Hotline 24/7
08983-08983

“Muôn mặt điều trị vô sinh”: khó ngăn chặn triệt để

Ngày 5/6, PV đã trao đổi với BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - PGĐ BV Từ Dũ TP.HCM - nơi có hai bác sĩ vi phạm quy định khi hành nghề ở phòng mạch tư.

Hạnh phúc của một người mẹ sinh con nhờ thụ tinh trong ống nghiệm
Ảnh: T.T.D
 
BS Diễm Tuyết cho biết ban giám đốc đã làm việc với hai BS Nguyễn Hoàng Tuấn (phó khoa sản A) và BS Lê Tấn Cảnh (bác sĩ của khoa sinh), cả hai bác sĩ đều nhìn nhận sai sót.

* Quy trình cho, lấy tinh trùng tại bệnh viện còn lỏng lẻo, có thể dẫn đến việc tráo, đổi mẫu tinh trùng. Bệnh viện có ý kiến gì về việc này?

- Bệnh viện đã cố gắng trong khả năng của mình nhằm hạn chế tối đa việc mua bán tinh trùng hay trứng bằng các biện pháp: kiểm tra chứng minh nhân dân (CMND), lưu hình vào file cho tinh trùng nhằm hạn chế việc cho nhiều lần. Bệnh viện có phòng lấy mẫu tinh trùng tại bệnh viện và khuyến khích bệnh nhân lấy ngay tại phòng lấy tinh của khoa hiếm muộn, có nhân viên giám sát phòng lấy tinh trùng.

Tuy nhiên, thực tế có những tình huống người ta cố tình qua mặt như tháo hình trên CMND và dán hình khác vào, làm CMND giả... Bệnh viện đã phát hiện vài trường hợp như vậy dù đó không phải là nghiệp vụ của ngành y tế! Thậm chí có những trường hợp tinh vi đến mức lấy sẵn mẫu tinh trùng của người khác giấu trong người mang vào phòng lấy tinh và đánh tráo.

* Bà có ý kiến thế nào về việc một số bác sĩ ở bệnh viện mình khi hành nghề tại phòng mạch tư đã làm sai chức năng cho phép (thụ tinh nhân tạo tại phòng mạch tư)?

- Thật sự chúng tôi luôn muốn rằng việc bơm tinh trùng vào buồng tử cung để thụ tinh nhân tạo cần được quản lý chặt chẽ hơn vì nếu “nhà nhà, người người” đều bơm tinh trùng thì kinh khủng quá! Bởi bơm tinh trùng không phải an toàn tuyệt đối mà còn có nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.

Đó là người vợ có nguy cơ nhiễm trùng nếu người thực hiện không tôn trọng nguyên tắc vô trùng khi làm thủ thuật bơm. Mẫu bơm tinh trùng không được kiểm soát nên việc tráo mẫu rất dễ xảy ra, thậm chí có những nơi “bơm tươi” không qua lọc rửa. Do vậy, bệnh nhân có thể gặp nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan siêu vi, HIV, giang mai...

* Theo bà, làm sao để ngăn chặn thực trạng này?

- Vì cung và cầu trong xã hội chưa hài hòa nên có những người lợi dụng để mua bán. Bệnh viện luôn mong muốn có ngân hàng tinh trùng, ngân hàng trứng giống như ngân hàng máu, thế nhưng vẫn chưa thực hiện được do người cho tinh trùng, trứng vì mục đích nhân đạo rất hiếm.

Bệnh viện hiện chỉ có những giải pháp kiểm soát nhằm giảm nguy cơ mua bán trứng, tinh trùng chứ không thể ngăn chặn triệt để. Có lẽ gốc của vấn đề là làm sao cung nhiều hơn cầu, khi đó sẽ không còn người trục lợi. Muốn vậy phải có người hiến như hiến máu nhân đạo. Tại VN, chuyện hiến tặng này còn rất hiếm vì quan điểm, văn hóa và cả những chế độ chính sách khuyến khích người hiến tặng chưa có quy định.

Thủ tục cho trứng và tinh trùng tại bệnh viện

Do số lượng cung cấp tinh trùng rất ít so với nhu cầu (số người cho tinh trùng nhân đạo hiện nay rất hiếm) và phải đảm bảo nguyên tắc vô danh nên các cặp vợ chồng hiếm muộn có chỉ định xin tinh trùng phải tự đi tìm người cho tinh trùng, thỏa các điều kiện: tuổi trong khoảng 18-45, sức khỏe bình thường, học vấn đạt trình độ tối thiểu phổ thông cơ sở. Người cho tinh trùng khi đến bệnh viện phải có CMND, giấy khám sức khỏe tổng quát, hai hình 4x6 và bằng tốt nghiệp phổ thông cơ sở hay cao hơn để được làm các xét nghiệm viêm gan siêu vi B, giang mai, HIV, nhóm máu rhesus, phân tích nhiễm sắc thể đồ, tinh dịch đồ.

Nếu các xét nghiệm đều thỏa điều kiện cho tinh trùng, bác sĩ sẽ lấy ba mẫu tinh trùng của người cho (mỗi mẫu cách nhau 3-5 ngày) để trữ lạnh và ba tháng sau quay lại xét nghiệm HIV một lần nữa. Nếu xét nghiệm HIV lần hai âm tính thì ba mẫu tinh trùng đó được sẵn sàng sử dụng. Mẫu tinh trùng này không phải sử dụng cho người đi xin đã biết mặt mà sẽ đổi với mẫu trong ngân hàng để sử dụng cho người xin tinh trùng, nhằm đảm bảo nguyên tắc người cho và người nhận không biết nhau.

Người xin trứng cũng phải tự tìm người thỏa điều kiện: tuổi 18-35, đã có một con và con của người cho trứng hơn 1 tuổi, sức khỏe tốt. Khi đã thỏa đủ điều kiện, người cho trứng có kinh ngày thứ hai sẽ vào bệnh viện để làm các xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng, khảo sát siêu âm, làm xét nghiệm loại trừ ung thư cổ tử cung. Nếu tốt sẽ tiếp tục các thủ tục tiếp theo và tiến hành kích thích buồng trứng để lấy trứng làm phôi, trung bình 10-12 ngày.

AloBacsi.vn (Theo Tuổi trẻ)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X