Hotline 24/7
08983-08983

Mỹ nỗ lực xoa dịu căng thẳng sau phán quyết toà quốc tế

Thông qua kênh ngoại giao, Mỹ vận động những nước như Philippines, Indonesia và các nước châu Á hành xử bình tĩnh sau khi toà quốc tế bác bỏ yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông.

“Chúng tôi không muốn mọi chuyện quá nóng lên để vấn đề có thể giải quyết một cách lý trí chứ không phải cảm tính”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters.

Mỹ chuyển thông điệp trên thông qua các kênh ngoại giao từ những đại sứ quán Mỹ, cũng như gửi tới các phái bộ nước ngoài ở Washington. Những nguồn tin cho biết, đích thân Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng liên lạc với quan chức cấp cao ở một số nước.

Hai ông đã vận động các nước không nên hành xử quyết liệt sau khi Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, bao gồm bác bỏ giá trị của đường lưỡi bò mà nước này tự vẽ ra.

My no luc xoa diu cang thang sau phan quyet toa quoc te hinh anh 1
Đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông bị tuyên bố vô giá trị và không có cơ sở pháp lý. Ảnh: Reuters

“Đây là lời kêu gọi hành xử bình tĩnh, chứ không phải nỗ lực vận động khu vực chống lại Trung Quốc như những hiểu lầm trước đó là Mỹ đang dẫn đầu liên minh để kiềm chế Trung Quốc”, vị quan chức Mỹ nói thêm.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói ông đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Carter trước ngày toà PCA ra phán quyết.

Trong cuộc trao đổi, Bộ trưởng Carter cho biết Bắc Kinh đã cam kết với Mỹ sẽ kiềm chế sau khi có phán quyết, và Washington cũng đã hứa hành động tương tự.

Giới chức Mỹ nói kỳ vọng sáng kiến ngoại giao này sẽ thành công ở Indonesia. Nước này vừa tuyên bố cử hàng trăm ngư dân đến hoạt động ở quần đảo Natuna để khẳng định chủ quyền ở vùng nước xung quanh trên Biển Đông.

Ngay sau khi tòa án ra phán quyết về vụ Philippines kiện TQ, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia tuyên bố điều máy bay chiến đấu F-16 và tàu chiến để bảo vệ quần đảo Natuna ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết tăng cường phòng vệ quanh quần đảo Natuna chính là ưu tiên hàng đầu của nước này.

Trong khi đó, một ngày sau phán quyết của toà PCA, Trung Quốc ngày 13/7 phát hành Sách Trắng về các tranh chấp với Philippines ở Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố có quyền thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển này.

My no luc xoa diu cang thang sau phan quyet toa quoc te hinh anh 2
Các thực thể Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể trở thành bàn đạp để nước này thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Đồ họa: WSJ

Sách Trắng của Trung Quốc cũng nói rằng việc Philippines đơn phương khởi xướng vụ kiện là một "hành động ác ý" và nói thêm rằng Trung Quốc sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Cũng trong hôm qua 13/7, hai phi cơ dân sự của Trung quốc đã hạ cánh xuống sân bay trên đá Vành Khăn và đá Xu Bi mà Trung Quốc bồi lấp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cùng ngày, một tàu chiến Đài Loan (Trung Quốc) đã ra khơi và thực hiện cuộc tuần tra trái phép quanh đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mà chính quyền này đang chiếm đóng phi pháp.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7 ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý.

Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.

Theo Minh Anh - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X