Hotline 24/7
08983-08983

Một người chết hiến tạng sẽ cứu được 8 người

Cả nước có hàng vạn người suy tạng. 20 năm qua, BV Chợ Rẫy chỉ ghép được 300 ca. Nếu 10% người chết vì TNGT hiến tạng, sẽ có hàng ngàn người được cứu sống.

Phóng viên: Thưa PGS-TS, nhu cầu ghép tạng nói chung và ghép thận nói riêng hiện nay như thế nào?

+ PGS-TS Trần Ngọc Sinh, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu BV Chợ Rẫy: Các bệnh nhân suy thận nói riêng và suy các tạng khác nói chung, cần tạng khỏe mạnh để thay thế (ta gọi là điều trị thay thế, replacement therapy). Đối với thận, trong 1 triệu người có từ 200 tới 300 người cần ghép thận. Nước ta có khoảng 16.000 đến 21.000 người suy thận mạn giai đoạn cuối. Ghép tạng là phương pháp điều trị thay thế tạng hiệu quả nhất được y học xác nhận.

Người sống có thể hiến tạng

Thưa PGS, người ta có thể hiến tạng như thế nào, người sống có thể hiến những phần nào ?


+ Có thể hiến đơn tạng hay đa tạng. Một người chết hiến tạng có thể cứu tám người khác.

Người còn sống có thể hiến một thận nếu các xét nghiệm cho phép. Từ năm 1992 đến 2012, BV Chợ Rẫy đã thực hiện gần 300 trường hợp lấy thận (bằng phẫu thuật nội soi) từ người hiến còn sống, đều thành công, không biến chứng và không tử vong do phẫu thuật.

Hiến gan có thể là từ người cho sống, cắt một phần gan để ghép (cho trẻ em) và hiến toàn bộ gan khi đã chết.

Hiến hai thận, hiến phổi, hiến toàn bộ gan, tim, tụy chỉ có thể khi đã chết (chết não hoặc chết tim). Khi đó bạn phải có tâm nguyện khi sinh thời giống như chị Trần Thu Hồng (người tự nguyện hiến tạng Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu).

Nguyên tắc tự nguyện, nhân đạo

Việc hiến - lấy tạng thực hiện theo quy trình như thế nào? Có hiện tượng “cò” hiến tạng hay không?

+ Tại BV Chợ Rẫy, việc hiến - lấy tạng chỉ được thực hiện theo tâm nguyện của người hiến khi còn sống và tuân thủ các thủ tục nghiêm ngặt của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Bệnh viện chỉ lấy tạng nào mà người ta muốn hiến tặng. Việc hiến tặng tạng, việc lấy tạng để ghép và phân bố cho ai sẽ theo nguyên tắc người cho không biết cho ai và người nhận không biết ai cho. Như vậy mới bảo đảm thật sự nhân đạo và không bị người không có tâm nguyện và kẻ xấu lợi dụng, thậm chí gây nên tội phạm. Đó là đối với người cho chết não hay chết tim.

Một ca mổ ghép thận tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: DUY TÍNH

Với người hiến chết não hay chết tim, chỉ lấy tạng khi một hội đồng chuyên môn công nhận đã chết não (tim còn đập) hoặc chết tim (tim đã ngừng, không còn khả năng hồi phục). Theo nguyên tắc bác sĩ phán quyết tử vong không phải là người của kíp ghép tạng, lấy tạng để ghép, để bảo đảm tính khách quan tuyệt đối.

Đối với người cho sống (ghép thận, ghép gan, tụy), tại BV Chợ Rẫy, đa số thực hiện trên thân nhân. Thân nhân có ưu điểm là phù hợp về miễn dịch học, ghép thành công cao, ngoài ra thân nhân không đồng nghĩa với những rắc rối với nạn buôn bán thận, hiện bắt đầu là tệ nạn mới trong ghép tạng nước ta. Chúng tôi là thành viên của Hội Ghép tạng Thế giới nên trung thành với chủ trương này. Luật pháp Việt Nam cũng chống lại việc hiến tạng không phải là mục đích nhân đạo.

Chỉ cần 10%…

Thưa PGS, nếu người bị chết vì tai nạn đăng ký hiến tạng thì đó có là cơ may cho những người bị suy thận mạn?


+ Dù không ai mong muốn nhưng trong thực tế hằng năm có đến hơn 10.000 người chết vì tai nạn giao thông. Nếu 10% trong số đó đồng ý hiến tạng, ta có thể cứu được đa số người chết do suy thận và các tạng khác: 2.000 người suy thận, 1.000 người suy tim, 1.000 người suy gan… 20 năm qua chúng tôi chỉ có thể thực hiện khoảng 200 ca trên thận với người cho sống và chỉ vài chục ca với người cho chết não, người cho chết tim thì chờ triển khai chương trình. Sắp tới chúng tôi kêu gọi người cho chết tim hiến thận, để cố gắng tìm nhiều thận hơn nữa cho việc cứu người.

Đối với chị Hồng nguyện vọng này chỉ được thực hiện khi chẳng may bị tai nạn. Trong thực tế, điều đó có thể không bao giờ xảy đến nhưng ý nguyện đẹp của chị không bao giờ mất, vì nó sẽ động viên những người có cùng ý nguyện như chị. Giống như nguyên Chủ tịch Fidel Castro, cách nay hơn 40 năm, ông đã là người Cuba đầu tiên đăng ký hiến tạng khi chết não. Fidel không bị tai nạn nhưng tấm lòng của ông đã động viên dân chúng. Việc ghép tạng ở Cuba thời đó rất thành công, rất nhiều người đã được cứu.

Xin cảm ơn ông!

AloBacsi.vn T
heo Duy Tính - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X