Hotline 24/7
08983-08983

Người bị đột quỵ cần được đưa ngay đến bệnh viện

Theo tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ là căn bệnh có nguy cơ tử vong đứng hàng thứ hai, sau ung thư. Hằng năm, nước ta có khoảng 200.000 người mắc căn bệnh này.

PGS-TS. Võ Thành Nhân

Đa số các trường hợp đột quỵ không có dấu hiệu cảnh báo trước hoặc dấu hiệu không rõ ràng, chỉ có từ 12-15% người bệnh có triệu chứng thiếu máu não thoáng qua. Việc phát hiện và điều trị dự phòng trước khi đột quỵ xảy ra vô cùng cần thiết vì đột quỵ xảy ra có thể để lại những di chứng không hồi phục, khiến bệnh nhân trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

PGS-TS Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hội Tim mạch Can thiệp TP. Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, sẽ cho chúng ta những kiến thức cần thiết nhằm hạn chế tối thiểu di chứng cũng như các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này.

Bác sĩ cho biết: Ðột quỵ xảy ra ở mọi giới và mọi lứa tuổi, đặc biệt người từ 55 tuổi trở lên thì nguy cơ đột quỵ tăng gấp hai lần. Đột quỵ xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị tắc nghẽn đột ngột.

Bệnh có hai thể chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (còn gọi là nhồi máu não) và đột quỵ do xuất huyết não (vỡ động mạch não).

Tắc mạch máu não thường do khối máu đông tại chỗ ở bề mặt nơi vỡ mảng xơ vữa động mạch não, hoặc khối máu đông di chuyển từ nơi khác tới (gọi là thuyên tắc) như từ tâm nhĩ trái ở bệnh nhân rung nhĩ (tâm nhĩ co bóp không hiệu quả và không đều làm máu ứ lại ở tâm nhĩ trái dẫn tới sự hình thành khối máu đông ở tâm nhĩ), nhồi máu cơ tim (dẫn tới hình thành khối máu đông ở vị trí bị nhồi máu của tâm thất trái).

Vỡ mạch máu não gây xuất huyết não thường do tăng huyết áp, chấn thương, vỡ chỗ phình động mạch não. Các nguyên nhân khác (ít gặp) của đột quỵ là giảm huyết áp (tụt huyết áp đột ngột hơn 40mmHg), viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch (ở một số bệnh nhân có lỗ thông ở vách liên nhĩ, khối máu đông hình thành trong hệ thống tĩnh mạch chạy sẽ tiến về tâm nhĩ phải, qua nhĩ trái, xuống tâm thất trái và được đẩy lên một nhánh động mạch não).

Trong các nguyên nhân kể trên, hiện tượng xơ vữa động mạch là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên phần lớn các trường hợp thuyên tắc và vỡ động mạch não, dẫn đến đột quỵ. Mảng xơ vữa (mảng bám chứa cholesterol bao bọc bởi một lớp chất xơ, hình thành trong thành mạch máu), bám ngày càng nhiều vào thành động mạch, gây tắc nghẽn động mạch.

Hoặc mảng xơ vữa bị tổn thương lớp vỏ xơ bên ngoài, lộ lõi lipid bên trong, kích thích tiểu cầu và các yếu tố đông máu đang lưu thông trong máu, tạo thành khối máu đông. Khối máu đông này lớn dần lên sẽ gây tắc nghẽn động mạch, máu không lưu thông lên não được, nếu nhẹ sẽ gây triệu chứng thiếu máu não thoáng qua, nếu tắc nghẽn hoàn toàn sẽ gây ra đột quỵ.

Nếu cơ thể có khả năng tự làm tan khối máu đông và bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong thời gian 24 giờ thì đó là cơn thoáng thiếu máu não. Qua 24 giờ mà triệu chứng vẫn không hồi phục được thì đó là đột quỵ do nhồi máu não.

Mặt khác, mảng xơ vữa hình thành sẽ làm cho thành động mạch bị tổn thương và phình lên. Dòng máu lưu thông trong động mạch sẽ tạo nên một áp lực có thể gây vỡ chỗ phình động mạch đó, dẫn đến xuất huyết não.

* Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây đột quỵ chủ yếu ở những người lớn tuổi. Vậy ở những người trẻ và trẻ em thì đột quỵ thường do nguyên nhân nào?

- Đối với những người trẻ tuổi, đột quỵ thường do bệnh lý tim có rung nhĩ, dẫn đến hiện tượng khối máu đông hình thành trong tâm nhĩ, di chuyển lên não gây tắc mạch máu não. Trong một vài trường hợp hiếm gặp, khối máu đông hình thành ở tĩnh mạch chi dưới do ngồi hoặc nằm bất động lâu khi đi xa bằng máy bay hay xe khách.

Ở những người có lỗ thông giữa hai tâm nhĩ, khối máu đông này di chuyển lên tâm nhĩ phải, qua nhĩ trái, lên não và gây ra cơn đột quỵ.

Đột quỵ ở đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là do bất thường các yếu tố đông máu, còn đột quỵ ở tuổi thanh thiếu niên thường có yếu tố nguy cơ từ gia đình (cha, mẹ hoặc anh chị em ruột bị đột quỵ hoặc mắc các bệnh di truyền).

* Xét nghiệm máu có giúp phát hiện nguy cơ đột quỵ không thưa bác sĩ?

-Có nhiều yếu tố nguy cơ thúc đẩy xơ vữa động mạch như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì… Xét nghiệm máu có thể giúp đánh giá được một số yếu tố nguy cơ này nhằm có biện pháp cải thiện kịp thời, giúp phòng ngừa đột quỵ.

Huyết áp nên duy trì dưới 140/90mmHg (nếu có đái tháo đường hay bệnh thận mãn thì duy trì dưới 130/80mmHg), đường huyết lúc đói nên duy trì dưới 110mg/dL, các chỉ số lipid máu nên duy trì dưới các trị số mà các thầy thuốc sẽ khuyến cáo tùy vào mức độ nguy cơ của từng bệnh nhân cụ thể.

* Cơn đột quỵ có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật. Để tránh hậu quả đáng tiếc này, xin bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết và xử lý khi có bệnh nhân bị đột quỵ? Một số thông tin báo chí hướng dẫn là nên trấn an bệnh nhân, nới lỏng quần áo và móc đàm ở cổ họng cho bệnh nhân dễ thở. Bác sĩ đánh giá như thế nào về các hướng dẫn này?

- Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ: yếu liệt hoặc tê rần ở vùng mặt, tay, chân một bên cơ thể; lú lẫn, mất khả năng nhận thức, rối loạn lời nói; nhìn mờ hoặc không nhìn thấy ở một hay cả hai mắt, mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội, nôn ói, ngất xỉu…

Theo tôi, khi có người bị đột quỵ, cách xử lý duy nhất là đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể, tốt nhất là trong vòng ba tiếng kể từ lúc xảy ra đột quỵ. Lưu ý bệnh nhân đột quỵ có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não do vỡ mạch hoặc nhồi máu não do tắc mạch.

Hai bệnh này đối lập nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị. Các bác sĩ chuyên khoa cũng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài mà chẩn đoán và điều trị.

Vì vậy, người thân không nên tự điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là các động tác như móc họng, bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió... Những tác động đó không những không giúp ích cho bệnh nhân mà có thể làm bệnh trầm trọng hơn và làm mất thời gian vàng (ba giờ) để cứu bệnh nhân.

Ngoài ra, chúng ta không nên cho bệnh nhân ăn hoặc uống vì sẽ làm người bệnh bị sặc, không dùng aspirin vì có thể làm chảy máu não nặng hơn nếu là đột quỵ do vỡ mạch máu não.

Nếu được cấp cứu và điều trị thích hợp trong vòng một giờ, bệnh nhân đột quỵ có thể giảm đến 80% di chứng. Nếu nguyên nhân gây đột quỵ là do mảng xơ vữa ở động mạch cảnh (có kích thước khá lớn nằm ở cổ) thì bác sĩ sẽ tiến hành đặt Stent (giá đỡ) ở động mạch để phòng tránh cơn đột quỵ cũng như đề phòng tái phát.

Đối với bệnh nhân có hiện tượng rung nhĩ, nguyên nhân đột quỵ là do thuyên tắc mạch máu não từ khối máu đông ở tim thì việc điều trị dự phòng bao gồm thuốc chống đông máu và thuốc điều trị chống loạn nhịp tim.

*Nhiều người phân vân không biết bệnh đột quỵ nên điều trị ở chuyên khoa tim mạch hay nội thần kinh…

- Tùy theo nguyên nhân gây đột quỵ mà bệnh nhân sẽ được chuyển đến điều trị ở khoa nội thần kinh hay khoa tim mạch hoặc phối hợp điều trị cả hai khoa.

Những tiến bộ trong điều trị đột quỵ những năm gần đây như dùng thuốc tiêu khối máu đông giúp thông mạch máu dẫn lên não, đặt giá đỡ (Stent) ở động mạch để cung cấp máu cho não, tiến bộ về phục hồi chức năng sau đột quỵ đã góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng tàn tật do căn bệnh nguy hiểm này.

*Xin bác sĩ hướng dẫn các cách đề phòng căn bệnh đột quỵ?

- Xơ vữa động mạch hoàn toàn có thể đề phòng và các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh bị đột quỵ.

Người trên 50 tuổi, và có yếu tố nguy cơ đột quỵ (tiền sử gia đình có người đột quỵ) cần kiểm tra định kỳ để biết trước nguy cơ xảy ra đột quỵ như sau: làm điện tim, siêu âm tim để xác định xem có bị bệnh van hai lá, rung nhĩ, loạn nhịp tim, khối máu đông trong tim hay không, siêu âm động mạch cảnh và cột sống để tìm mảng vữa xơ động mạch, phình động mạch, hẹp động mạch, chụp cộng hưởng từ mạch máu não (MRA), chụp CT cắt lớp mạch máu não để xác định xem có hẹp mạch máu, phình mạch, dị dạng mạch máu não hay không.

Muốn phòng bệnh đột quỵ, ở cấp độ một (điều trị dự phòng ban đầu, trước khi bệnh phát), chúng ta cần dự phòng tất cả các yếu tố nguy cơ như: kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, các chỉ số lipid máu, không hút thuốc lá, không dùng nhiều rượu bia (không quá một lon bia hay 100ml rượu vang/bữa ăn), giảm cân (vòng bụng không quá 90cm ở nam, 80cm ở nữ), tập thể dục khoảng 30 phút/ngày, không ăn mặn (dưới 3,8g muối/ngày), phòng thấp khớp cấp ở trẻ em (để dự phòng bệnh van tim hậu thấp).

Cân nhắc khả năng dùng thuốc chống đông máu ở người bị rung nhĩ mãn tính. Ở cấp độ hai (điều trị dự phòng tái phát), chúng ta cần tiếp tục kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và uống thuốc đều đặn theo toa. Điều trị xơ vữa động mạch là quá trình điều trị lâu dài nếu không muốn nói là suốt đời.
* Cảm ơn bác sĩ về buổi trò chuyện.
 
AloBacsi.vn
 Theo Xuân Lộc - Doanh Nhân Sài Gòn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X