Hotline 24/7
08983-08983

Ngân hàng AIIB mời Việt Nam vay tiền: Đừng vội nhận

Việt Nam chưa nên vội vàng nhận lời mời từ phía AIIB, mà cần phải có thời gian để tính toán và tiếp cận với các nguồn vốn cạnh tranh.

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó Trưởng Khoa, Khoa Kinh tế, trường Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM với Đất Việt xung quanh việc đại diện Ngân hàng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) ngỏ ý cho Việt Nam vay vốn làm hạ tầng.

Cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi

PV: - Mới đây, Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong cuộc gặp gỡ với phía Việt Nam, ông D.J.Pandian, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc khối đầu tư của Ngân hàng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) đã ngỏ ý cho Việt Nam vay vốn làm hạ tầng.

Cụ thể, phía AIIB cho biết, nếu các dự án của Việt Nam có nhu cầu vốn khoảng 100-230 triệu USD và dự án có điều kiện tài chính rõ ràng, có tính khả thi, AIIB sẵn sàng tham gia, nhanh chóng để đánh giá, thẩm định và triển khai dự án nhanh hơn các tổ chức khác.

Ông bình luận như thế nào về đề nghị trên? Đây có được coi là cơ hội của Việt Nam trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi hay không và vì sao? Trong bối cảnh nợ công đang chạm trần hiện nay, chúng ta cần cân nhắc đề xuất này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Chúng tôi hoan nghênh thiện chí từ phía lãnh đạo AIIB khi cho Việt Nam vay vốn thực hiện các dự án về cơ sở hạ tầng cứng. Đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận và sử dụng nguồn vốn quốc tế ưu đãi vào làm hạ tầng.

Thứ nhất, AIIB cho các thành viên sáng lập vay ưu đãi trên cơ sở việc thẩm định các dự án được khách quan và hiệu quả cùng tính khả thi.

Thứ hai, Việt Nam đang là nước đang phát triển và cần vốn để xây dựng các điều kiện để phát triển kinh tế, nhất là cơ sở hạ tầng cứng.

Cuối cùng, chúng ta có một nền kinh tế năng động với các chỉ số vĩ mô ổn định và một thị trường to lớn với dân số đứng thứ 14 thế giới và dân số đang ở tuổi vàng và tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh dần.

Trong bối cảnh nợ công đang tăng cao và đạt mức trần do quốc hội qui định thì việc vay vốn ưu đãi cần được tính toán một cách khoa học và nhất quán để sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nhằm kích thích kinh tế phát triển trong dài hạn. Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng, chưa có một nghiên cứu nào và bằng chứng nào để chứng minh nợ công cao ảnh hưởng xấu đến tăng trường và phát triển kinh tế.

Ngan hang AIIBmoi Viet Nam vay tien: Dungvoi nhan
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Nga Việt Nam chưa nên vội vàng nhận lời mời từ phía AIIB, mà cần phải có thời gian để tính toán kỹ. Ảnh minh họa

Quan trọng là chúng ta sử dụng vốn như thế nào cho hiệu quả về kinh tế và xã hội, về ngắn hạn và dài hạn. Hơn nữa Việt Namhiện nay đang thiếu vốn trên nhiều lĩnh vực, nhất là cơ sở hạ tầng và ở các thành phố lớp như Hà Nội và TP.HCM. Tắc đường làm thiệt hại hàng tỷ đô la về kinh tế, chưa tính đến thiệt hại về môi trường và sức khỏe cộng đồng.

PV: - Một điểm khiến dư luận bày tỏ nhiều băn khoăn là việc AIIB là Ngân hang do Trung Quốc sáng lập. Trong khi đó, nhiều dự án lớn của Việt Nam đang gặp khó khăn vì nguồn vay từ Trung Quốc: đội vốn, chậm tiến độ, ràng buộc về nhà thầu…

Ông chia sẻ như thế nào với băn khoăn của dư luận? Viễn cảnh tương tự có xảy ra nếu Việt Nam chấp nhận đề nghị trên hay không, trong khi Việt Nam tỏ ra chưa có biện pháp xử lý các hạn chế trên?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Tôi hoàn toàn chia sẻ với những băn khoăn và chia sẻ của dư luận về việc AIIB do Trung Quốc sáng lập và đóng góp 30% vốn cổ đông.

Nhiều dự án của Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề từ nguồn vốn vay từ phía Trung quốc. Tuy nhiên những dự án này đều là vốn 100% từ phía Trung Quốc, trong khi nguồn vốn từ phía AIIB là vốn đóng góp của các thành viên sáng lập ra AIIIB, trong đó nhiều thành viên từ các nước phát triển.

Cho nên việc xảy ra các vấn đề như đội vốn, chậm tiến độ...là khó có thể xảy ra, cho dù vẫn có khả năng nhưng AIIB bị rằng buộc bởi nhiều nước tham gia và là tổ chức quốc tế mới hình thành. AIIB sẽ cạnh tranh với các tổ chức tài chính tên tuổi như WB, IMF, ADB nên họ sẽ làm lành mạnh và triệt để khách quan về tài chính.

Không nên vội vàng

PV: - Ngoài ra, nhiều người cũng lo lắng về khả năng Việt Nam sẽ phụ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc nếu quá hào hứng với nguồn vốn vay trên. Theo ông, lo ngại như vậy có cơ sở hay không và vì sao? Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có nên vội vàng nhận lời mời vay từ AIIB hay không?

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc các nước phụ thuộc vào nhau là tất yếu, quan trọng là sự phụ thuộc vào nhau dựa trên cơ sở cạnh tranh trên nguyên tắc thị trường và không can thiệp về chính trị. Do vậy việc lo ngại về việc chúng ta sẽ phụ thuộc sâu ơn vào Trung Quốc là chưa có cơ sở, cho dù chúng ta phải tỉnh táo trước các ưu đãi về vốn. Hơn nữa Trung Quốc là nền kinh tế thứ 2 trên thế giới, kiểm soát 10% kinh tế thế giới và vừa là nguồn cung lớn vừa là cầu lớn về đầu vào và đầu ra của sản xuất.

Quan trọng là, chúng tôi nhắc lại, quan hệ kinh tế phải dựa vào cạnh tranh, hợp tác cùng có lợi trên nền tảng kinh tế thị trường và đừng bao giờ coi Trung Quốc là đối thủ và bạn hàng độc nhất vì nếu Trung Quốc độc quyền cung cấp hoặc mua hàng của Việt Nam thì họ sẽ có điều kiện để ép về kinh tế, lâu dài cả về chính trị.

Cho nên theo quan điểm cá nhân thì Việt Nam chưa nên vội vàng nhận lời mời từ phía AIIB, mà cần phải có thời gian để tính toán và tiếp cận với các nguồn vốn cạnh tranh. Cần tỉnh táo để không bị áp đặt về kinh tế trong các dự án về cơ sở hạ tầng.

Bài toán sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng

PV: - Tóm lại, trong các ưu tiên vay vốn, theo ông, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam nên ưu tiên vay để làm hạ tầng hay vay đầu tư phát triển, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm như tuyên bố đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ các cơ quan quản lý? Xin ông phân tích cụ thể.

PGS.TS Nguyễn Hồng Nga: - Việt Nam hiện nay đang rất cần vốn để phục vụ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng cứng.

Trong các ưu tiên vay vốn, theo quan điểm cá nhân thì chúng ta đồng thời vay cho cơ sở hạ tầng cứng và cho cả đầu tư phát triển, trong đó lấy doanh nghiệp tư nhân làm động lực để phát triển kinh tế, cho dù chúng ta đều biết cơ sở hạ tầng cứng là một trong những điểm nghẽn kìm hãm tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và cơ sở hạ tầng cứng phải đi trước nhiều bước trong phát triển kinh tế.

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng cứng được đầu tư để phục vụ sản xuất và lưu thông hàng hóa và dịch vụ, nếu sản xuất hàng hóa và dịch vụ không phát triển thì cơ sở hạ tầng cứng không được sử dụng hiệu quả và ảnh hưởng đến việc trả nợ lãi và gốc.

Thứ hai, muốn phát triển kinh tế chúng ta cần phải thực hiện các điều kiện để phát triển kinh tế ngoài vốn. Peter Bauer, nhà kinh tế trường phái tự do đã đưa ra 1 nhận định quan trọng.

Nếu tất cả các điều kiện để phát triển ngoài vốn đề có sẵn thì vốn sẽ nhanh chóng được tạo ra tại địa phương, hoặc sẽ được cung cấp cho chính phủ hay các doanh nghiệp tư nhân từ các nguồn vốn từ nước ngoài theo các điều khoản thị trường hay từ doanh thu cao hơn hay lợi nhuận cao hơn của doanh nghiệp. Thế nhưng, nếu các điều kiện khác cho phát triển không tồn tại thì nguồn vốn ưu đãi sẽ không có khả năng sinh lợi và do đó không hiệu quả. Do vậy việc đầu tư song song cùng cơ sở hạ tầng là đầu tư cho phát triển, tạo điều kiện về thể chế và các điều kiện kinh tế cho kinh tế tư nhân phát triển là tối quan trọng.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng cứng và phát triển doanh nghiệp tư nhân đều có quan hệ nhân quả. Cơ sở hạ tầng cứng thúc đẩy và giảm giá thành sản xuất nhờ giao thông làm giảm thời gian vận chuyển và thúc đẩy giao thương hàng hóa và dịch vụ. Đến lượt mình phát triển doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp quan trọng vào ngân sách và xuất hiện nhiều doanh nghiệp làm cơ sở hạ tầng cứng.

Thứ tư, chia sẽ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và đầu tư phát triển doanh nghiệp tư nhân sẽ làm giảm thiểu tham nhũng và thất thoát đầu tư công, làm lành mạnh hệ thống tài chính quốc gia và tạo niềm tin đối với người dân và cộng đồng quốc tế về tính minh bạch và khả năng giải trình của các cơ quan công quyền.

PV: - Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Nga đã chia sẻ!

Theo Nguyễn Hoàn - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X