Hotline 24/7
08983-08983

Ngày học cuối cùng có điểm 10

Sáng 14/10, cô giáo Kim Anh (giáo viên một trường tiểu học thuộc huyện Chư Păh - Gia Lai) đến lớp với một tâm trạng khá đặc biệt.

Hôm nay là ngày cuối cùngđánh giá học sinh bằng điểm số.

Tiết học đầu tiên trong ngày là Toán, cô cho học sinh làm bài tập và chấm ngay tại lớp. Nhìn những gương mặt thích thú của các em khi đạt điểm 9, 10..., cô cảm thấy một điều gì đó khó diễn tả trong lòng.

Một câu hỏi vẫn mãi day dứt trong cô: Liệu rằng ngày mai khi các em chỉ nhận được các lời khen "con làm bài tốt, bài làm xuất sắc" thì có niềm vui như thế trên gương mặt các em hay không?

Với cô giáo Minh Thanh, giáo viên dạy lớp 3 ở thành phố Pleiku, buổi học được bắt đầu bằng một bài diễn văn nho nhỏ chia sẻ tâm tình của cô với học sinh. “Các con ơi, hãy cố gắng làm thật tốt bài học ngày hôm nay nhé, đây là cơ hội cuối cùng các con có thể thấy được những điểm 10 cho kết quả việc làm của mình. Từ ngày mai, các con sẽ không còn thấy được những điểm như thế nữa trong tập vở. Hãy cố gắng làm thật tốt nhé, để có thể lưu giữ được một kỷ niệm đẹp trong đời học sinh của mình”.

Học sinh của cô có vẻ như cũng biết trước điều này nên không em nào thắc mắc gì, các em chăm chú làm bài tập. Ngay cả những học sinh thường ngày cô phải nhắc nhở cũng có vẻ chững chạc hơn. Điều bất ngờ xảy ra khi cuối buổi học, một học sinh giỏi hỏi cô một câu làm cô “đứng hình”: “Cô ơi, tại sao con không được quyền nhận điểm 10 mà con mong muốn?”.

Việc không đánh giá học sinh bằng điểm số là một quyết định cho đến giờ phút này vẫn còn gây nhiều băn khoăn trong giáo viên, phụ huynh học sinh và cả học sinh tiểu học. Tất nhiên, vì là quy định bắt buộc, mọi người phải chấp hành. Nhưng trong thâm tâm rất nhiều giáo viên vẫn chưa đồng tình với quy định này của Bộ GD&ĐT, thậm chí nghi ngờ về tính hiệu quả thực tế của nó.

Trên trang Facebook của mình, một giáo viên dạy tiểu học đã chia sẻ: "Tôi biết các bác nghiên cứu rồi nhưng không thực tế chút nào cả. Tôi dạy 21 lớp, sĩ số trung bình 40 học sinh trên lớp, vậy là tôi có khoảng 840 học sinh.

Theo thông tư thì tôi sẽ có sổ điểm và sổ nhật ký cho 21 lớp đó, nếu theo quy định sổ của Bộ Giáo dục là 35 học sinh trên một cuốn, vậy một lớp tôi có hai cuốn sổ điểm và một sổ nhật ký, vậy là tôi có 63 cuốn sổ, chưa kể giáo án, sổ hội họp, sổ dự giờ... Một tiết dạy có 35 phút, không biết phải phân bổ thời gian như thế nào nữa. Một buổi tôi dạy 5 tiết, vậy tổng số sổ tôi mang là 15 cuốn chưa kể giáo án.

Thật sự cách quản lý học sinh như thế này sẽ rất tốt đối với một lớp từ 10-15 học sinh như nước ngoài, nhưng với sĩ số như hiện nay thì các bác nên nghĩ lại, khéo có thực hiện nhưng đối phó, hiệu quả chẳng thấy đâu".

Hiệu phó một trường tiểu học ở TPHCM xin được giấu tên, chia sẻ về mặt nguyên tắc, cô chấp hành quy định của thông tư 30. Tuy nhiên, trong thâm tâm, cô vẫn thấy Bộ GD&ĐT đưa ra quy định này có vẻ quá vội vàng và mang tính chủ quan.

Bộ nói rằng, đây là một cách giảm áp lực học tập cho học sinh và học theo mô hình nước ngoài. Tuy nhiên, chuyện phụ huynh dựa vào điểm số để theo dõi quá trình học tập của con vẫn là cần thiết.

Chẳng hạn, nếu em đó thường xuyên đạt điểm tốt, nhưng đột nhiên xuất hiện liên tục 3-4 điểm kém, thì rõ ràng đó là dấu hiệu cảnh báo phụ huynh, giáo viên cần có những để ý đúng mực đến vấn đề em học sinh đó đang gặp phải.

"Tôi thấy trên thế giới, có khá nhiều nước vẫn đánh giá học sinh bằng điểm. Ngay trong vùng Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Singapore vẫn đánh giá học sinh bằng điểm mà học sinh của họ vẫn thoải mái trong học tập, đâu có vấn đề gì nghiêm trọng”, vị hiệu phó nói.

Chia sẻ về vấn đề này, một giáo viên đã về hưu với hơn 30 năm giảng dạy tiểu học cho rằng: “Nền giáo dục của chúng ta đang loay hoay giải quyết các vấn đề của mình một cách chắp vá mà không có phương án tổng thể. Chúng ta học ở mỗi nơi một chút mang về trộn lại với nhau thành một nồi lẩu tổng hợp. Nhưng có vẻ như chẳng ai chịu trách nhiệm về chất lượng nồi lẩu đó cả".

Người giáo viên về hưu này dẫn chứng bài học về việc thay đổi kiểu chữ viết của những năm 80. Liệu rằng sau 5 năm nữa, nếu việc đánh giá học sinh tiểu học theo cách nhận xét động viên như thông tư 30 này thất bại thì sẽ phải mất bao nhiêu lâu để chúng ta sửa chữa hậu quả gây ra, và lúc đó ai là người sẽ chụ trách nhiệm trước một thế hệ trẻ bị đưa ra thí nghiệm hôm nay?

AloBacsi.com
Theo ThS Phạm Phúc Thịnh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X