Hotline 24/7
08983-08983

Máy bay mất tích: Hãng AirAsia từng 3 lần cố gắng đầu tư vào Việt Nam

Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia hàng không cho biết, hãng hàng không AirAsia đã từng 3 lần cố gắng đầu tư vào hàng không giá rẻ ở Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc chiếc máy bay Airbus A320 - 200 mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu, trao đổi với chúng tôi, phi công Nguyễn Thành Trung cho biết, ông đang theo dõi liên tục các thông tin.

"Đến giờ này, các thông tin cụ thể về chiếc máy bay vẫn chưa rõ ràng nên tôi không thể nói gì hơn ngoài gửi lời chia sẻ đến thân nhân và cầu chúc sự bình an đến hành khách, phi hành đoàn" - nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines bày tỏ.

Là một bài học để chúng ta rút kinh nghiệm

Cùng quan điểm đó, ông Trần Đình Bá, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết, ông đã nghe về thông tin máy bay mất tích và cảm thấy rất buồn.

Ông chia sẻ: "Liên tục trong thời gian qua, các sự cố xảy ra đối với ngành hàng không từ MH17, MH370... đã khiến không chỉ tôi mà mọi người đều cảm thấy đau xót. Giờ đây, khi nghe tin về việc lại một máy bay của hãng AirAsia mất tích càng làm cho tôi cảm thấy buồn hơn".

Cũng theo ông Bá, hiện các thông tin cụ thể về sự mất tích của chiếc máy bay cùng hành khách, phi hành đoàn đang được lực lượng chức năng của các nước tiến hành làm rõ.

Ở đây, chúng ta cũng chưa thể nói được điều gì cũng như đưa ra bất cứ nhận định nào cả. Mọi vấn đề sẽ phải cần thời gian để các cơ quan chức năng điều tra cụ thể. Chúng ta chỉ có thể gửi lời chia sẻ, động viên đến thân nhân các hành khách và mong sao mọi sự tốt đẹp sẽ đến.

TS Trần Đình Bá.Ông Trần Đình Bá

Đồng thời, ông Bá cũng nhìn nhận, với hàng không Việt Nam, tuy chưa để xảy ra các sự cố lớn nhưng vụ việc này cũng là một bài học để chúng ta cần phải rút kinh nghiệm.

"Vấn đề an toàn hàng không là vấn đề luôn luôn phải được đảm bảo hàng đầu. Trong đó, vấn đề về chất lượng máy bay, giờ bay luôn được quốc tế coi trọng. Qua sự cố này, Việt Nam chúng ta cũng cần rút ra bài học về việc đảm bảo an toàn hàng không, thường xuyên kiểm tra các máy bay. Đồng thời, phát triển các phương tiện bay để đảm bảo máy bay luôn mới và giờ bay phải an toàn" - ông Bá nhấn mạnh.

Từng 3 lần cố gắng đầu tư vào Việt Nam

Còn chia sẻ trên trang cá nhân của mình, TS Lương Hoài Nam, một chuyên gia hàng không cho biết, hãng hàng không AirAsia đã từng 3 lần cố gắng đầu tư vào hàng không giá rẻ ở Việt Nam.

"Lần thứ nhất là với Pacific Airlines, khi tôi là Tổng Giám đốc ở đó. Cá nhân tôi muốn AirAsia và Tony, nhưng Bộ Tài chính đã không chọn AirAsia vì họ trả giá thấp hơn đáng kể so với Qantas của Úc, người đề xuất mô hình hàng không giá rẻ Jetstar.

Lần thứ hai AirAsia định đầu tư làm hàng không giá rẻ cùng với Vinashin, với tên gọi Vina AirAsia. Thú thực, vì lợi ích của Jetstar Pacific, tôi không ủng hộ dự án này được.

Lần thứ ba AirAsia định đầu tư làm hàng không giá rẻ với một đối tác Việt Nam khác ở Việt Nam. Tôi ít nhiều ủng hộ, nhưng dự án này của AirAsia cũng không thành" - ông Nam cho biết.

Gia đình của các hành khách trên chuyến bay QZ 8501 của AirAsia chờ đợi tin tức của người thân tại sân bay Juanda ở Surabaya (Indonesia) - Ảnh: Reuters
Gia đình của các hành khách trên chuyến bay QZ 8501 của AirAsia chờ đợi tin tức của người thân tại sân bay Juanda ở Surabaya (Indonesia) - Ảnh: Reuters

"AirAsia là hãng hàng không giá rẻ mẫu mực. Tony Fernandes (Tổng Giám đốc AirAsia) là một doanh nhân đáng kính, người có thể coi là lãnh tụ của cách mạng hàng không giá rẻ Châu Á, mang lại cơ hội đi máy bay với giá vé rẻ cho hàng trăm triệu người dân ở khu vực này. Trong các công việc cũ, tôi đã gặp và làm việc với Tony một số lần.

Tôi dành cho con người này sự kính trọng đặc biệt vì tài năng, tầm nhìn kinh doanh. Tôi cũng thích tính vui nhộn, nghịch ngợm ở ông. Tôi đã cố gắng học từ ông, dù chưa được nhiều" - TS Lương Hoài Nam chia sẻ trên trang cá nhân.

Ông Nam cũng bày tỏ, có thể nói, nếu không có AirAsia thì chưa chắc đã có hàng không giá rẻ ở Việt Nam, chưa chắc đã có sự bùng nổ thị trường hàng không nội địa ở nước ta từ năm 2007 đến nay.

"Hôm nay tôi rất buồn khi nghe tin về chuyến bay QZ8501 của Indonesia AirAsia, công ty con của AirAsia. Tôi vẫn cầu mong một điều diệu kỳ, một kết cục có hậu cho chuyến bay này và những hành khách, tổ bay trên chuyến bay. Nếu không thể có kết quả có hậu được cho tất cả họ thì cho thật nhiều người trong số họ, càng nhiều càng tốt" - ông Nam chia sẻ thêm.

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ phía Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Indonesia và Singapore.

Tuy nhiên, phía hàng không Việt Nam sẽ sẵn sàng công tác hỗ trợ tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích bất cứ khi nào có yêu cầu. Ông Thanh cũng cho hay, vì thông tin vụ việc còn đang được các nước tiến hành điều tra, làm rõ, nên chưa thể nói qua đây rút ra được bài học gì cho hàng không Việt Nam.

"Tuy nhiên, trong năm qua, chúng tôi đã và đang tiếp tục tiến hành rất mạnh mẽ công tác đảm bảo an toàn, đảm bảo kỹ thuật đối với ngành hàng không. Đây là yếu tố đầu tiên của việc đảm bảo chất lượng dịch vụ" - ông Thanh nói.

Theo Bộ Giao thông Indonesia, trên máy bay mất tích của hãng hàng không AirAsia sáng sớm 28/12, có tổng cộng 162 người. Trên chuyến bay có 2 phi công, 4 tiếp viên và 1 kỹ sư trên máy bay, 155 hành khách gồm 138 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh.

Trong đó có 156 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia và 1 người Anh. Cơ trưởng của chuyến bay này đã thực hiện 6.100h bay.

Theo Đại lộ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X