Hotline 24/7
08983-08983

Nạn nhân vụ sập hầm: ''Chúng tôi đã nói lời trăn trối''

"Đến ngày thứ ba vẫn chưa được cứu, chúng tôi có cảm giác như cái chết đã ở rất gần. Để chống lạnh, chúng tôi ôm nhau sưởi ấm...".

19-12-Anh-1-Nan-nhan-1752-1419008032.jpg

Các y, bác sĩ đưa chị Ngọc về BVĐK Lâm Đồng cấp cứu tối 19/12. Ảnh: Trí Tín

Nằm trên giường bệnh nhưng cười rất tươi, anh Nguyễn Anh Tuấn (ngụ Nghệ An) cho biết, anh từng tuyệt vọng về cơ may sống sót sau chuỗi ngày dài bị kẹt trong căn hầm sập, đất đá bủa vây tứ phía.

Ngày đầu tiên trong hầm, anh Tuấn nghĩ sẽ được bên ngoài giải cứu, lâu nhất cũng khoảng một ngày. Đêm đó, các mũi khoan đưa khí oxy và thức ăn vào, ai cũng lạc quan. "Cuối ngày thứ hai, bên ngoài hầm cho biết 'ngày mai là ra được'. Qua ngày thứ ba cũng chưa thấy gì nên chúng tôi có cảm giác như bị lừa. Cơ hội trở về là rất mong manh", anh Tuấn kể.

Người đàn ông này mô tả, những ngày mắc kẹt trong hầm sập, 12 người ngồi trên chiếc máy trộn bê tông, ai mệt thì nhường chỗ ngồi rộng hơn. Từ chiếc máy trộn này đến chỗ nhận thức ăn và nói chuyện được với bên ngoài xa 50 m.

"Lúc nước lên đến ngang ngực, chúng tôi rất khổ sở mỗi khi phải tiếp cận với bên ngoài. Nhận thức ăn thì thay phiên hai người mỗi lần, người nào mệt thì được miễn hoặc lúc khỏe lại đi bù phiên", anh Tuấn nói. "Chiều nay khi thấy mấy người lính chạy vào chúng tôi la lên vì sung sướng, cảm giác như chết sống lại vậy… Tôi muốn tự chạy ào ra ngoài nhưng lực lượng cứu hộ cứ hai ba người bồng bế một người trong hầm".

Ra đến ngoài hầm, thấy ánh sáng và hàng trăm người, phương tiện máy móc đủ loại, anh rất ngỡ ngàng. "Chúng tôi không nghĩ cuộc giải cứu quy mô như thế", nam thanh niên nói.

Cùng với anh Tuấn, 11 nạn nhân khác cũng có chung cảm giác "như từ cõi chết trở về" sau 4 ngày 3 đêm mắc kẹt trong đường hầm thuỷ điện Đạ Dâng, tỉnh Lâm Đồng.

Băng bó vết thương trên đầu, anh Nguyễn Văn Quang (19 tuổi, quê Hà Tĩnh) run rẩy kể lại, sáng 16/12, nhóm công nhân đang hì hục làm dầm sắt thép chuẩn bị đổ bê tông và bơm nước thì bất ngờ hàng trăm mét khối đất đá đổ sập xuống.

"Mọi người bỏ chạy tán loạn, một nhóm chạy thoát ra hướng cửa hầm, còn 12 người chúng tôi phút chốc bị cô lập. Xung quanh chỉ có bóng tối, nước và đất đá", Quang nói trong hơi thở còn yếu ớt.

Quang kể, 4 ngày trong hầm, tất cả anh em không ngủ tí nào, lạnh và đói vô cùng. "Được tiếp nước cháo và sữa vào thì toàn chất lỏng, vài lần đầu còn có cảm giác ngon miệng tí nhưng về sau thấy là ngán chẳng muốn ăn, một phần đang trong tâm trạng tuyệt vọng", thanh niên nói. Mọi người đã dùng mũ bảo hộ lật ngửa ra để hứng cháo, sữa, nước gừng uống cầm hơi.

Nằm cạnh giường bệnh với Quang, anh Trương Tấn Việt (33 tuổi, ngụ Hà Nam) cũng tụt huyết áp, chân tay còn dính đầy bùn đất. "Đêm hôm nước trong hầm dâng cao đột ngột, trên trần mạch ngầm cũng tuôn nước xuống như suối khiến ai cũng sợ chết lạnh, chết ngạt", anh Việt kể.

19-12-Anh-2-Nan-nhan-8325-1419008032.jpg

Giây phút mừng tủi ở bệnh viện của hai vợ chồng anh Việt. Ảnh: Trí Tín.

Trong lúc nguy nan, anh em công nhân đã bàn nhau kê cao dầm sắt để thay phiên nằm dưỡng sức. Ban ngày thì ngồi trên xe chuyên dụng trộn bê tông ôm choàng nhau sưởi ấm xua tan bớt đi giá lạnh. "Lúc ấy tôi nghĩ đến tình huống nước tiếp tục dâng cao chạm đến nóc trần hầm thì anh em sẽ đu những mảnh ván trong hầm bơi cầm cự được lúc này hay lúc đó, hy vọng có cơ may sống sót", anh Việt kể.

Trong số những người được giải cứu thì Lành, quê Nghệ An là người nhỏ tuổi nhất. Cậu mới 18 tuổi chưa lập gia đình. Hai ngày đầu Lành rất bình tĩnh nhưng đến chiều ngày thứ 3, được tin bố ở quê đã vào tới, cậu liên tục khóc.

"Hơn bốn ngày 3 đêm bị kẹt trong hầm, hầu hết ai cũng đều nghĩ cái chết đã đến rất gần. Nhiều lúc còn thốt ra những lời như trăn trối nhưng không ai khóc thành tiếng vì sợ những người xung quanh không kìm được lòng", nam công nhân kể.

Còn với nạn nhân nữ duy nhất - Đặng Thị Hồng Ngọc, 28 tuổi, thì gần như giờ nào cũng nhắc đến chồng và đứa con 5 tuổi ngoài quê. Những ngày đêm bị kẹt ở trong hầm, do sức khỏe yếu nên chị bị choáng nằm trên dầm sắt mê man, ăn uống rất ít. Lúc tai nạn xảy ra, chồng chị cũng có mặt nhưng may mắn thoát nạn.

"Tôi ngoài cửa hầm đi vào thì nghe hầm sập rầm rầm phía trong ấy. Từng nghĩ vợ mình và mọi người đã bị đất, đá vùi lấp chết cả rồi nhưng kỳ diệu là tất cả đều còn sống. Niềm vui, hạnh phúc này không gì lớn bằng", anh Phạm Viết Bắc (chồng chị Ngọc) chia sẻ.

19-12-Anh-4-Nan-nhan-2996-1419008032.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến thăm hỏi các nạn nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện. Ảnh: Trí Tín

Trao đổi với PV tối 19/12, BS Trương Dương Tiển, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy, TPHCM nhận định, do mắc kẹt lâu ngày, hầu hết 12 nạn nhân khi được giải cứu đưa ra khỏi hầm đã có các triệu chứng: Suy giảm thể lực, huyết áp tụt, hạ thân nhiệt gây choáng, tâm lý hoảng loạn... Trong đó, trường hợp chị Ngọc là nặng nhất đang tiếp tục điều trị.

Sau khi được sơ cứu, hồi sức tích cực tại các lán trại gần khu vực thủy điện, 2h sau các nạn nhân được đưa về cấp cứu tại BVĐK Lâm Đồng. Đến 21h30 cùng ngày, sức khỏe của các công nhân đã dần hồi phục.

Theo Quốc Dũng - Trí Tín - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X