Hotline 24/7
08983-08983

Ngày 30 Tết tự đập hoa vì giá rẻ: Trách ai bây giờ!

Ngày 30 Tết, nhiều tiểu thương bán hoa ở Công viên Gia Định lại tiếp tục đập bỏ nhiều chậu hoa trước khi trả lại mặt bằng cho công viên.

1. Chiều 30 Tết đi làm về, tôi chợt nhớ ra hôm nay phải thay nhớt cho xe. Chạy lòng vòng từ đường Hoàng Minh Giám vòng về Hoàng Văn Thụ, toát mồ hôi khi thấy bao nhiêu tiệm đều đã đóng cửa nghỉ Tết.

Tết này, tôi còn phải đi làm, xe hết nhớt mà cháy máy là chỉ có chết.

Ngày 30 Tết tự đập hoa vì giá rẻ: Trách ai bây giờ! - ảnh 1Nguyễn Hoàng Ân, chủ tiệm sửa xe Anh Ân đang bơm lốp cho khách. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Đến 19g, về trên đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh) mới có một tiệm sửa xe còn mở cửa. Tiệm khá cũ kĩ, người đàn ông già tóc đã điểm bạc, đang sửa xe. Để đảm bảo không bị chặt chém tôi cũng hỏi dò trước giá cả:

- Dạ, con muốn thay nhớt, hết bao nhiêu chú?

- 80.000 - người đàn ông đáp gọn

Bình thường tôi thay cũng tầm 80.000, nơi mắc thì tầm 100.000 đồng. Tôi hỏi đùa:

- Tết nhất không tăng giá vậy chú?

- Tôi làm đây 40 năm rồi. Mình làm ăn lâu dài chứ đâu phải ngày một ngày hai. Làm ăn xổi thì chỉ làm được lần thôi! Chú cười.

Hôm nay là 30 Tết nhưng chú vẫn làm từ 7g sáng đến 7g tối, chưa nghỉ. Chú kể chuyện, cả tháng cận Tết chú bận suốt, toàn khách quen đến sửa, bảo dưỡng để chuẩn bị ăn Tết, cứ để đó rồi chiều tối quay lại lấy xe. Chỉ vào hai chiếc xe dựng ở cửa, chú bảo “làm cho nốt số xe kia thì chú về”. Chú là Nguyễn Hoàng Ân, chủ một tiệm sửa xe nằm trên đường Nơ Trang Long (Bình Thạnh, TPHCM).

2. Từ câu chuyện của chú chợt nghĩ đến câu chuyện trưa nay, đi làm lại thấy cảnh chủ vườn đập từng chậu hoa vì không muốn xổ rẻ, để người dân hôi của. Thực ra tình trạng này mấy năm nay đều xảy ra, đến nhìn trực tiếp mới thấy xót. Tết nhất vậy buồn lắm.

Nhiều người Việt mình có tính thích xài đồ miễn phí, cứ nhăm nhe ngày cuối cùng của năm để đi mua cây kiểng cho rẻ. Cái này có! Thậm chí có những người đi xe tay ga đắt tiền, mấy chục mấy trăm triệu nhưng cũng tiếc vài trăm ngàn mua chậu hoa chưng Tết, chỉ đợi người ta ế phải đi lượm, đi nhặt đồ bỏ đi.

“Thà đập bỏ chứ không xổ rẻ, không để người ta xin xỏ”, “ Cho một năm, rồi năm sau cứ theo dớp không mua đợi xổ rẻ, xin xỏ”, nhiều người làm vườn kể vậy.

3. Hai câu chuyện tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau nhưng cứ thử đi sắm Tết và ngẫm rồi mới thấy.

Ngày 30 Tết tự đập hoa vì giá rẻ: Trách ai bây giờ! - ảnh 2"Ngày Tết cũng muốn mua từ đầu chưng hoa cho đẹp. Nhưng họ hét trên trời, mắc quá, không dám mua". Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Những người làm vườn, buôn chậu kiểng không phải mới ngày một ngày hai. Có người là con nhà nòi, có người đã buôn 8,10 năm, cũng có người trọn đời gắn với cái nghiệp này.

Tôi không nói hết tất cả nhưng rất nhiều tiểu thương những ngày đầu nói thách giá trên trời. Chậu mai ngày 23 Tết, hét 6 triệu, chiều nay bán còn 3 triệu. Ngày trước, bạn tôi đã trả 5 triệu nhưng chủ vườn nhất quyết không bán. Nhiều tiểu thương vì ăn lãi quá dày, khiến người dân bị hớ nặng. Chính những người làm vườn tham lam cũng đã góp phần tạo nên thói quen mua hàng chiều 30 Tết.

Nếu ai cũng xác định "làm ăn lâu dài" như chú Ân thì đâu đến nỗi. Câu nói của một người mua hàng chiều nay khiến tôi nhớ mãi: "Ngày Tết cũng muốn mua từ đầu chưng hoa cho đẹp. Nhưng họ hét trên trời, mắc quá, không dám mua"!

Người làm vườn kiếm tiền phải đổ mồ hôi, nước mắt vậy tiền của những người mua hàng không phải mồ hôi nước mắt hay sao?

Theo Nguyễn Trà - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X