Hotline 24/7
08983-08983

Mở tivi bị thu tiền bản quyền: Vô lý, không hiểu luật

Thu tiền nhưng cơ sở pháp lý để thu chưa thuyết phục, định mức số tiền thu không dựa trên cơ sở khoa học hay pháp lý nào.

Chưa đủ cơ sở pháp lý

Đầu tháng 5, hàng trăm khách sạn 1-3 sao tại Đà Nẵng bất ngờ nhận được công văn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam(VCPMC) chi nhánh phía Nam, thông báo “chủ doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh”.

Khoản thu “phòng ngủ/phòng khách có sử dụng tivi” với mức giá 25.000 đồng/phòng/năm, Tuổi trẻ thông tin.

Là người nghiên cứu rõ về sự việc trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 24/5, luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), cho rằng, trước hết, phải nói rằng việc thu tiền tác quyền âm nhạc thực ra là chuyện bình thường ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt việc sử dụng tác phẩm âm nhạc cho các hoạt động kinh doanh thì chuyện trả phí cũng bình thường.

Tuy nhiên cách mà VCPMC triển khai thu tiền tác quyền đang khiến nhiều cơ sở kinh doanh phản ứng bởi sự thiếu rõ ràng và pháp luật sở hữu trí tuệ chưa cụ thể được các nghĩa vụ trả phí tác quyền.

Mo tivi bi thu tien ban quyen: Vo ly, khong hieu luat

Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng nhận được công văn yêu cầu nộp tiền tác quyền âm nhạc

''Thu tiền nhưng cơ sở pháp lý để thu chưa thuyết phục, định mức số tiền thu không dựa trên cơ sở khoa học hay pháp lý nào mà chỉ là tự ý VCPMC áp giá để thu thì lại càng rất vô lý'' - vị luật sư nhấn mạnh.

Theo ông Lê Cao, việc các sơ sở kinh doanh khách sạn phản ứng là điều không thể khác đối với các truy thu tiền tác quyền bất hợp lý như hiện nay đang làm.

Hiện nay, VCPMC đang đổ đồng thu mỗi tivi ở khách sạn 25.000 đồng/năm và họ giải thích là thu quyền sử dụng “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” theo Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định 100/2006.

Theo đó khoản 1, Điều 23, Nghị định số 100 mà VCPMC viện dẫn có nội dung như sau: “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được”.

Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ thì tổ chức, cá nhân sử dụng “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” phải trả thù lao, nhuận bút.

Thế nhưng, các khách sạn đang kinh doanh họ có quyền phản ứng bởi lẽ, đối tượng đang sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm là các đài truyền hình, tổ chức phát sóng chương trình chứ không phải là các khách sạn đang sử dụng quyền này.

Các khách sạn chỉ sử dụng tivi như một công cụ thường dùng, như một vật dụng thường nhật trong đời sống và rõ ràng họ không đặt hàng các nhà đài phải phát bài nhạc gì cho mục đích kinh doanh của họ. Việc thụ hưởng các tác phẩm âm nhạc của khách lưu trú nếu có là thụ động.

Khách sạn cũng không chủ động trong việc sử dụng tác phẩm để trình chiếu cho khách lưu trú. Họ thậm chí cũng chẳng quan tâm trên truyền hình có phát âm nhạc hay không, trên đó trình chiếu những gì thì làm sao có thể quy cho họ đang thực hiện quyền biểu diễn âm nhạc được.

Do đó, theo nội dung của Luật sở hữu trí tuệ và đối chiếu thực tế thì nên hiểu là các đài truyền hình mới là bên sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm, là người làm chương trình, chủ động trình chiếu tới công chúng và việc họ sử dung tác phẩm âm nhạc là để đảm bảo chương trình của họ hấp dẫn, thu hút khách hàng lựa chọn dịch vụ truyền hình của họ, hưởng lợi từ hoạt động quảng cáo…

Nếu có thu tiền tác quyền thì phải thu ở các nhà đài mới đúng đối tượng đang sử dụng quyền biểu diễn âm nhạc, không thể đổ đồng thu tiền hàng loạt đối với họ.

Về mức giá, theo ông Cao, hiện nay việc định giá tác quyền âm nhạc vẫn đang được VCPMC đơn phương áp giá mà chưa dựa trên thực sự thỏa thuận nào giữa các bên, cũng không dựa vào mức giá nào theo luật định (vì luật hiện hành chưa có quy định). Điều này gây cảm giác VCPMC đang áp đặt trong câu chuyện thu tiền tác quyền.

Nhận thức sai

Cũng đưa ra quan điểm về sự việc này, Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, đây là nhận thức sai.

Ở đây, người phải trả tiền bản quyền tác giả là người trực tiếp sử dụng tác phẩm đó để biểu diễn, hoặc là để tổ chức các hoạt động văn hóa giải trí, các Đài truyền hình.

Còn người dân, ở đây là đại diện doanh nghiệp kinh doanh khách sạn họ đã trả tiền cho nhà mạng để sử dụng dịch vụ, chứ không phải sử dụng các tác phẩm âm nhạc, nên ở đây gây ra sự nhầm lẫn về đối tượng sử dụng, tạo ra dư luận xã hội không tốt.

"Với giải thích theo kiểu của VCPMC hiện nay, thì tại sao không thu tiền bản quyền tác giả cho các hộ gia đình trên cả nước?

Phải hiểu rằng trong Luật quy định phải trả tiền bản quyền đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhà đài làm chương trình đó, thì Đài truyền hình là đối tượng trả tiền tác quyền cho tác giả.

Không có trường hợp phí chồng phí, thuế chồng thuế được, làm sao bắt dân đóng phí hai lần", ông Nam nhận định.

Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X