Hotline 24/7
08983-08983

Ngộ độc rượu - đừng chết vì chủ quan

Hiện nay, nhiều cuộc vui trên bàn nhậu với rượu kém chất lượng vẫn diễn ra hàng ngày từ nông thôn đến thành thị, bất kể những khuyến cáo từ phía cơ quan chức năng.

 
Việt Nam là quốc gia có số lượng tiêu thụ rượu, bia thuộc hạng cao trên thế giới. Rượu xuất hiện nhiều trong các tiệc cưới, trong những cuộc vui bạn bè hay ngay trong bữa ăn hàng ngày. Nhiều trường hợp tử vong đã khiến người ta lâm vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha, người tóc bạc phải đau đớn khóc kẻ đầu xanh chỉ vì “uống rượu dỏm như uống phải ngụm thuốc độc”.
 
Bệnh nhân được chăm sóc tại Khoa Hồi sức Tích cực chống độc - BV Trưng Vương

Dễ chết vì…uống cho tới bến

Đa phần, theo quan niệm của các ông, đã không uống rượu thì thôi còn uống thì “không say không về”. Chính vì vậy, những trường hợp ngộ độc rượu dẫn đến tử vong thường gặp phải ở người dùng rượu với một số lượng nhiều, rượu có nồng độ methanol và ethylene glycol quá cao.

Một ngày cuối tháng 1/2012, anh Châu Minh Trung (ngụ tỉnh Bình Dương) cùng Trần Hữu Đông (ngụ tỉnh Đồng Nai) đến nhà Lê Tuấn Anh (ngụ tại xã Thái Hòa, H.Tân Uyên, Bình Dương) chúc tết. Sau khi nhậu hết 1 lít rượu, đến rạng sáng hôm sau, Trung, Anh sùi bọt mép, co giật mạnh và tử vong ngay sau đó; riêng Đông cũng chết vào hai ngày sau. Trong khi đó, cơ quan chức năng tỉnh tỉnh Đồng Nai cho biết, từ ngày 22 - 28/1, trên địa bàn tỉnh này cũng đã xảy ra 5 trường hợp ngộ độc rượu nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng.

Cách đây không lâu, tại phường Vĩnh Lạc, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang đã có hai người tử vong do ngộ độc rượu là anh Phạm Trung Minh và Trần Dân. Hai người này cùng đến nhà bà Nguyễn Thị Hoa mua rượu để uống. Chỉ khoảng 15 phút sau cuộc “tàn dư tửu hậu” thì anh Minh lên cơn đau đầu dữ dội, co giật liệt tứ chi, đến 15 giờ cùng ngày thì tử vong. Còn anh Dân được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu cũng trong tình trạng tương tự, nhưng vì ngộ độc nặng và vào viện quá trễ nên anh không qua khỏi trong đêm hôm đó.

Một vụ ngộ độc rượu khác trong thời gian qua tại thôn Ma Trai, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuậnđã khiến 5 người chết, 25 người khác vào viện, được xác định là do hàm lượng methanol trong rượu vượt 192 lần cho phép. Thực tế đó cho thấy rằng, các quý ông thời nay đã quá dễ dãi khi giao mạng sống của mình cho “thần rượu”.
 
Uống để vui, để tìm cảm giác, để chứng tỏ hay “lai rai” cho đỡ buồn là những lý do biện minh cho sự say mê nhậu nhẹt của phe ta. Tuy nhiên, khi xảy ra chuyện thì các ông khổ đã đành, còn người thân các ông cũng muôn phần đau đớn vì mất đi chổ dựa vững chắc hay mất đi những trụ cột của gia đình.

“Độc” từ trong lò

Đàn ông Việt Nam có muôn vàn lý do để kéo nhau ra bàn nhậu, đôi khi không vì lý do gì người ta cũng nhậu được. Do đó, chỉ vì nhu cầu “giá rẻ, nơi đâu cũng có” mà rượu kém chất lượng do người dân tự pha chế được bày bán tràn lan trên thị trường.

Qua kiểm tra 46 cơ sở sản xuất bia, rượu tại tỉnh Vĩnh Long cuối năm 2010, các cơ quan chức năng phát hiện có đến 31 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. 35/48 mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn theo quy định cho phép của Bộ Y tế. Đó là chưa kể đến hàng trăm cơ sở sản xuất rượu lậu tại tỉnh này. Còn tại An Giang, có 1.300 - 1.600 cơ sở sản xuất rượu trên địa bàn, cung ứng hơn 10 triệu lít/năm trên thị trường. Thế nhưng, chỉ có 40 cơ sở có giấy phép sản xuất kinh doanh rượu. Chỉ những con số được thống kê tại hai tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long nêu trên cũng đủ khiến người ta phải rùng mình vì cái sự “xé rào” của loại chất lỏng mang tên “rượu”.

Dạo quanh nhiều con đường trong khu vực nội thành TP.HCM, một điều dễ nhận thấy là những nơi bày bán rượu không nhãn mác, kém chất lượng với giá rẻ bất ngờ thường tập trung tại các xóm lao động nghèo, những khu nhà trọ sinh viên tại quận 8, quận 2, Thủ Đức… Trong số đó, làng đại học Thủ Đức từ lâu đã nổi tiếng là làng nhậu sinh viên với không thiếu một loại rượu nào: từ đế Gò Đen, chuối hột, rượu nếp đến những thương hiệu như Phú Lễ, Bàu Đá. Tuy nhiên, “thương hiệu” dường như được người bán “gắn” lên cho có để phân biệt, còn chất lượng thì… đều kém như nhau.

Trần Văn Thên (sinh viên năm 3, Đại học Nông Lâm TP.HCM), người được mệnh danh là “cao thủ” trên bàn nhậu, lý giải về cái sự hay nhậu của mình: “Nhậu chủ yếu cho vui, nhiều khi thảnh thơi bạn bè kéo nhau ra các quán cóc ven đường chứ tiền đâu vô những quán sang. Giá rượu rẻ tầm 10.000 đồng/lít, muốn bao nhiêu cũng có nên hễ có dịp là nhậu, có khi một tuần chúng tôi đã nhậu đến 4 ngày”.

Dấu hiệu không thể bỏ qua

Theo BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, BV Cấp cứu Trưng Vương, thì ngộ độc rượu có thể phân biệt làm hai loại. Đó là ngộ độc do dùng một lượng quá nhiều các dạng thức uống có cồn thực phẩm như bia, rượu vang, rượu đế…Thứ hai là ngộ độc do uống phải rượu có chứa nhiều tạp chất hoặc chứa nồng độ cao các hóa chất độc hại như: methanol, ethylene glycol (cồn công nghiệp). Hai chất này là chất dung môi dùng lau kính xe, dung dịch mực in cho máy photocopy, dùng pha sơn…

Thông thường, người bị ngộ độc rượu có chứa methanol và ethylene glycol, nếu không được cứu chữa kịp thời thì rất dễ dẫn đến tử vong. Dấu hiệu nhận biết của người bị ngộ dộc rượu làhay nói nhảm, lơ mơ, giảm và mất khả năng vận động tự chủ như: không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài...

Tùy theo mức độ và tình trạng, nguyên nhân ngộ độc mà có những dấu hiệu và chuyển biến khác nhau. Sau những triệu chứng ban đầu thì người bệnh không điều khiển được hành vi, buồn nôn, đau bụng, nói líu lưỡi.Sau khi uống quá nhiều, người uống không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được, co giật. Người bị ngộ độc rượu do methanol có dấu hiệu rối loạn thị giác, nhìn mờ, nhìn một người ra nhiều người, nhiều màu, giảm ý thức, đau mạn sườn, tiểu máu… Muộn hơn, bệnh nhân bị hôn mê sâu, tụt huyết áp, suy tuần hoàn, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.

Trên thực tế, khi được đưa vào bệnh viện, nhiều trường hợp người bị ngộ độc còn gặp những biến chứng khác. Có thể họ bị té ngã, va đập vào những vật cứng gây tổn thương vùng đầu hoặc bị viêm phổi do lạnh, từ đó gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, ngộ độc rượu mạn tính cũng thường hay gặp trong cuộc sống đối với người thường xuyên uống rượu. Những dấu hiệu cho thấy người ngộ độc rượu mạn tính là có sự thay đổi hành vi thái độ, công việc giảm sút, hay quên, lười tắm giặt, rối loạn tâm thần, biến chứng sang thần kinh.

BS Phạm Anh Tuấn cho biết, nếu được phát hiện và đưa người bị ngộ độc rượu vào bệnh viện cấp cứu sớm trong vòng 24 giờ thì khả năng chữa khỏi rất cao. Tuy nhiên, đa phần người nhà bệnh nhân không để ý khi người say rượu ngủ li bì suốt đêm ngày, lúc phát hiện bị ngộ độc và đưa vào bệnh viện cấp cứu thì cũng đã muộn.

Có những trường hợp bệnh nhân uống rượu mà không ăn gì, bị hạ đường huyết, tình trạng ngộ độc kéo dài trên 24 giờ làm tổn thương đến não, ảnh hưởng gan, suy thận… Do đó mà việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Đa số trường hợp ngộ độc rượu dẫn đến tử vong thường là những người lao động nghèo và sinh viên, bởi vì họ là “khách hàng” chính của những lò nấu rượu tự phát. Mặc dù vậy, các “ma men” này vẫn không chút mảy may lo sợ, và vì thế, rượu độc, rượu giả vẫn cứ tràn ngập trên thị trường, kẻ uống vẫn uống, còn ngộ độc thì “hồi sau sẽ rõ”.

Để phòng tránh ngộ độc rượu, bạn cần lưu ý một số điểm như sau:

Tuyệt đối không uống rượu với cái bụng trống không. Những loại rượu được ngâm theo kinh nghiệm dân gian, ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính thì không nên dùng. Rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên không được uống vượt vượt quá 30ml/người/ ngày. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

Tốt nhất bạn chỉ nên dùng rượu khi đã biết rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chỉ dùng một lượng vừa phải.


 
AloBacsi.vn (Theo Phương Nam - Saigonnews)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X