Hotline 24/7
08983-08983

Nghệ An: Đá đỏ Quỳ Châu lại lên cơn sốt

Sau một thời gian yên ắng, gần đây, nhiều người lại đổ xô đến xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đào tìm đá đỏ, mang theo ước vọng đổi đời mong manh.

Từ TP Vinh theo Quốc lộ 48 ngược lên miền Tây xứ Nghệ khoảng 130 km là đến xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An - thủ phủ đá đỏ (tức ruby hay hồng ngọc) một thời.

Dừng xe trước một quán nhậu nhỏ ven đường, chúng tôi nghe văng vẳng giọng hát xẩm não nùng của một người đàn ông: Anh đi đào đá đỏ, ở vùng mỏ Quỳ Châu. Anh biết tìm đâu, tìm đâu ra đá đỏ... Ra đi tìm đời sống cao sang, ngỡ đâu xác thân nằm lại rừng hoang vu. Thương cho bao người mẹ, người vợ sống cô đơn nay tang trắng vọng trên đầu...

Giấc mơ chưa dứt

Từ đồi Tỷ, chúng tôi chạy xe máy vòng sang đồi Triệu, đồi Cỏ May... rồi lên UBND xã Châu Bình.Thị tứ Châu Bình một thời sầm uất, náo nhiệt - nơi hằng ngày những chiếc xế hộp đắt tiền từ TP Vinh, Hà Nội, Hải Phòng...ra vào tấp nập để mua bán đá đỏ - giờ tiêu điều, xơ xác.

đào-vàng, Quỳ-Châu, Ru-by, Nghệ-An, đá-quý, cơn-sốt

Nhiều khu vực đồi núi ở Châu Bình vẫn còn nham nhở các hố to nhỏ do việc đào tìm đá đỏ để lại

Hai bên đường nhà cửa thưa thớt nhưng nhiều người vẫn chưa từ bỏ giấc mơ làm giàu từ đá đỏ. Tại khu vực đồi Triệu, đồi Cỏ May..., chúng tôi chứng kiến nhiều người vẫn đang dùng máy móc đào bới.

20 năm trôi qua, tưởng như giấc mơ đổi đời từ đá đỏ đã chôn vùi dưới những hố sâu hun hút ở các ngọn đồi tại Châu Bình. Thế nhưng, cuối năm 2013, dân tình lại xôn xao khi nghe tin một nhóm người đào trúng ruby bán được gần 2 tỉ đồng. Người dân khắp nơi lại kéo đến Châu Bình tìm vận may.

Ông Kim Văn Duyên, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, ưu tư: "Từ năm 1996, người dân đào tìm đá đỏ vắng dần. Thế nhưng, khi tin đồn về một nhóm người ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đào được một viên đá đỏ bán tiền tỉ lan truyền, từ đầu năm 2014 tới nay, người ta lại đổ xô đến khu vực đồi Triệu và một số nơi khác dùng máy móc đào xới tìm kiếm".

Theo ông Duyên, từ đầu năm 2014 tới nay, nhiều người dân vào Châu Bình đào tìm nhưng chưa nghe ai trúng đá đỏ. "Người dân cứ nghĩ đá đỏ còn nhiều nên đào tung đất vườn, đồi núi. Xã đã vào kiểm tra và lập biên bản nhiều lần nhưng họ làm lén lút, lấy cớ là đào ao nuôi cá nên chính quyền địa phương cũng khó xử lý" - ông Duyên phân trần.

Sẽ kiên quyết xử lý

Cơn sốt đá đỏ quay lại Châu Bình khiến người dân và chính quyền địa phương hết sức lo lắng. Nhiều người dân địa phương vẫn nhớ như in thời "hoàng kim" của Châu Bình hơn 20 năm trước.

"Khi ấy, có người một đêm có thể tiêu xài cả trăm triệu đồng cho việc ăn nhậu, ma túy, gái gú... Tiền dễ đến nhưng cũng dễ đi, nhiều người trở thành tỉ phú nhờ trúng đá đỏ giờ đều trắng tay, nghèo xác xơ vì ma túy, cờ bạc" - anh Lô Văn Dương, một người dân xã Châu Quỳ đưa chúng tôi đi thực địa, cho biết.

Lúc ấy, hàng vạn người đã đổ xô đến Châu Quỳ phá rừng, san đồi để tìm vận may từ đá đỏ. Hàng ngàn hecta rừng bị tàn phá, hàng trăm người đã bỏ mạng vì giấc mộng đổi đời. Đồi Tỷ - nơi người dân trúng rất nhiều đá đỏ, cũng là nơi hàng trăm người đã chết vì sập hầm, đâm chém nhau - giờ vẫn còn chi chít hố to, hố nhỏ.

"Trước đây, đồi Tỷ không có tên. Khi người ta đào được nhiều viên đá đỏ lớn bán thu tiền tỉ ở đây, đồi Tỷ chết tên từ đó" - anh Dương giải thích. Ở đồi Triệu, đồi Nứa, đồi Mộ, đồi Cỏ May..., cây cối đã phủ xanh nhưng vẫn dễ nhận ra những khu vực bị đào bới nham nhở để tìm kiếm đá đỏ.

Cơn sốt đá đỏ bắt đầu từ năm 1989 khi câu chuyện về một đoàn kỹ sư thăm dò khoáng sản ở xã Châu Bình phát hiện một viên đá, sau đó xác định chính là ruby và bán được hàng tỉ đồng lộ ra. Nhóm kỹ sư này đã âm thầm quay lại Châu Bình thuê người đào tìm đá đỏ. "Tin này nhanh chóng lan truyền nên từ năm 1990, hàng vạn người khắp cả nước đã đổ xô về đây. Châu Bình trở thành lãnh địa của đá đỏ và máu" - anh Dương cho biết.

Chúng tôi tìm gặp anh Lô Văn Hùng ở xã Châu Bình, một phu đá đỏ những năm 1990. Anh nhớ lại: "Những năm đó, tới đâu cũng thấy cảnh hàng ngàn người chen chúc trong các hầm, hố để đào tìm đá đỏ. Thời kỳ sôi động nhất từ năm 1990 đến 1995, hầu như ngày nào cũng xảy ra cảnh sập hầm, đâm chém nhau để tranh giành lãnh địa. Cảnh người chết, bị thương xảy ra như cơm bữa".

Hàng chục năm đã trôi qua nhưng người dân Châu Bình vẫn còn ớn lạnh khi nhắc tới vụ sập hầm tại đồi Tỷ vào tháng 6/1991. "Đang đào dưới hố sâu thì nghe tiếng đất đá đổ ầm ầm, tiếng kêu cứu thất thanh…, tôi hoảng loạn vứt cuốc xẻng cố trườn lên và may mắn thoát chết. Vụ sập hầm này làm 70 người chết, nhiều ngày sau thi thể của họ mới được tìm thấy" - anh Lô Văn May, ngụ xã Châu Bình, rùng mình.

Nhắc lại những chuyện này, lãnh đạo chính quyền địa phương không khỏi lo ngại. Chủ tịch UBND xã Châu Bình Kim Văn Duyên quả quyết: "Chúng tôi sẽ sớm tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết những người đào đá đỏ trái phép, tránh tình trạng người dân đổ xô đến Châu Bình gây mất an ninh trật tự như trước đây".

Gieo rắc kinh hoàng

Bên cạnh việc bỏ mạng vì sập hầm, bệnh tật thì rất nhiều người đã chết do những cuộc chém giết giữa các băng nhóm để tranh giành lãnh địa, bị cướp sát hại. Châu Bình những năm 1990 là nơi tác oai, tác quái của các tay trùm như Phong "trọc", Tường "lợn", Phương "tay trái", Đường "mặt rộ", Hà "lỳ", Sơn "cụt"... Chúng cấu kết nhau gây ra hàng loạt vụ chém giết, gieo rắc bao nỗi kinh hoàng với phu đá đỏ và người dân địa phương.

Để dẹp tình trạng khai thác đá đỏ trái phép, Công an tỉnh Nghệ An phải thành lập Trạm Cảnh sát vùng kinh tế đặc biệt, huy động hàng trăm chiến sĩ vào cuộc. Mãi đến cuối năm 1995, tình trạng khai thác đá đỏ tại Châu Bình mới lắng xuống.

AloBacsi.vn
Theo Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X