Hotline 24/7
08983-08983

Người cha hiến thận cứu con trong cơn tuyệt vọng

Không tiền bạc, hết cách, người cha nghĩ đến chuyện hiến thận để giữ mạng sống cho đứa con của mình.

Thế nhưng mọi việc khi đã đến cùng kiệt lại chẳng được như mong muốn.
 Giờ đây, sức cùng, lực kiệt, bà Quới chỉ biết cầu mong một điều nhiệm màu
Giờ đây, sức cùng, lực kiệt, bà Quới chỉ biết cầu mong một điều nhiệm màu
xảy đến với con mình trong ngày mai

Bi kịch dưới mái tranh nghèo

 

Những tưởng 17 năm tần tảo, chắt chiu, vay mượn từng đồng chỉ mong ngày đứa con trai Nguyễn Tiến Duy (23 tuổi, trú tổ 4, thôn Liễu Thạnh, xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được ăn học thành tài, nhưng cuộc đời đã không mỉm cười với em khi vừa mới nhận tấm bằng kỹ sư ra trường và có việc làm ổn định khi em đột ngột phát hiện mình mang căn bệnh hiểm nghèo - suy thận giai đoạn cuối.


Những bậc sinh thành cũng cùng chung niềm đau. Dường như câu chuyện chàng trai Nguyễn Tiến Duy nghị lực đỗ đại học đã trở thành tấm gương sáng của vùng đất cát nghèo khó này. Duy là đứa con trai mà ông Bốn tự hào và kỳ vọng nhất, vậy mà chẳng hiểu sao số phận éo le lại đổ xuống đời ông đúng lúc niềm hy vọng vừa được nhen nhóm lên.

 

Từ nhỏ, Duy không những được biết đến là cậu bé ngoan hiền, thông minh, hiếu học. Lớn lên đi học, bằng nỗ lực của bản thân, Duy đã vượt qua nghịch cảnh gia đình nghèo học giỏi. “Từ nhỏ thằng Duy là đứa biết thương ba mẹ. Hắn chưa bao giờ làm chúng tôi phải phật lòng. Những ngày học đại học hắn tằn tiện lắm. Hắn sợ ba mẹ ở nhà khổ nên đâu có dám tiêu pha gì nhiều.


Những đồng bạc quê gửi qua hắn chắp bóp lắm mới đủ sống qua ngày thời sinh viên. Hắn hy vọng ngày ra trường sẽ kiếm việc làm đỡ đần ba mẹ, ấy vậy mà…”, ông Nguyễn Bốn, cha của Duy ngậm ngùi những giọt nước mắt xót xa khi kể lại câu chuyện.

 

Là con cả trong gia đình có 3 anh em trai, Duy là niềm hy vọng của ông Nguyễn Bốn và bà Trần Thị Quới bởi siêng năng, ham học và rất chịu khó phụ giúp bố mẹ trong công việc gia đình. Niềm khấp khởi mở ra với gia đình cùng lúc với bộn bề lo toan khi Duy thi đỗ vào ĐH Công nghiệp TPHCM ngành Cơ điện tử.


Chạy vạy vay mượn khắp nơi, chắt bóp từng đồng một gửi vào cho con, cuối cùng cũng đến ngày Duy ra trường. Không phụ lòng cha mẹ, Duy đã phấn đấu không ngừng trong học tập trở thành tấm gương sáng về hiếu học.


Sau gần 5 năm học đại học, em tốt nghiệp với tấm bằng đại học loại ưu và được nhận vào làm tại một công ty với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, niềm vui ấy chỉ trong thời gian ngắn, Duy phát hiện mình mắc căn bệnh suy thận trong một lần vào viện. Nghe tin, ông Bốn quay cuồng, hụt hẫng, lo sợ.


Trong ba đứa con, Duy là đứa chăm chỉ, hiền lành và học giỏi nhất. Từ ngày nhận được tin dữ ấy, tương lai của chàng trai bỗng vụt tắt trong tầm tay. Biết bao niềm kỳ vọng của gia đình, người thân, họ hàng, bạn bè nay bỗng hóa hư không. Thông tin Duy mắc căn bệnh suy thận giai đoạn cuối quả là quá bất ngờ…

 

Những cơn đau đầu, khó thở khiến Duy không thể tiếp tục công việc. Duy bị suy thận độ 4 - teo thận, có nguy cơ tử vong nếu không được thay thận, hoặc phải chạy thận suốt đời. Vì phát hiện ra bệnh muộn nên Duy rất khó có khả năng điều trị bình thường.


Hàng ngày Duy phải chạy thận nhân tạo. Mấy miệng ăn trong nhà vốn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, đã thiếu trước hụt sau, nay đứa con lại mang bệnh trọng, một tuần chạy thận 2 - 3 lần nên gia cảnh ông Bốn càng trở lên túng bấn. Hai vợ chồng ông phải gồng mình lo toan, gánh vác mọi việc trong gia đình để có tiền chữa bệnh cho con và chăm sóc khi những cơn đau hành hạ đêm hôm.


Ông tất tả ngược xuôi từ nhà tới bệnh viện như con thoi. Lắm lúc đưa con vào bệnh viện để chạy thận xong, tất tả lo xong thủ tục ở viện, chỗ ăn, ở cho con ông vội vàng bắt xe về, đến nhà chưa hết say xe, ông đã bươn bả ra đồng chăm lúa.

 

Ông Bốn cám cảnh tâm sự: “Thời gian đầu Duy đi chạy thận, tôi hầu như không ngủ bởi ban ngày đi làm tối về thấy con đau, khó thở thương lắm lại ngồi chong chong đấm bóp, vỗ lưng cho con đến sáng mà rớt nước mắt! Nó biết tôi không ngủ nên cũng lo lắng hỏi han đủ điều. Nghe con nói mà tôi đau lắm. Mới vừa chập chững bước vào cánh cửa đầu đời mà nó đã như thế này, tương lai của nó liệu rồi sẽ ra sao!”.


Ông thắt ruột, héo gan khi thấy con quằn quại đau đớn, rồi mỗi lần chạy thận hay mỗi lần nghe bác sĩ nói bệnh tình con trầm trọng thêm thì ông lại buồn ghê gớm. Những ngày vừa rồi, bác sĩ kết luận Duy đã ở giai đoạn cuối của căn bệnh suy thận và cho biết chỉ có hai cách điều trị là chạy thận nhân tạo (lọc chu kỳ) và ghép thận.


Lọc chu kỳ thì điều kiện kinh tế sẽ hao tổn rất nhiều và sức khỏe của bệnh nhân ngày càng kém đi. Nếu ghép thận phải tìm được người cho thận thì bệnh nhân sẽ được cứu sống nhưng chi phí khá lớn. Bác sĩ cũng khuyến cáo rằng người cho thận sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Với hoàn cảnh nghèo khó của mình, biết tìm đâu ra số tiền lớn để chạy thận hay thay thận cho con, thế là chẳng đắn đo, suy nghĩ thiệt hơn, ông lựa chọn cách thứ hai và tình nguyện hiến thận để mong cứu sống được đứa con của mình.

 

Người cha hy sinh sự sống của mình để được hiến thận cho con

 

Dẫu biết con mắc căn bệnh hiểm nghèo khó mà qua khỏi nhưng với tình thương yêu vô bờ bến của những người làm cha làm mẹ, vợ chồng ông Bốn đã dành trọn những ngày tháng còn lại bên con lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân. Chồng đi làm thì vợ ở nhà trông và ngược lại.


Chính vì vậy mà chuyện thuốc thang cho Duy cũng hết sức tốn kém khi phải trông chờ vào mấy đồng bạc của nghề làm thuê. Nói là vậy, nhưng để hiến thận cho con cũng phải là cả một quá trình dài. Đó là quãng thời gian dài đằng đẵng đối với gia đình ông. Ông Bốn vừa phải lo chăm sóc con vừa phải lo vay mượn tiền khắp nơi nhưng số tiền cũng chẳng được bao nhiêu.


Nhìn đứa con lúc nào cũng trong tình trạng nguy kịch, tím tái không biết sẽ ra đi khi nào nếu không được điều trị kịp thời, thương con lắm mà gia đình chưa biết cách nào để kiếm số tiền lớn như vậy để làm phẫu thuật, nhiều lúc ông Bốn chỉ biết giấu nước mắt vào lòng mà khóc thầm.

 

Ông đã định thế chấp mảnh đất cho ngân hàng vay số tiền để điều trị cho con hy vọng con sẽ khỏi bệnh rồi vợ chồng ráng làm trả nợ sau. Nhưng số tiền đó cũng không thấm vào đâu so với căn bệnh hiểm nghèo của con. Cứ như thế ngày qua ngày, nợ nần chồng chất nhưng bệnh tình con ông vẫn không hề thuyên giảm. Vợ chồng ông Bốn vẫn luôn hy vọng sẽ có một phép nhiệm màu nào đó giúp cho đứa con trai mình vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này.

 

May mắn thay sau các đợt hóa nghiệm, xét nghiệm, các bác sỹ thông báo ông và Vương hoàn toàn phù hợp để có thể cho thận. Ông mừng khi kết quả thử máu của ông phù hợp để ghép thận cho con, nhưng lại lo vì chi phí quá lớn chưa biết xoay sở ra sao trong khi thời gian của con còn rất ngắn.


Ca phẫu thuật ghép thận cho Duy hết hơn 200 triệu đồng. Mặc dù các tổ chức, các ban, ngành, đoàn thể đã chia sẻ giúp đỡ nhưng hiện tại gia đình ông Hiếu vẫn đối mặt với một khoản tiền lớn, rồi tiền đưa Duy hàng tuần lên bệnh viện khám, tiêm thuốc mà mỗi mũi tiêm tốn tiền triệu là việc quá khả năng.


“Hồi Duy đi học, gia đình đã vay mượn khắp nơi, Duy động viên mẹ rằng con ra trường, đi làm có tiền phụ má trả nợ và lo cho em, không ngờ tình cảnh bây giờ lại bi đát thế này!”, bà Quới mẹ Duy nghẹn ngào tâm sự.

 

Ông Bốn là một cựu chiến binh, sức khỏe yếu cộng thêm di chứng chiến tranh và căn bệnh đại tràng khiến ông không thể làm nổi công việc đồng áng, chỉ làm được việc nhẹ trong nhà, vậy là mọi gánh nặng gia đình dồn vào tay bà Quới. Sức khỏe phụ nữ không bao nhiêu nhưng bà luôn cố bám trụ công việc công nhân lò gạch, vốn chỉ dành cho đàn ông.


Miệt mài phơi lưng bốc gạch, phơi gạch, mỗi tháng chỉ nhận được khoảng 1,5 triệu đồng. Mấy tháng liền bỏ việc vào Sài Gòn chăm Duy, khoản thu nhập này không có, gia đình lại thêm khốn đốn. Số tiền này chỉ đủ gia đình 5 miệng ăn cơm mắm qua ngày (Duy còn 2 em trai, 1 đang học 12, 1 học lớp 8), còn chuyện tiền phẫu thuật và thuốc thang cho Duy là điều không thể với tới.

 

Theo các bác sĩ, cơ thể Duy có nhiều dấu hiệu đáp ứng tốt với thuốc, nếu được điều trị đúng thời gian, phác đồ, bệnh sẽ tiến triển tốt. Tuy nhiên, số tiền 6 triệu đồng mỗi tháng trong gần 1 năm là một số tiền quá sức tưởng tượng của gia đình, khi mọi nguồn trong gia đình đã kiệt quệ, ông Bốn sức khỏe ngày càng giảm sút, bệnh tái phát nhiều hơn. Bà Quới vì lao tâm, lao lực nên gắng gượng lắm chỉ theo được công việc làm gạch.


Số tiền nợ của gia đình đã lên đến con số trăm triệu là tiền nợ tiền vay đi học của Duy cộng nợ vay cho Duy chữa bệnh. Tất cả những chỗ có thể vay mượn bà Quới đã tìm đến trong lần chạy chữa cho Duy ở Sài Gòn. Bà con lối xóm, họ hàng và cả những người dân trong xã đã cùng chia sẻ với gia đình.


“Còn được phương nào hay phương ấy, nhưng thực sự gia đình giờ đã hết cách, căn nhà cũ kĩ gia đình đang ở cũng đã cầm cố ngân hàng rồi. Nhìn con ngày một thiếu sức sống ngồi thở dốc, chốc chốc lại ôm đầu chịu đựng những cơn đau mà lòng mẹ như đứt từng khúc ruột. Nó còn quá trẻ con ơi, còn bao tương lai, hy vọng phía trước. Dù có bán nhà bán cửa vợ chồng tôi cũng rán kiếm tiền chữa bệnh cho con!”, bà Quới buồn bã cho biết.

 

Giờ đây, mỗi lần nhìn con thì nước mắt ông Bốn lại rơi. Thương con, ông đã làm tất cả, kể cả việc cho con mình một nửa sự sống trong cơ thể ông cũng đã làm. Hiện tại, Duy phải ra BVĐK Đà Nẵng chạy thận liên tục với tình trạng sức khỏe hết sức yếu ớt.


Ông Nguyễn Bốn cũng đã ký giấy hiến thận cho con, nhưng chi phí lên đến 200 triệu đồng, vượt khỏi tầm tay của gia đình nên việc ghép thận chưa thể tiến hành. Hằng ngày, bất lực nhìn con dần suy kiệt mà ông ứa nước mắt...

 

 Theo Lương Minh - An ninh Thủ đô

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X