đặc hữu ở vùng rừng Phong Nha nên ông cũng vận động được người này bỏ hẳn nghề xâm hại đến động vật rừng.

Người dân hay gọi ông là "Tú voọc" vì suốt ngày vác cơm lên núi tìm voọc. Chỉ cần xuất hiện ở bìa rừng là người dân liền miệng hỏi thăm ông đi thăm voọc phải không? Nhiều người thấy ông tâm huyết với loài voọc nên cũng tình nguyện bảo vệ. Đến nay có 9 người lập nên một tổ cộng đồng bảo vệ voọc. Hễ có động tĩnh ở khu vực đàn voọc sinh sống là mọi người có mặt, bất kể nắng mưa, đêm hôm.

Nhờ đó, đàn voọc hơn chục con nay phát triển lên đến cả trăm. Chỉ cần đứng ở bìa rừng, khu vực khuất bóng cây nhìn lên các vỉa đá, người dân đã có thể thấy những đàn voọc chuyền cành, chăm sóc con non.

nguoi-dan-ong-tinh-nguyen-bao-ve-dan-vooc-quy-tren-nui-da-1

Nhờ sự bảo vệ của người dân xã Thạch Hóa, đàn voọc quý ngày càng phát triển. Ảnh: Hoàng Táo

Đầu năm 2015, các nhà khoa học và ngành chức năng vào cuộc, xác minh tại đây có 10 đàn với số lượng khoảng 115 cá thể, gồm con non và trưởng thành, sinh sống trên diện tích 175 ha thuộc 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa. 

Theo các nhà khoa học, loài voọc đen gáy trắng được công bố khoa học đầu tiên vào năm 1970. 25 năm sau mới được ghi nhận và phát hiện lại ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Loài này còn có tên voọc Hà Tĩnh, là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương, với khoảng 1.500 con phân bố chủ yếu ở Phong Nha, một số ít ở vùng rừng của Lào và tỉnh Quảng Trị.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đánh giá cao vai trò của ông Tú trong bảo vệ đàn voọc quý. Kiểm lâm Quảng Bình vừa kết hợp với các nhà khoa học, chuyên gia linh trưởng trong và ngoài nước điều tra, khảo sát và hội thảo về quần thể voọc gáy trắng tại 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa để xây dựng phương án bảo tồn.

Về phía ông Tú, với những cống hiến không mệt mỏi để bảo vệ loài voọc, cuối năm 2015 ông được Thủ tướng tặng bằng khen trong công tác bảo vệ rừng.

Voọc Hà Tĩnh (có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc nhóm 1B) trên tự nhiên có khoảng 1.500 cá thể. Nghị định 32 cấm săn bắt, giết hại loài động vật quý hiếm này dưới mọi hình thức. Theo ghi nhận, ở Quảng Bình, ngoài khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng thì vùng núi đá vôi ở xã Thạch Hóa là nơi thứ 2 phát hiện có loài voọc này sinh sống.

Theo Hoàng Táo - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X