Hotline 24/7
08983-08983

Mòn mỏi chờ ghép thận

Từ chuyện một phụ nữ hiến thận và kêu gọi cộng đồng hiến thận cho những người bệnh mạn tính, PV đã tìm hiểu, ghi nhận thực trạng và khát vọng của những bệnh nhân này.

Tôi đến BV Chợ Rẫy và BV 115 vào ngày nghỉ bù lễ Quốc khánh 2-9 nhưng khoa Chạy thận vẫn đông cứng bệnh nhân. Đối với người suy thận mạn tính chỉ có hai giải pháp, hoặc ghép thận hoặc phải chạy thận suốt đời. Tuy nhiên, phương án nào cũng khó, muốn ghép thận thì khó nhất là phải được hiến tặng quả thận phù hợp. Còn chạy thận nhân tạo thì chi phí cao nhưng sức khỏe ngày càng giảm sút, công việc làm ăn khó khăn,…

Tìm thận trong vô vọng


Ngồi trong góc phòng chờ của khoa Nội thận, BV 115, bà Tăng Hoàng Thanh, một cán bộ ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương đang chờ cậu con nuôi Tăng Hoàng Nghĩa (30 tuổi) đang chạy thận. Bà Thanh tâm sự: “Từ lúc nó bệnh, tôi đã bán một nền đất để lo thuốc thang. Mẹ con vất vả về kinh tế, mệt nhọc về tinh thần, có lúc phải chạy vạy mượn tiền trang trải”. Nghĩa tốt nghiệp ngành địa chính ĐH Nông Lâm và hiện đang công tác tại địa phương.

Năm 2010, Nghĩa được phát hiện bị bệnh cao huyết áp và đến giữa năm 2011 thì chuyển sang suy thận mạn. Hằng tuần, thứ Hai, Tư, Sáu buổi sáng Nghĩa phải lên BV 115 chạy thận, chiều lại về tiếp tục công việc. Điều đáng quý là dù bệnh tật nhưng Nghĩa vẫn vừa học vừa làm để lấy thêm một bằng ĐH. Bà Thanh đã tìm đủ cách ghép thận cho con nhưng đều thất bại.

Đã có ba người tình nguyện hiến thận. Người đầu tiên sau khi nghe bác sĩ tư vấn đã một đi không trở lại. Người thứ hai là một sư thầy phù hợp về nhóm máu nhưng sau khi làm các thủ tục, các xét nghiệm… thì không thể ghép vì có vấn đề không phù hợp. Một người bạn học, cùng nhóm máu với Nghĩa tình nguyện hiến. Niềm vui tưởng đến với mẹ con bà. Nhưng bác sĩ kết luận thận của người này bị yếu… Cứ mỗi lần như thế bà phải tốn đến vài chục triệu đồng xét nghiệm, chưa kể tiền ăn, ở, đi lại cho người hiến.

Nếu không ghép thận, họ sẽ gắn với chiếc máy lọc thận cho đến khi chết.
 Ảnh: TÙNG SƠN

Bế tắc nhưng không nản chí, bà liên hệ với mẹ ruột của Nghĩa nhưng người mẹ ruột lắc đầu. Niềm tin vụt tắt! Bà lau vội giọt nước mắt đang chực chờ rơi xuống đôi gò má như giấu đi nỗi buồn vô vọng người mẹ sẵn sàng hy sinh để cứu con.   

Không có người thân

Thông thường việc hiến tặng thận hiện nay chủ yếu là từ người thân trong gia đình nhưng có những người hoàn cảnh đặc biệt chỉ có thể chờ đợi hy vọng vào người khác. Điển hình là chị LT (51 tuổi, quận Bình Thạnh) đã bị suy thận mạn đã hơn 17 năm qua. Chị đã từng ra nước ngoài ghép thận nhưng khi trở về chị bị lao và trái thận bị ghép bị suy. Bao nhiêu tiền bạc, công sức đã tan biến, chị tiếp tục chạy thận. Hằng tuần, thứ Hai, Tư, Sáu, buổi sáng chị đón xe buýt lên BV Chợ Rẫy chạy thận. Hơn 10 năm qua, chị đăng ký và mòn mỏi chờ thận hiến nhưng không có tia hy vọng nào. Chị là con một, mẹ đã mất, cha đã già đâu còn người thân hiến cho?

Chị N. ở quận 8 có ngót nghét tám năm chạy thận ở BV Chợ Rẫy. Nhà chị có đến bốn người bị suy thận mạn. Cha chị và anh ruột đã chết vì căn bệnh này. Người kế chị thì đã được ghép, riêng chị giờ không biết kiếm đâu ra thận. Một gia đình khác bị suy thận đa nang di truyền. Hai người đã được ghép thận, một người chết và một người đang mòn mỏi chờ người cho thận. Một bác sĩ cho biết có trường hợp bi kịch đến mức có người cho thận nhưng chưa đến ngày ghép thì đã ra đi.

Người nhận vui, người cho khỏe

Tôi không trực tiếp gặp được chị Bùi Thị Thanh Loan (29 tuổi, quận Bình Thạnh) do mới phẫu thuật xong phải vô trùng tuyệt đối nhưng qua hệ thống điện thoại nội bộ của khoa Thận - Tiết niệu tôi nghe rõ giọng nói vui tươi, lạc quan của chị. Ba năm trước, chị suy thận mạn, rồi chị lại mang bầu. Chị mặc cảm, buồn chán và héo hon theo căn bệnh. Chị được mẹ ruột cho thận và đã ghép thành công. “Ghép xong, người tôi rất khỏe, giống như được bà tiên cứu, ăn uống ngon lắm” - chị Loan bày tỏ. 

Cùng tâm trạng, anh Trần Vĩnh Phú (36 tuổi, Tiền Giang) bị suy thận mạn. Hằng tuần đều đặn ba ngày, cứ 4 giờ sáng đón xe lên BV Chợ Rẫy chạy thận, 4 giờ chiều về đến nhà. Anh nghĩ là mình sẽ chết. Được chị gái cho thận, từ 64 kg nay anh tăng lên hơn 80 kg.

Tôi cũng đã gặp anh Đinh Văn Tiến (39 tuổi, Đồng Nai) vừa hiến thận cho người em trai. Anh cho biết sau khi hiến thận vẫn thấy bình thường, chỉ thấy đau ở vết mổ một tí, còn bên trong không hề hấn gì. Anh cho rằng có nhiều người chỉ có một trái thận họ vẫn sống, làm việc bình thường nên anh không lo ngại về sức khỏe của mình sắp tới.

AloBacsi.vn
Theo Duy Tính - Pháp luật TPHCM

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X